Công trình chỉ mới làm được 34% khối lượng công việc sau 9 tháng thi công |
Nhà thầu thi công chậm tiến độ và vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư. Bất đắc dĩ, chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và đi thuê một nhà thầu khác, số tiền thiệt hại không nhỏ. Cực chẳng đã, chủ đầu tư phải “đáo tụng đình...” nhưng cũng tiếp tục “méo mặt” theo cách khác.
Từ 2007, Cty CP phát triển và đầu tư Đại Sơn (Cty Đại Sơn) và TCty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã ký Hợp đồng thi công xây dựng toàn bộ công trình Trường Trung cấp nghề VN - Canada, tại phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương với thời gian 8 tháng với tổng giá trị hợp đồng là 28,350 tỉ đồng. Sau khi trúng thầu, TCty Handico đã "nhượng" lại công trình cho Cty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội 46 (Handico 46) thi công xây dựng. Ngày 14/6/2007, công trình Trường Trung cấp nghề VN - Canada khởi công.
Thi công chậm tiến độ
Phiên tòa diễn ra tại TAND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty Đại Sơn cho biết, trong quá trình thi công, phía nhà thầu đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng như không gia hạn bảo lãnh tín dụng hợp đồng tại ngân hàng; chậm tiến độ theo bản tiến độ thi công chi tiết trong hồ sơ thầu.
Theo hợp đồng hai bên ký kết, thời gian thi công là 240 ngày, nghĩa là đến ngày 14/3/2008, nhà thầu phải bàn giao toàn bộ công trình cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến ngày 14/5/2008, sau hơn 290 ngày thi công, Handico 46 mới hoàn thành được 34% khối lượng công trình. Theo cam kết của nhà thầu, để bảo đảm tiến độ công trình, trung bình mỗi ngày phải có ít nhất 204 công nhân làm việc. Nhưng theo các biên bản giao ban số lượng công nhân hai ngày cao nhất mà nhà thầu huy động được là 115 người. Việc này gây thiệt hại không nhỏ cho Cty Đại Sơn, như: mất thêm tiền thuê giám sát thi công; làm lỡ kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Cty... Sau nhiều lần họp bàn, chủ đầu tư buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Sau đó, Cty Đại Sơn phải ký hợp đồng thuê Cty CP xây dựng công nghiệp (Descon) để hoàn thiện nốt 66% khối lượng công trình dù tại thời điểm đó (giữa năm 2008), giá các loại vật liệu xây dựng đều tăng từ 30 - 50% với tổng hợp đồng trên 30,5 tỉ đồng. Công trình bị chậm đưa vào sử dụng 10 tháng.
Điều này làm cho chủ đầu tư thiệt hại so với hợp đồng với Handico 11,7 tỉ đồng. Ngoài ra, Cty Đại Sơn còn mất thêm khoản tiền phát sinh trả cho đơn vị tư vấn giám sát là 837 triệu đồng, do thời gian giám sát kéo dài. Bên cạnh đó, theo phụ lục của hợp đồng thì Handico còn phải chịu phạt 3,4 tỉ đồng do việc thi công chậm tiến độ. Vì vậy, ngày 29/7/2009, Cty Đại Sơn đã khởi kiện nhà thầu Handico ra tòa án, đòi Handico bồi thường số tiền thiệt hại trên 18,8 tỉ đồng.
Vẫn được tòa ưu ái ?
Phía Handico không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của Cty Đại Sơn. Handico cho rằng, ngày 18/4/2008, Handico đã gia hạn bảo lãnh tín dụng hợp đồng vào ngày 25/4/2008 nhưng nhà thầu chỉ gửi bản fax bảo lãnh tín dụng hợp đồng với lý do bận nhiều việc. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, bản fax bảo lãnh tín dụng không có giá trị trước pháp luật và không có giá trị thanh toán.
Cũng theo Handico, ngày 5/12/2007, Cty Đại Sơn đã ký biên bản đồng ý cho nhà thầu bàn giao công trình chậm nhất trước ngày 30/6/2008. Theo tính toán của nhà thầu, 63 ngày còn lại (từ ngày 25/4 đến 30/6) vẫn đủ thời gian để hoàn thành nốt 66% khối lượng công việc còn lại (?). Ngoài ra, Handico còn cho rằng, Cty Đại Sơn đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm pháp luật nên Handico không chịu trách nhiệm về việc Cty Đại Sơn tổn thất.
Sau 17 tháng thụ lý hồ sơ, ngày 6/5/2011, TAND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, theo bản án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho rằng “lý do để bên A hủy hợp đồng là đúng (vì bên B vi phạm thời hạn gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng) nhưng trình tự thủ tục chấm dứt hợp đồng là... không đúng. Mặt khác, hội đồng xét xử lại cho rằng: khi bên A chấm dứt hợp đồng thì bên B mới hoàn thành 34% khối lượng công việc nhưng thời hạn vẫn còn hơn 2 tháng. Trên thực tế, thời gian và tiến độ thi công phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên không đủ căn cứ để xác định bên B thi công chậm tiến độ.
Thay lời kết
Điều đáng nói, dù tính toán theo cách gì nhưng một công trình mới hoàn thành 1/3 khó có thể hoàn thành nốt phần còn lại chỉ trong 1/4 thời gian của hợp đồng. Đại diện Cty Đại Sơn cho biết, nhà thầu Descon đã phải mất 6 tháng để hoàn thiện nốt 66% công việc này.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Hoài Bắc: "Cty CP PT & ĐT Đại Sơn do Việt kiều Canada, Hoa Kỳ, Australia thành lập và đầu tư. Do đó, vụ khởi kiện này có yếu tố nước ngoài và trong hợp đồng đã ghi rõ, nếu hai bên có tranh chấp xảy ra thì đưa ra TAND tỉnh Hải Dương nhưng sau đó, không hiểu sao lại chuyển về TAND thị xã Chí Linh xét xử".
Trao đổi với DĐDN, Luật sự Phạm Hồng Hải - Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự cho rằng, dưới góc độ pháp luật, bản án này đã vi phạm thẩm quyền xét xử vì đã có yếu tố người nước ngoài thì cấp xét xử thấp nhất (sơ thẩm) phải là TAND cấp tỉnh. Hơn nữa, về bản fax gia hạn bảo lãnh chỉ có tính chất thông báo chứ không có giá trị pháp lý.
Được biết, Đại Sơn đã kháng cáo.
(Theo Nguyễn Hương // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com