Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Ít yêu cầu bồi thường, vì sao?

Người dân và doanh nghiệp vẫn ngại kiện các cơ quan công quyền ra tòa

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010, song dường như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống như được kỳ vọng. Phải chăng, người dân ngại đi kiện hoặc không đủ chứng lý để kiện?

Theo thống kê từ Bộ Tư pháp, tính từ ngày Luật có hiệu lực đến nay, các cơ quan nhà nước mới nhận được 141 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền yêu cầu bồi thường không lớn, số vụ việc yêu cầu bồi thường không đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.

Thiếu hướng dẫn!

Một nguyên nhân quan trọng khiến số vụ việc tiếp nhận chưa nhiều là do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, mặc dù Luật có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm 2010, nhưng đến ngày 3/3/2010, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Tiến độ triển khai xây dựng các thông tư hướng dẫn vấn đề này để áp dụng cho các lĩnh vực cụ thể cũng không đồng đều. “Trong khi Bộ Tài chính về cơ bản đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước về bồi thường thì đáng quan ngại nhất là tiến độ xây dựng các thông tư liên quan đến bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Hiện nay, quá trình soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự mới đang ở giai đoạn thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập”, ông Liên nhận định.

* Nhận được nhiều yêu cầu bồi thường nhất trong 6 tháng vừa qua là Bộ Tài chính (123 đơn), với đại đa số đối tượng yêu cầu là các doanh nghiệp cho rằng mình bị thiệt hại bởi các quyết định không chính xác trong lĩnh vực thuế và hải quan... Trong số này, có 12 trường hợp không thụ lý, 95/111 trường hợp còn lại đã giải quyết xong, 16 trường hợp đang giải quyết. Bộ Ngoại giao có 1 vụ việc, nhưng không đủ điều kiện thụ lý.

* Trong số các địa phương, tỉnh Thanh Hóa có nhiều vụ việc có đơn yêu cầu bồi thường hơn cả: 8 vụ, tất cả đều đang trong quá trình giải quyết. Thái Nguyên có 3 vụ; các tỉnh khác như Yên Bái, Cần Thơ... đều chỉ có 1 vụ. Hà Nội và TPHCM chưa vụ việc nào có đơn yêu cầu bồi thường.

Như chính vị Thứ trưởng đã chỉ rõ, ngay cả việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước dành cho mục đích bồi thường hiện vẫn chưa có hướng dẫn chính thức. Chính vì vậy mà “khoản chi này chưa biết tính vào đâu”, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng bình luận. Hai thông tư liên tịch được Chính phủ giao cho chính Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, bao gồm thông tư liên tịch về thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thông tư liên tịch về thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự cũng... chưa được ban hành! (Cho tới Hội nghị Sơ kết Công tác sáu tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ Tư pháp mới hứa, hai văn bản nêu trên sẽ được ban hành trong tháng 8 tới).

Chưa biết quyền của mình nên vẫn ngại

Tuy nhiên, đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động bồi thường của Nhà nước cho những tổ chức, công dân bị thiệt hại mới chỉ là điều kiện cần để Luật này phát huy tác dụng. Về việc địa phương mình chưa có trường hợp nào “đòi” Nhà nước đền bù, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng cho rằng, “chưa vội lấy làm mừng”. Ông nói: “Theo tôi, việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa yêu cầu đền bù không phải là vì các cơ quan nhà nước đang hoạt động quá hoàn hảo, mà chủ yếu là do tổ chức, cá nhân chưa ý thức được quyền lợi chính đáng của mình. Ít có người biết rằng, nếu chẳng may sa chân vào một hố ga mất nắp, bị thương, phải nghỉ làm việc là họ hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty thoát nước phải đền bù. Hoặc việc chậm cấp số đỏ do lỗi của cơ quan nhà nước có thể gây ra những thiệt hại về kinh tế rất lớn mà đối tượng bị thiệt hại cũng có thể yêu cầu bồi thường”.Đây cũng là quan điểm của ông Đỗ Trọng Thủy, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Hà Nội. Ông Thủy cho biết, trong 6 tháng qua, một số vụ việc trên địa bàn Hà Nội đã được các cơ quan tố tụng công khai thừa nhận sai sót trong quá trình điều tra xét xử, nhưng cũng chưa thấy các đối tượng liên quan yêu cầu bồi thường. “Tâm lý ngại “đối đầu” với cơ quan công quyền là có thật”, ông Thủy nhận xét.

Không lo ngại kinh phí bồi thường có thể dẫn tới thâm hụt ngân sách, ông Thái bày tỏ quan điểm, những quy định trong Luật là khá kín kẽ, trong đó có giới hạn trần bồi thường và mức độ chia sẻ trách nhiệm giữa cơ quan Nhà nước với cá nhân công chức gây ra thiệt hại. “Tất nhiên, ngân sách nhà nước ban đầu có thể phải gánh thêm một số khoản chi, nhưng cái được về lâu dài là cán bộ công chức sẽ phải hành xử thận trọng hơn, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn. Trình độ hiểu biết pháp luật chung cũng được nâng cao, phục vụ mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, ông nói. 

Tán thành với việc cần nhanh chóng thành lập cơ quan chuyên trách giúp thực hiện quản lý nhà nước về bồi thường, ông Thái hiến kế thêm: “Hải Phòng đề nghị hạch toán khoản chi bồi thường vào ngân sách dự phòng của thành phố, bởi lẽ đây là khoản chi phát sinh một cách bất thường, giống như chi cho phòng chống thiên tai, lụt bão... Khi cần thì ta chi, lúc nào cũng đã có tiền sẵn sàng; nếu không cần thì thôi. Như vậy không làm cho một lượng tiền bị “đóng băng” rồi sau đó nếu không dùng hết lại phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích chi, kết dư... rất phức tạp”.

Internet vẫn còn xa lạ với nhiều cán bộ công chức tư pháp

Chỉ có chưa đến một nửa (47%) cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp tại các tỉnh thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử trong công việc. Tại Trường Đại học Luật và cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TPHCM, tỷ lệ này cũng chỉ là 50%. Khoảng 50% số văn bản được trao đổi qua hệ thống mạng của các sở. Đối với các Cục Thi hành án dân sự, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ khoảng 45%.

Đây là những số liệu được cung cấp tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của toàn ngành tư pháp - một ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao. Như vậy, mặc dù Việt Nam đã là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet cao hơn mức bình quân thế giới (với trên 21,5 triệu người sử dụng Internet, đạt gần 25% dân số và tăng gấp 100 lần so với năm 2000); việc đội ngũ cán bộ công chức ứng dụng công cụ hết sức quan trọng này để phục vụ công việc vẫn còn rất hạn chế.

Cổng thông tin điện tử của ngành tư pháp - kênh thông tin chuyên ngành chính xác, đáng tin cậy và nhanh chóng nhất - cũng chỉ được chưa tới 1/3 số đơn vị cấp sở và cục thi hành án dân sự truy cập để khai thác, tìm kiếm thông tin phục vụ công việc. Bản báo cáo của Bộ Tư pháp nhận định, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao. Ở nhiều địa phương, hầu hết cán bộ lãnh đạo đều lớn tuổi, khả năng tiếp cận, lãnh đạo, chỉ đạo về công nghệ thông tin còn hạn chế, thiếu quyết liệt.

Mặc dù gấp 2 lần tỷ lệ chung toàn quốc, tỷ lệ cán bộ công chức viên chức cấp sở, cục của ngành này ứng dụng thành thạo các công cụ Internet cho công việc được coi là thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.

(Theo Cẩm Hà // Báo Doanh nhân)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Số phận 223 dự án cao tầng trung tâm Hà Nội
  • Vướng về yêu cầu xác nhận vốn pháp định trong thủ tục đăng ký kinh doanh
  • Sẽ có thuế bảo vệ môi trường
  • Quyền sở hữu không chỉ nặng về vốn
  • Nghị định 37/2010/NĐ-CP không mâu thuẫn với Luật Quy hoạch đô thị
  • 19 doanh nghiệp bảo hiểm “bắt tay” vi phạm Luật Cạnh tranh: Phán quyết thỏa đáng
  • Dòng xe sạch “choáng” khi bị truy thu thuế
  • Tăng giá viện phí: Nặng gánh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%