Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Số phận 223 dự án cao tầng trung tâm Hà Nội

Cơ sở hạ tầng của nội thành Hà Nội hiện đang quá tải nặng nề, vì vậy việc xây dựng nhà cao tầng ở khu vực này rất cần được quản lý chặt chẽ

Số phận 223 dự án cao tầng trung tâm Hà Nội đã ngã ngũ sau hơn nửa năm chờ đợi. Chỉ hơn 1 tháng sau khi Hà Nội chính thức có kiến nghị hướng xử lý 223 dự án nhà cao tầng ở trung tâm thành phố, Chính phủ đã có phúc đáp rất rõ ràng với từng dạng dự án cụ thể. Theo đó, các dự án đã cấp phép trước 9/12/2009 được “đi” tiếp.

Phải có giấy phép xây dựng

Theo Thông báo từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức có ý kiến kết luận về việc xây dựng công trình cao tầng trong 4 quận nội thành Hà Nội. Theo đó, các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được cấp phép xây dựng trước ngày 9/12/2009 (ngày ban hành văn bản số348/TB-VPCP) sẽ được tiếp tục triển khai. Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải lưu ý việc xem xét, xử lý việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực 4 quận nội thành trong thời gian tới cần phải tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, theo quan điểm và nguyên tắc quản lý không gian, tuân thủ Quy chuẩn quy hoạch xây dựng; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết đô thị, điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực”.

Đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đối với các dự án khác, sẽ xem xét sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt và quy chế mới về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được ban hành, bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Riêng đối với những dự án có ảnh hưởng lớn đến định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội nghiên cứu, thỏa thuận với chủ đầu tư xác định phương án chuyển đổi phù hợp. Thủ tướng khuyến khích việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các nhu cầu công cộng như công viên, cây xanh, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nhằm giảm ách tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống đô thị.

Không phải đều được triển khai ngay

Tuy đã thoát cảnh phải chờ đợi trong tuyệt vọng, nhưng không phải tất cả các dự án cao tầng ở trung tâm Hà Nội đều được “dàn hàng ngang tiến lên phía trước”. Kết quả rà soát trước đó của UBND TP Hà Nội cho biết, trung tâm Hà Nội có 223 dự án các công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên) trên địa bàn các quận trung tâm phải dừng triển khai theo Thông báo số 348/TB-VPCP. Trong đó, quận Đống Đa có nhiều nhất, tới 91 dự án. Tiếp đó, quận Ba Đình đứng thứ 2 (60 dự án), quận Hai Bà Trưng (53 dự án) và quận Hoàn Kiếm ít nhất (19 dự án). Trong số 223 dự án này, chỉ có khoảng 54 dự án (loại 1) được đánh giá phù hợp quy hoạch, đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục pháp lý và mang tính bức thiết trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, sẽ nằm trong diện được tiếp tục triển khai ngay. Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Quận Ba Đình có 60 dự án thì có khoảng 10 dự án thuộc nhóm 1. Tương tự, quận Đống Đa có tới 91 dự án thì chỉ có 19 dự án được đề nghị triển khai tiếp ngay thôi”. Đương nhiên, số còn lại, nếu không trái quy hoạch, sẽ được thành phố Hà Nội xem xét việc có cho tiếp tục triển khai hay không.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để quản lý các dự án này, thành phố sẽ phải lập ra bản đồ phân vùng kiểm soát phát triển cao tầng. Theo đó, ngoài 4 khu vực cấm xây dựng cao tầng (khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố cổ, khu hồ Gươm và phụ cận, khu Thành cổ), thành phố đưa ra khái niệm 5 khu vực cần “kiểm soát đặc biệt”, hạn chế nhưng không cấm xây dựng nhà cao tầng, bao gồm xung quanh hồ Trúc Bạch cho đến phía bắc Phan Đình Phùng và Yên Phụ; khu giới hạn bởi phố Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học; khu giới hạn bởi phố Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Lê Duẩn, Giảng Võ; khu phía bắc quận Hai Bà Trưng, giới hạn bởi Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Trần Khánh Dư - Nguyễn Du - Lê Duẩn và phần còn lại của quận Hoàn Kiếm.

54/223 dự án có thể triển khai tiếp ngay, số còn lại vẫn phải… chờ.

Cuối cùng, thành phố cũng chỉ ra thêm 2 khu vực “phát triển có điều kiện” gồm phía Tây quận Ba Đình, từ đường Kim Mã đến đường ven hồ phía Nam hồ Tây, Bưởi, Đào Tấn -  Kim Mã và toàn bộ khu vực còn lại của khu trung tâm, được giới hạn bởi đường vành đai 2 (Láng - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Quốc Tử Giám - Cát Linh - Kim Mã - Đào Tấn - Bưởi). Cũng cần nói thêm là, trong khi các doanh nghiệp thực sự vui mừng vì được “cởi trói” thì giới kiến trúc sư - những người bảo lưu quan điểm không nên cho phép xây dựng nhà cao tầng trong nội thành - chẳng thể hài lòng. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, đô thị không thể thiếu nhà cao tầng, trung tâm thương mại, nơi vui chơi... Vấn đề căn bản là ở chỗ hạ tầng của Hà Nội quá lạc hậu, không theo kịp sự phát triển nên yêu cầu bức bách là đầu tư, cải tiến hệ thống hạ tầng giao thông cũng như tập trung phát triển các đô thị vệ tinh để hạn chế áp lực đối với khu trung tâm.

Liên quan tới các dự án cao tầng ở nội thành, như một hiệu ứng “ăn theo”, có thông tin cho rằng, giá nhà biệt thự cổ, vốn là địa chỉ rót vốn quan trọng của giới đầu tư để xây dựng nhà cao tầng, sẽ tăng trở lại sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia địa ốc của Hà Nội cho rằng, những là thông tin này không có cơ sở. Việc mua bán biệt thự vẫn có thể diễn ra bình thường, song chuyện xin phá dỡ biệt thự và được cấp phép xây dựng cao ốc trên nền đất biệt thự cũ là không thể xảy ra. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, thành phố đặc biệt bảo lưu quan điểm “không được phá dỡ biệt thự cổ”. Ngay cả với trường hợp biệt thự cổ đã bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ cũng phải được Sở Xây dựng kiểm tra, có báo cáo thẩm định tình trạng hư hỏng và cấp Giấy phép xây dựng, cải tạo sau khi có ý kiến thỏa thuận với Sở Quy hoạch Kiến trúc. Đồng thời, khi xây dựng lại, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng kiểu dáng, kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và tuân thủ quy hoạch (mật độ, số tầng cao) của biệt thự cũ, chứ không có chuyện chuyển thành cao ốc giữa nội thành.

Đầu tư khách sạn nghỉ dưỡng còn nhiều triển vọng

Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn bất động sản CB Rechard Ellis (CBRE) được công bố ngày 21/7/2010, thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều thay đổi, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt là thị trường khách sạn nghỉ dưỡng vẫn có nhiều triển vọng hấp dẫn.

Ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE cho rằng, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có cảnh quan hấp dẫn với bờ biển đẹp tự nhiên, đồi núi cao, thành phố đông đúc…, đang là một thị trường hứa hẹn. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi; niềm tin của các nhà đầu tư và lượng khách trong khu vực tới Việt Nam tiếp tục tăng… là những yếu tố giúp cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, ông Robert McIntosh lưu ý, đối với các thị trường phát triển vấn đề quan trọng là chiến lược giá; còn đối với những thị trường mới khác cần quan tâm đến kiểm soát chi phí, thương hiệu, hệ thống phân phối và quy mô phù hợp.

(Theo Phương Mai // Báo Doanh nhân))

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Vướng về yêu cầu xác nhận vốn pháp định trong thủ tục đăng ký kinh doanh
  • Sẽ có thuế bảo vệ môi trường
  • Quyền sở hữu không chỉ nặng về vốn
  • Nghị định 37/2010/NĐ-CP không mâu thuẫn với Luật Quy hoạch đô thị
  • 19 doanh nghiệp bảo hiểm “bắt tay” vi phạm Luật Cạnh tranh: Phán quyết thỏa đáng
  • Dòng xe sạch “choáng” khi bị truy thu thuế
  • Tăng giá viện phí: Nặng gánh
  • Truy thu thuế xe Hybrid: Chưa có cơ sở - làm sao tính thuế?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%