Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phải hạn chế những khe hở pháp luật

Do những điểm chưa rõ ràng trong thực thi luật, người dân sẽ không làm thủ tục nếu chưa có nhu cầu bức thiết. Ảnh: Lê Toàn

Để pháp luật được tuân thủ nó phải phản ánh đúng nhu cầu và sự phát triển của cuộc sống và phải khả thi. Các nhà làm luật cần sâu sát hơn với cuộc sống, với thực tiễn, cần tính đến việc làm thế nào để thực thi các quy định do mình xây dựng, đừng để các lỗ hổng pháp luật khiến người dân phải vất vả trước cửa công quyền.

Quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường đặt ra những đòi hỏi cấp bách kiện toàn hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trong cơ chế này. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua của chúng ta vẫn bộc lộ nhiều hạn chế chậm được khắc phục, đặc biệt là trong hai khía cạnh.

Thứ nhất, tình trạng mà các chuyên gia gọi là “luật ống” vẫn không thể khắc phục. Luật có hiệu lực không thể đi vào cuộc sống chừng nào chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Thứ hai, sáng kiến và bản thân việc xây dựng luật do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo một quy trình khá quan liêu nên nội dung luật mang nhiều yếu tố chủ quan, xa rời thực tiễn.

Luật Thuế thu nhập cá nhân là một ví dụ. Đây là một luật rất quan trọng, tiến bộ, có ý nghĩa to lớn về xã hội. Trong quá trình thảo luận, các ý kiến đóng góp của xã hội chủ yếu tập trung vào ngưỡng thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, có những bất cập lớn vẫn tồn tại trong một lĩnh vực rất quan trọng là thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Những bất cập này không chỉ ngăn cản một luật quan trọng, tiến bộ đi vào cuộc sống, gây thất thu cho Nhà nước mà còn tạo khe hở cho tham nhũng.

Trong luật có liệt kê các trường hợp thay đổi sở hữu phải chịu thuế bao gồm chuyển nhượng, cho, thừa kế… nhưng không đề cập trường hợp trao đổi (hai người đổi nhà, đất cho nhau sang ngang hoặc cược thêm tiền). Khi cá nhân đưa hợp đồng trao đổi nhà đi làm thủ tục, cơ quan đăng ký có thể linh hoạt áp thuế như với diện mua bán nhưng cũng có thể từ chối vì trường hợp này “không được quy định trong luật và chưa có văn bản hướng dẫn”.

Trong trường hợp sau, để được việc người có nhu cầu làm thủ tục hoặc phải “nói khó” hoặc chấp nhận làm thêm một hợp đồng mua bán (giả) bên cạnh hợp đồng trao đổi (thật). Như vậy, việc luật thiếu bao quát các tình huống đã khiến người dân phải lách bằng hành vi trái pháp luật (làm hợp đồng mua bán giả) hoặc chi tiêu cực phí.

Một điều khoản rất gây tranh cãi trong thực thi hiện nay là điều khoản về điều kiện được miễn thuế thu nhập cá nhân khi nhà chuyển nhượng là nhà duy nhất. Dụng ý tích cực của nhà làm luật khi đưa ra điều khoản này là nhằm xác định đối tượng chính phải chịu thuế thu nhập là những người kinh doanh bất động sản hoặc có nhiều bất động sản. Những người mua bán nhà vì nhu cầu thay đổi chỗ ở không phải đối tượng chính điều chỉnh của luật.

Tuy nhiên, quy định này làm nảy sinh vấn đề làm sao xác định “người bán chỉ có một nhà duy nhất”. Theo luật và Thông tư 84 của Bộ Tài chính, người bán nhà tự kê khai và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nhà chuyển nhượng là nhà duy nhất.

Tuy nhiên các cơ quan chịu trách nhiệm làm thủ tục chuyển nhượng hiện nay đều không chấp nhận hình thức cam kết này với lý do “chưa có hướng dẫn về cách thức xác minh và mức độ phạt nếu kê khai sai”. Người chuyển nhượng hoặc chấp nhận nộp thuế (tức từ bỏ lợi ích chính đáng được pháp luật quy định) hoặc ăn chia với cán bộ tính thuế để được miễn giảm.

Do những điểm chưa rõ ràng trong thực thi luật, người dân sẽ không làm thủ tục nếu chưa có nhu cầu bức thiết. Trong trường hợp phải có sổ đỏ để xin cấp phép xây dựng, thế chấp… người dân sẽ phải chạy vạy, chấp nhận ăn chia với cán bộ tính thuế để được miễn giảm thuế theo quy định. Thông thường trong những trường hợp này, người có quyền lợi chính đáng thì không được hưởng trong khi những đối tượng phải nộp thuế sẽ tìm cách mua chuộc cán bộ để lẩn tránh nghĩa vụ thuế.

Trong mọi trường hợp, Nhà nước là bên chịu thua thiệt vì thất thu thuế. Ý nghĩa tích cực của luật không đạt được. Và điều đáng lo ngại hơn là kỷ cương phép nước bị xâm hại, tư cách cán bộ công chức bị thoái hóa.

Chúng ta đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội là hết sức quan trọng. Nhưng để pháp luật được tuân thủ nó phải phản ánh đúng nhu cầu và sự phát triển của cuộc sống và phải khả thi. Các nhà làm luật cần sâu sát hơn với cuộc sống, với thực tiễn, cần tính đến việc làm thế nào để thực thi các quy định do mình xây dựng, đừng để các lỗ hổng pháp luật khiến người dân phải vất vả trước cửa công quyền.

(Theo Nguyễn Trí Dũng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Vụ bán lừa 47 biệt thự tại An Khánh: Lỗ hổng “góp vốn”
  • Từ việc khởi tố vụ làm rượu giả quy mô lớn: Trùng tên và hàng giả
  • Thực tiễn và pháp luật còn chênh nhau
  • Phán quyết lạ thường về vận đơn
  • Phá sản hay giải thể?
  • Luật Bồi thường: Khó, cũng không thể bàn lùi
  • Đã khó, lại khổ
  • Cẩn trọng khi mua bảo hiểm nhân thọ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%