Theo báo cáo mới nhất, của Tổng cục quản lý đất đai thuộc Bộ tài nguyên và môi trường: Trong số 7.507.318 ha đất Nhà nước giao cho các tổ chức thì có tới hàng trăm nghìn hécta sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật…
Tình trạng buông lỏng quản lý đất đai gây nên những hiệu ứng xã hội bất thuận đó là trên 80% ý kiến kiến nghị của cử tri và hơn 85% các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai, nhà cửa, đền bù giải phóng mặt bằng. Bởi vậy trong những ngày đầu tháng 5/2009, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề xuất thu hồi 104 cơ sở nhà đất sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả. Tại TP Hồ Chí Minh có tới 96.000.000 m2 đất và các công trình gắn liền với đất tọa lạc ở những vị trí rất đắt địa do các cơ quan trung ương, địa phương và các DN quản lý cũng rơi vào tình trạng như trên. Thường trực ban chỉ đạo kiểm kê quỹ đất của TP Hồ Chí Minh công bố ngày 10/2/2009 tại thành phố có 348 khu đất với 1.170 ha bị bỏ hoang, 285 khu cho thuê trái phép, 65 khu cho mượn trái pháp luật bao gồm cả tài sản gắn liền trên đất.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt câu hỏi: Nếu rà soát quỹ đất giao cho hàng trăm DN nhà nước, hàng chục bộ, ngành, hàng nghìn đơn vị trung ương và địa phương thì sẽ phát hiện lãng phí biết bao nhiêu đất công. Trị giá bao trăm ngàn tỷ và rất có thể Chính phủ đủ nguồn lực trang trải cho các nhu cầu an sinh xã hội chứ không cần phải trình Quốc hội tại kỳ họp này để phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20 nghìn tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thu hồi số đất vàng, nhà ngọc đang hàng ngày, hàng giờ bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích hoặc hàng nghìn ha đất bị hoang hóa do hậu quả của các dự án treo xuyên thế kỷ để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất, nộp cho ngân sách nhà nước hoặc chuyển mục đích sử dụng cho các công trình phúc lợi xã hội. Trong khi đó việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho sinh viên, bệnh viện, trường học, trạm y tế, cho các thiết chế văn hóa, nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội đang từng giờ, từng phút trông chờ quỹ đất. Dự kiến đến năm 2015 mới có khoảng 60% sinh viên cơ sở đào tạo và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được đáp ứng chỗ ở, tỷ lệ này là rất thấp. Hiện nay tỷ lệ này mới khoảng 20 - 22%.
Việc lỏng lẻo trong quản lý đất đai và tài sản công gắn liền với đất không những gây thất thoát nguồn lực của xã hội mà còn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí. Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thời sự nhất là Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước được Quốc hội mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Vì vậy Chính phủ, các cơ quan chức năng của Chính phủ ráo riết vào cuộc, tổng rà soát toàn bộ quỹ đất, quỹ nhà, tài sản công trên cả nước. Có giải pháp trước mắt và lâu dài chấn chỉnh sai phạm, lập lại trật tự trong lĩnh vực này.
Nhiều cử tri kiến nghị: Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính với tư cách là quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở, công sản cần giải trình trước Quốc hội về nhóm vấn đề đang được Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.
(Theo Đông Hưng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com