Có lẽ ít có loại thuế nào ở nước ta lại "vất vả" như Luật thuế TNCN (thu nhập cá nhân). Dù được nâng lên đặt xuống nhiều lần để lấy ý kiến phản biện và bảo đảm đồng thuận xã hội, được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11năm 2007; được chậm và giãn tiến độ triển khai do gặp khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới trong khuôn khổ gói kích cầu của Chính phủ..., vậy mà chỉ sau 2 năm thực hiện chính thức, Luật này đã sớm lạc hậu, đòi hỏi cần có thêm những chỉnh sửa cần thiết mới...
Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, Bộ Tài chính đã làm việc với Bộ Tư pháp để trình Chính phủ về vấn đề xem xét việc sửa đổi Luật Thuế TNCN trong chương trình sửa đổi luật năm 2011 và 2012. Thủ tướng đã thông qua chương trình sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh năm 2011 và 2012 để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.
Điều chỉnh về mức và cách tính khởi điểm nộp thuế
Cùng với tốc độ lạm phát cao trong 4 năm qua (tổng cộng tới trên dưới 50%), cũng như với việc Việt Nam chính thức ra khỏi danh sách các nước nghèo, bước chân vào câu lạc bộ các nước có thu nhập trung bình trên thế giới (sớm hơn 1 năm so với dự báo của WB), mức ngưỡng khởi điểm tính thuế TNCN 4 triệu đồng (tr.đ) đã nhanh chóng trở nên lạc hậu.
Nếu trước đây, chỉ với khoảng 10 tr.đ/tháng, 1 gia đình 4 nhân khẩu có thể sống khá dễ chịu ở Hà Nội, thì nay, mức tối thiểu đã phải nâng lên ít nhất gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, nếu tính cả tiền thuê nhà...Nếu xét theo đà và áp lực lạm phát còn khá cao trong thời gian tới, nhất là về giá lương thực, thực phẩm và y tế, cũng như xăng dầu, điện, nước..., thì chắc chắn "gói thu nhập tối thiểu" giành cho 1 gia đình trung bình ở đô thị nước ta này còn tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Hơn nữa, việc Luật thuế TNCN "chốt" rõ mức khởi điểm tính thuế cụ thể bằng đơn vị VND vừa thấp, dễ lạc hậu, lại vừa cứng khiến gây khó cho mỗi lần điều chỉnh trước các biến động tiền lương trên thực tế.
Vì vậy, cần sớm thể chế hóa lại mức khởi điểm tính thuế theo hướng vừa tăng mức tính khởi điểm, vừa tạo linh hoạt trong áp dụng của đơn vị, đối tượng chịu thuế và cơ quan thuế. Cụ thể, nên tăng ít nhất 2 lần mức khởi điểm chịu thuế và tính bằng số lần lương tối thiểu, chẳng hạn, bằng từ 8-10 lần mức lương tối thiểu của khu vực sản xuất. Nếu xét đến yêu cầu an sinh và an dân, ổn định xã hội và vĩ mô khác trong bối cảnh khó khăn và nhạy cảm những năm tới như tinh thần Nghị Quyết 11/NQ-CP ngày 24/11/2011 của Chính phủ, nên mạnh dạn áp dụng mức tính khởi điểm chịu thuế TNCN là 10 lần mức lương tối thiểu trong khu vực sản xuất kinh doanh và được thay đổi hàng năm theo mức điều chỉnh của lương tối thiểu của khu vực sản xuất kinh doanh (mức lương này thường cao hơn mức lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp và được áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm, nên có lợi cho người nộp thuế hơn).
Điều chỉnh về mức và cách tính chiết trừ gia cảnh
Thực tế áp dụng thuế TNCN trong 2 năm qua cũng cho thấy, mức chiết trừ gia cảnh 1,5 trr.đ/người cũng sớm trở nên lạc hậu. Hơn nữa, việc xác nhận hành chính (ở cấp chính quyền địa phương hoặc cơ quan) về vị thế và thực tế đã tính hay chưa tính chiết trừ gia cảnh người phụ thuộc gây nhiều phiền toái và khó chính xác cho cả người nộp thuế, lẫn cơ quan thu thuế...
Vì vậy, trong chỉnh sửa Luật thuế TNCN cần nâng mức chiết trừ gia cảnh tương ứng với mức nâng khởi điểm tính thuế TNCN nêu trên, đồng thời cần bổ xung quy định cấp "Mã số chiết trừ gia cảnh" cho các đối tượng phụ thuộc để cập nhật thông tin và tiện cho việc xác nhận và giám sát trong hành thu thuế TNCN. Mã số thuế này do người chịu thuế đề nghị cấp cho đối tượng phụ thuộc và có đủ thông tin về gia cảnh, quan hệ, thời gian và địa chỉ....Các Mã số giành cho người nộp thuế cá nhân và người trong diện chiết trừ gia cảnh này đều được cập nhật và nối mạng vi tính toàn quốc, tạo thuận lợi cho việc xác nhận và thực hiện của các bên có liên quan trong công tác thuế, từ đó giảm thiểu tình trạng tính trùng, "ăn gian" gây thất thu thuế , hoặc gây mất thời gian và phiền toái cho người nộp thuế.
Ngoài ra, cần chú ý chỉnh sửa tạo sự phân biệt mức khởi điểm, các bậc thang tính thuế và mức chiết trừ gia cảnh theo khu vực địa lý và ngành nghề với tính thần khuyến khích và đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc kinh tế (cả về lao động, ản phẩm, địa lý và công nghệ...) theo hướng phát triển theo chiều sâu và cân đối hơn, phù hợp định hướng chiến lược phát triển mà Nhà nước đã vạch ra....
Điều chỉnh về công tác kê khai nộp thuế, quyết toán thuế TNCN
Thông qua việc cấp mã số thuế cá nhân, cơ sở dữ liệu người nộp thuế được xây dựng là tiền đề quan trọng của việc quản lý kê khai nộp thuế và quyết toán thuế TNCN. Đối với thu nhập từ tiền công tiền lương, thực hiện kê khai và nộp thuế thông qua cơ quan chi trả thu nhập, theo đó, mức thuế TNCN được khấu trừ tại nguồn theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần đối với các khoản chi trả cho cá nhân thuộc sự quản lý của cơ quan chi trả thu nhập cho những cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, và khấu trừ 10% thu nhập đối với các khoản chi trả cho cá nhân không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động dưới 03 tháng nếu số tiền mỗi lần chi trả từ 500.000 đồng trở lên. Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm thu và chuyển số thuế thu được vào Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, còn có nhiều bất cập trong tổ chức hành thu thuế TNCN. Cụ thể, việc tự động khấu trừ tại nguồn 10% tất cả các khoản chi trả thu nhập trên 500.000 đ/lượt đã tạo nhiều bức xúc và thiệt thòi cho người lao động do sự áp dụng không giống nhau giữa các đơn vị và nhất là do thủ tục hoàn thuế cho các khoản khấu trừ bắt buộc trên là không rõ ràng và không thuận lợi cho người chịu thuế. Ngay ở Hà Nội, có đơn vị tính và thu 10% trên tổng tiền trả/lần, lại có đơn vị tính riêng trên từng hóa đơn trả tiền. Rõ ràng, việc tính theo tổng số tiền/lần trả sẽ gấy thiệt hại cho người lao động nào màdo ít thời gian, không đi lấy nhiều lần thu nhập của mình nhằm "chia nhỏ" tổng nhận thù lao. Hơn nữa, cách tính này dễ gây kẽ hở cho lạm thu từ đơn vị, nhất là bộ phận kế toán, và thất thu NSNN...
Ngoài ra, cũng cần có thêm các quy định bao quát hết các nguồn và khoản "thu nhập mềm" để chống thất thu NSNN đối với các khoản thu của quan chức, nghệ sỹ và doanh nhân, kể cả những hoạt động đầu cơ và buôn lậu khác...
Về tổng thể, cần có quy định cụ thể hóa các cách tính và thông báo rộng rãi cho xã hội biết, sao cho các thủ tục thu và hoàn thuế TNCN ngày càng trở nên chính xác, dễ làm và dễ kiểm tra nhất, kích thích tính tự giác và tôn trong quyền lợi của người lao động, do đó nâng cao hiệu quả toàn diện của công tác thuế...
(tuanvietnam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com