Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liệu có phải là gian lận thương mại?

Xe Hydrid, dòng xe mà Bộ Tài chính đã ra quyết định truy thu thuế. Ảnh: Lê Toàn.

Kết luận một vụ việc có gian lận thương mại hay không đôi khi không phải là chuyện dễ dàng, điều đó đặc biệt đúng khi bàn tới cuộc tranh cãi xung quanh câu chuyện nhập khẩu ô tô từ Hàn Quốc thời gian gần đây.

Chuyện cũ chưa xong...

Bộ Tài chính cho rằng một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chở người năm chỗ ngồi nhãn hiệu Kia Morning Van và Daewoo Matiz trọng tải 300 kg từ Hàn Quốc đã khai báo sai với hải quan là xe bán tải (hay còn gọi là xe van) để trốn thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, hành vi trên, theo Bộ Tài chính, được liệt vào “tội” gian lận thương mại và các doanh nghiệp này sẽ bị truy thu 34 tỉ đồng tiền thuế bị thất thoát.

Tuy nhiên, sau hơn một năm giằng co, vụ việc vẫn chưa giải quyết xong và các doanh nghiệp này vẫn khăng khăng phủ nhận mình không gian lận thương mại. Mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu?

Ông Phạm Thanh Bình, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, cho biết chênh lệch giữa thuế đánh vào xe bán tải và xe du lịch là rất lớn. Thuế suất nhập khẩu đối với xe du lịch là 83%; thuế tiêu thụ đặc biệt 45%, trong khi đối với xe bán tải các mức thuế lần lượt chỉ là 80% và 0%. Chênh lệch về thuế khiến cho chênh lệch về giá giữa hai loại xe này lên tới gần 50 triệu đồng/chiếc. Người mua xe ai cũng biết chỉ cần đầu tư thêm vài triệu đồng cho bộ ghế lắp phía sau loại xe bán tải hai chỗ là đã có chiếc xe du lịch.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc trên đều không “tâm phục, khẩu phục” với phán quyết của Bộ Tài chính.

Đại diện của các doanh nghiệp này cho biết họ đã đệ đơn tới cơ quan chức năng để kêu oan. Họ cho rằng, thẩm quyền phân loại đối với các phương tiện giao thông không phải thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính mà phải là Cục Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Tài chính chỉ có chức năng phân loại thuế và thu thuế.

“Chính vì vậy, mà việc Bộ Tài chính nhất quyết khẳng định xe bán tải Kia Morning và Daewoo Matiz mà chúng tôi nhập khẩu từ Hàn Quốc là xe du lịch là không sát thực”, giám đốc của Công ty TNHH TM Thiên Phúc An Auto, Công ty cổ phần Ô tô Tây Bắc và Công ty TNHH Việt Thắng, ba trong số các doanh nghiệp bị truy thu thuế bức xúc bày tỏ.

Điều đáng nói ở đây là hiện tại, có nhiều cơ quan quản lý như Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Đăng kiểm, Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an lại đứng về phía doanh nghiệp. Bản thân Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng nên giải quyết theo hướng dĩ hòa vi quý, không nên truy thu 34 tỉ đồng thuế nếu doanh nghiệp chứng minh được sẽ không bán xe cho các hãng taxi.

Theo Tiến sĩ luật kinh tế Hoàng Văn Ánh, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, đồng thời là cán bộ cao cấp của Cục Pháp chế doanh nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, không phải lúc nào cũng dễ dàng khẳng định một vụ việc có tính chất gian lận thương mại hay không.

“Vấn đề nằm ở chỗ không có sự nhất quán trong phán quyết của các bộ ngành, cơ quan hữu quan về vụ việc này. Cần có bằng chứng cụ thể qua kiểm định để kết luận hành vi gian lận thương mại của 36 doanh nghiệp nhập khẩu xe Matiz và Kia Morning khi kê khai sai tính năng và công dụng của xe nhằm trốn thuế. Tuy nhiên Bộ Tài chính lại không phối hợp với cơ quan chuyên trách về kiểm định xe cơ giới là Cục Đăng kiểm để có kết luận thống nhất. Hệ quả là khi chưa chứng minh một cách rõ ràng, cụ thể về tính năng của những chiếc xe được nhập khẩu từ Hàn Quốc này thì chưa thể nói rằng đây là hành vi gian lận thương mại”.

Tiến sĩ Ánh cũng cho rằng, đôi khi ranh giới giữa việc gian lận hay không gian lận thương mại cũng rất mong manh, tùy theo cách nhìn nhận và phán quyết của người trong cuộc, đặc biệt là cơ quan quản lý. Việc các doanh nghiệp kê khai sai mục đích sử dụng và tính năng của hàng nhập khẩu vẫn diễn ra khá phổ biến, với mục đích duy nhất là giảm và trốn thuế.

Dù vụ việc diễn tiến thế nào thì doanh nghiệp vẫn là người chịu thiệt hại do những chi phí phát sinh từ lô hàng này như lãi vay ngân hàng, phí lưu kho bãi trong hơn một năm qua, phí cơ hội... Theo Tiến sĩ Ánh, điều tréo ngoe là nếu chấp thuận nộp khoản truy thu nói trên thì xe cũng không thể đăng ký được do hải quan ghi là xe du lịch năm chỗ, trong khi cơ quan đăng kiểm xác nhận là xe bán tải hai chỗ. Tuy nhiên, nếu không chịu nộp thuế, doanh nghiệp vẫn sẽ chịu các hình thức cưỡng chế, truy thu.

...Chuyện mới lại tiếp

Một trường hợp nữa chưa ngã ngũ là có gian lận thương mại hay không, xảy ra vào đầu tháng 6 năm nay, khi Bộ Tài chính ra quyết định truy thu thuế đối với dòng xe hybrid (là xe chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện, được cho là dòng xe sạch, thân thiện với môi trường). Lý do truy thu là dòng xe này không đạt chuẩn để hưởng ưu đãi thuế bằng 70% xe cùng loại. Số thuế sẽ phải truy thu lên tới hơn 23 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, dòng xe này chạy hoàn toàn bằng xăng chứ không phải chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện theo tỷ lệ dưới 70% chạy xăng và khoảng 30% chạy năng lượng điện như các doanh nghiệp đã khai báo khi thông quan.

Khi được hỏi liệu đây có phải là hành vi gian lận thương mại hay không, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, khẳng định rằng các doanh nghiệp đã có hành vi kê sai về định mức sử dụng nhiên liệu không sạch là xăng và điện để giảm thuế. Lý do là vì động cơ điện trên xe cũng chạy bằng năng lượng điện do chuyển hóa từ nhiên liệu xăng, hoặc xe sử dụng động cơ điện do máy phát điện chạy xăng. Do đó, các loại xe này không thuộc diện áp dụng mức thuế suất ưu đãi theo quy định tại điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vì chủ yếu vẫn sử dụng xăng.

Quyết định này khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong và ngoài nước.

Theo ông Akito Tachibana, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), rất khó để xác định được tỷ lệ chạy xăng và điện là bao nhiêu cho mỗi chiếc xe hybrid do nguyên tắc của các loại xe hybrid thông dụng hiện nay là tối ưu hóa năng lượng sử dụng tùy chế độ vận hành của xe. Do vậy mà tùy điều kiện vận hành, tay lái, đường sá mà tỷ lệ tiêu thụ xăng hay điện khác nhau. Nhưng về cơ bản, loại xe hybrid này đạt được tính kinh tế nhiên liệu hiệu quả hơn so với các xe thông thường, cũng như giảm khí thải độc hại ra môi trường.

Tại hầu hết các nước trên thế giới ở châu Âu, Úc, Mỹ, xe hybrid được giảm thuế ít nhất bằng 50% so với dòng xe cùng nhãn hiệu. Ngay như cơ quan giám định là Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng không thể xác định chính xác tỷ lệ sử dụng xăng và điện của dòng xe hybrid vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện vận hành xe.

Như vậy, không hãng xe nào có thể đảm bảo sẽ chế tạo loại xe theo đúng yêu cầu của Bộ Tài chính là “dưới 70% chạy xăng và khoảng 30% chạy điện”, điều này chính ông Trường cũng phải thừa nhận.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Thay đổi cách nhìn
  • Vụ K+ nhìn từ Luật Cạnh tranh
  • Mở và đóng!
  • Xử lý bán nhà trên giấy: Đã có giải pháp
  • Nghị định 71/CP: Nhiều cơ chế mở để phát triển nhà ở xã hội
  • Xã hội hóa truyền hình: Nên đưa vào Luật Báo chí
  • Vụ xả thải ra sông Trà Khúc: Có thể khởi kiện Công ty CP Đường Quảng Ngãi
  • Cấm doanh nghiệp nhà nước “đầu tư mạo hiểm”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%