Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối điện đều đang đầu tư vào phát điện. Ảnh: Đức Thanh |
Trên thực tế, các doanh nghiệp của ngành điện hoạt động trong lĩnh vực phân phối điện, gồm 5 tổng công ty lớn và Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa, đều đang đầu tư vào các doanh nghiệp phát điện, với các mức độ và quy mô khác nhau. Cụ thể, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung có vốn điều lệ 500 tỷ đồng được thành lập từ năm 2004, với các cổ đông là Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và EVN. Hiện tại, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung đang đầu tư Dự án điện A Lưới có công suất 170 MW.
Hay Tổng công ty Điện lực miền Bắc còn là nhà đầu tư có cổ phần chi phối khi chiếm 55% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 1, nơi đang triển khai xây dựng 5 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa, gồm Hố Hô, Vũ Quang, Nậm Cắn, Nậm Pay và Nậm Mức.
Ngay Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa cũng đang là nhà đầu tư chiếm cổ phần chi phối trong dự án thủy điện nhỏ quy mô 7 MW tại khu vực này. Ngoài ra, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa còn tham gia với tư cách mua cổ phần của một số doanh nghiệp đang đầu tư dự án thủy điện nhỏ, như Krong Năng.
Tuy nhiên, không chỉ có các doanh nghiệp của EVN hoạt động trong lĩnh vực phân phối có đầu tư vào các dự án nguồn điện, mà nhiều nhà đầu tư ngoài EVN cũng được phép vừa sản xuất vừa phân phối điện. Công ty Điện Hiệp Phước (HPPC) là một ví dụ. Đơn vị này đang là chủ của nhà máy điện công suất 375 MW, nhưng lại trực tiếp kinh doanh bán điện cho các khách hàng cuối cùng là các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, với sản lượng chiếm khoảng 1/3 công suất của nhà máy.
Dù Nghị định 68/2010/NĐ-CP với quy định xử phạt các đơn vị phân phối điện với hành vi góp vốn thành lập hay mua cổ phần các đơn vị phát điện có hiệu lực từ ngày 2/8/2010, nhưng khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các đại diện đến từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa hay Công ty Điện Hiệp Phước đều thừa nhận chưa nắm bắt được quy định này, cũng như không hiểu các cơ quan chức năng sẽ vận dụng như thế nào vào thực tế hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho hay, các đơn vị phân phối điện đã góp vốn vào các công ty phát điện trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì giải quyết ra sao? Đó là chưa kể, việc doanh nghiệp muốn thoái vốn của mình ở các đơn vị phát điện cũng không dễ, vì cổ phiếu ngành điện không hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.
Một doanh nghiệp khác cũng cho biết, trong khi đầu tư vào lĩnh vực phát điện đang rất khó khăn, kêu gọi rất nhiều, nhưng không có nhiều nhà đầu tư lớn bỏ tiền vào đây, thì việc các doanh nghiệp trong ngành điện nỗ lực tham gia đầu tư để tạo thêm nguồn cung về điện là điều cần được hoan nghênh, thay vì phạt tiền như quy định tại Nghị định nêu trên.
Cần phải nói thêm là, tại 5 tổng công ty phân phối điện nói trên, ngoài “hoạt động phân phối điện theo giấy phép hoạt động điện lực”, trong chức năng, nhiệm vụ của các doanh nghiệp này còn có cả “sản xuất và kinh doanh điện năng”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một quan chức cấp cao của Cục Điều tiết điện lực, cơ quan đảm nhiệm chính việc soạn thảo Nghị định 68/2010/NĐ-CP cho hay, quy định đặt ra là để tránh tạo ra những liên kết theo hướng thao túng thị trường giữa đơn vị phát điện với đơn vị phân phối điện. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, với thực tế thị trường hiện nay đã có sẵn việc đầu tư của các đơn vị phân phối vào đơn vị phát điện, thì các hướng dẫn thi hành Nghị định 68/2010/NĐ-CP cũng sẽ nghiên cứu để điều chỉnh vấn đề sao cho doanh nghiệp không thiệt thòi, mà ngành điện vẫn thu hút được vốn đầu tư.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com