Một trong những điều kiện để có được giấy phép hoạt động trong lĩnh vực viễn thông này là doanh nghiệp phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông. Khoản phí này sẽ được thu lần đầu theo mức cố định và thu hàng năm theo tỷ lệ phần trăm doanh thu dịch vụ viễn thông, tuỳ theo loại hình giấy phép viễn thông mà doanh nghiệp được cấp.
Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, sẽ phải nộp lần đầu theo mức cố định và nộp phí hàng năm theo tỷ lệ phần trăm doanh thu dịch vụ viễn thông, nhưng không vượt quá con số 1% và không thấp hơn mức tối thiểu.
Còn đối với các doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, thì sẽ nộp phí thương quyền theo hình thức nộp lần đầu và nộp hàng năm theo mức cố định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, sau khi Nghị định được ban hành, Bộ sẽ tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng dự thảo về mức phí quyền hoạt động viễn thông và trình lên Bộ Tài chính. “Các nước thu khoản phí này bằng 0,5 - 1% tổng doanh thu dịch vụ viễn thông trong 1 năm”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng khẳng định, khi Nghị định có hiệu lực, tất cả các doanh nghiệp có giấy phép viễn thông đều phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông, kể cả những doanh nghiệp đã được cấp phép trước đây. Số tiền thu được từ phí thương quyền sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Ngoài việc phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông, các doanh nghiệp có giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông di động và mạng viễn thông cố định còn phải nộp một khoản tiền đặt cọc tương ứng 5% số tiền cam kết đầu tư trong 3 năm đầu tiên. Theo dự thảo Nghị định, doanh nghiệp thiết lập mạng viễn thông di động sẽ phải cam kết đầu tư 6.000 tỷ đồng trong vòng 15 năm, trong đó, đầu tư ít nhất 2.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm đầu cung cấp dịch vụ. Còn đối với doanh nghiệp thiết lập mạng viễn thông cố định, phải cam kết đầu tư 2.000 tỷ đồng trong vòng 15 năm và ít nhất 1.000 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên cung cấp dịch vụ.
Ông Hải cho biết, quy định doanh nghiệp phải đặt cọc tiền là nhằm bảo đảm thực hiện theo giấy phép. Đây là kinh nghiệm rút ra từ lần thi tuyển cung cấp dịch vụ 3G. 4 doanh nghiệp có giấy phép 3G đã đặt cọc với số tiền lên đến 8.100 tỷ đồng. Số tiền này chỉ trả lại khi doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng hạ tầng mạng lưới và chất lượng dịch vụ theo đúng cam kết. Nếu không thực hiện đúng theo cam kết, doanh nghiệp sẽ bị phạt và tiền phạt sẽ được lấy từ chính khoản tiền mà doanh nghiệp đặt cọc. Có lẽ cũng chính vì “của đau con xót”, mà các doanh nghiệp có giấy phép 3G đã thực hiện một cách nghiêm túc những cam kết của mình.
(Theo Huyền Anh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com