Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghị định khác luật!

Sau nửa năm được miễn giảm, từ tháng 7-2009 việc nộp thuế thu nhập của cá nhân bắt đầu được thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007. Thế nhưng so với luật, văn bản dưới luật lại hướng dẫn khác.

 

Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép miễn trừ gia cảnh trước khi tính thuế thu nhập đối với cả bản thân người nộp thuế và những người phụ thuộc. Mặc dù còn nhiều ý kiến cho rằng mức khấu trừ là thấp, nhưng mức miễn trừ đã được ghi nhận trong luật và có hiệu lực. Bản thân người nộp thuế được giảm trừ 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm).

Việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đối với người nộp thuế là điểm mới của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Điều 19 của luật quy định rõ: Mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng (19,2 triệu đồng/năm). Tuy nhiên điểm tiến bộ nhất của luật đã bị “giảm trừ” đáng kể trong Nghị định quy định chi tiết thi hành luật số 100/2008/NĐ-CP.

Theo điều 12 của nghị định này, nếu người phụ thuộc có mức thu nhập từ tất cả các nguồn như lương hưu, trợ cấp, buôn bán lặt vặt, làm ruộng... mà mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/tháng (6 triệu đồng/năm) trở lên, thì sẽ không được tính là người phụ thuộc nữa. Điều đó có nghĩa là, nếu một người thuộc diện nộp thuế kèm theo một người phụ thuộc, thì thu nhập của hai người trên 5,6 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế theo Quốc hội.

Nhưng cũng hai người ấy, chỉ có thu nhập trên 4,5 triệu đồng đã phải nộp thuế thu nhập theo hướng dẫn của Nghị định Chính phủ. Như vậy, rõ ràng là đối tượng phụ thuộc, nhưng pháp luật lại “buộc” phải là độc lập. Tính công bằng mà luật hướng tới sẽ bị giảm đi đáng kể khi những người có thu nhập thấp hơn cả mức lương tối thiểu mà lại không được tính là người phụ thuộc.

Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng cho miễn thuế khá rộng rãi đối với 14 loại thu nhập, như thu nhập từ bán, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu và giữa anh, chị, em ruột với nhau; thu nhập từ bán một tài sản là nhà đất ở duy nhất; thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm, tiền kiều hối...

Luật cũng cho phép giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng là con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động. Rồi nhân đạo hơn nữa là còn cho phép khấu trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với cả những khoản đóng góp cho các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tàn tật, người già không nơi nương tựa và đóng góp cho các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

Tuy nhiên, để được khấu trừ thu nhập đối với chính những đối tượng ruột thịt, thân thiết của người nộp thuế, thì lại phải đáp ứng được những điều kiện rất khắt khe thì mới được khấu trừ. Những điều kiện đó là vợ, chồng nhưng phải không có khả năng lao động; là bố, mẹ nhưng đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; là những người khác không nơi nương tựa. Điều kiện đồng thời nữa kèm theo là tất cả những người phụ thuộc này phải không có thu nhập gì hoặc tuy có thu nhập, nhưng không vượt quá mức quy định.

Sẽ chẳng có gì để nói, nếu mức thu nhập của những người này đạt mức 1,6 triệu đồng trở lên. Nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn luật lại đặt ra mức thu nhập không vượt quá 500.000 đồng/tháng trong mọi trường hợp. Như vậy, dù họ có thực sự sống phụ thuộc vào đối tượng nộp thuế, thì cũng sẽ không được phép đưa vào diện người phụ thuộc theo luật để tính khấu trừ thu nhập trước khi nộp thuế.

Thế là, dù vợ chồng, bố mẹ không có một đồng thu nhập nào, thì vẫn không được tính là người phụ thuộc, nếu như họ vẫn chưa đủ 60 tuổi (đối với nam) hoặc 55 tuổi (đối với nữ). Rồi con cái, vợ chồng, bố mẹ, ông bà, dù là người tàn tật hay không có khả năng lao động, thì cũng không được xem là người phụ thuộc, nếu như họ có bất kỳ khoản thu nhập nào bình quân từ 500.000 đồng/tháng trở lên.

Ngoài ra, dù người nộp thuế trên thực tế có nuôi dưỡng những người ruột thịt như anh chị, ông bà, cô dì chú bác, cháu, nhưng cũng không được tính là người phụ thuộc nếu như không “trực tiếp nuôi dưỡng”.

Điều đó là không hợp lý và không thực tế, đặc biệt là đối với trường hợp một người phải nuôi dưỡng nhiều người thuộc dạng này. Thật là không công bằng khi mà pháp luật thuế thu nhập khuyến khích việc đóng góp nuôi dưỡng giúp đỡ người xa lạ bên ngoài xã hội, trong khi chính người nhà ruột thịt thì lại phải bỏ qua.

(*) Chủ tịch Công ty Luật BASICO

 

(Theo Luật sư Trương Thanh Đức (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Đất công: Lãng phí đến bao giờ?!
  • Phải hạn chế những khe hở pháp luật
  • Vụ bán lừa 47 biệt thự tại An Khánh: Lỗ hổng “góp vốn”
  • Từ việc khởi tố vụ làm rượu giả quy mô lớn: Trùng tên và hàng giả
  • Thực tiễn và pháp luật còn chênh nhau
  • Phán quyết lạ thường về vận đơn
  • Phá sản hay giải thể?
  • Luật Bồi thường: Khó, cũng không thể bàn lùi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%