Ngay sau khi đăng tải dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược (KDĐC), Cổng TTĐT Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ băn khoăn về việc các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này liệu có thể “đánh bạc” trá hình, gây mất trật tự an ninh…
Sẽ quản lý chặt kinh doanh đặt cược từ khâu cấp phép đến tổ chức hoạt động - Ảnh minh họa |
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã liên hệ với Bộ Tài chính để giải đáp thắc mắc này của người dân, và được Bộ trả lời rằng: Dự thảo Nghị định về KDĐC được xây dựng trên cơ sở quan điểm hoạt động KDĐC là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được Nhà nước quản lý chặt chẽ. Việc tổ chức hoạt động này được thực hiện theo nguyên tắc thận trọng, từng bước và đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển với duy trì trật tự an toàn xã hội.
Nghị định về KDĐC ban hành phải quản lý được chặt chẽ từ khâu cấp phép đến việc tổ chức hoạt động kinh doanh, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh đặc biệt này.
Như vậy, để được phép tham gia KDĐC, doanh nghiệp phải đáp ứng 1 số điều kiện, trong đó, cơ bản nhất là điều kiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đủ điều kiện KDĐC.
Theo Bộ Tài chính, đối với đặt cược đua ngựa, đua chó, ngoài việc đưa ra một số điều kiện cấp phép dự án đầu tư xây dựng trường đua, trong đó có hoạt động KDĐC, để tránh việc doanh nghiệp không chịu giải ngân đầu tư xây dựng trường đua mà chỉ tập trung hoạt động KDĐC, dự thảo Nghị định quy định: Trước khi tổ chức hoạt động KDĐC, doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với điều kiện là doanh nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng trường đua và có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để tổ chức hoạt động đua ngựa, đua chó.
Đối với đặt cược thể thao, việc lựa chọn doanh nghiệp KDĐC thể thao do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép, Bộ Tài chính sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về hoạt động KDĐC, Bộ Tài chính nhận thấy: Doanh nghiệp được cấp phép KDĐC được giới hạn trong 1 số lượng hạn chế, đặc biệt là với loại hình kinh doanh đặt cược thể thao. Đối với doanh nghiệp KDĐC đua ngựa, đua chó, có thể cho phép các thành phần kinh tế khác tham gia với số lượng hạn chế.
Hạn chế tối đa tiêu cực
Bộ Tài chính cũng cho biết thê, để hạn chế tiêu cực có thể xảy ra, khi xây dựng dự thảo Bộ đã có nêu nội dung yêu cầu doanh nghiệp KDĐC phải công bố kết quả của từng sự kiện đặt cược để xác định người trúng thưởng ngay sau khi sự kiện đặt cược đó kết thúc. Công bố này là cơ sở để trả thưởng cho người chơi.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải trang bị hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu lưu trữ để phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và xử lý các tranh chấp phát sinh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết: Đối với hoạt động đua ngựa, đua chó, quá trình tổ chức cuộc đua sẽ được giám sát bởi Hội đồng giám sát cuộc đua gồm đại diện một số cơ quan, ban ngành của địa phương và đại diện của doanh nghiệp KDĐC. Các cuộc đua chỉ được phép tiến hành khi có đầy đủ các thành viên của Trọng tài, Hội đồng giám sát cuộc đua.
Các thiết bị xuất phát và camera xác định ngựa, chó về đích phải đầy đủ và đang hoạt động tốt.
Với tinh thần này, Bộ Tài chính cho rằng cũng cần quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong KDĐC như: Làm sai lệch kết quả đặt cược; lợi dụng hoạt động KDĐC để tổ chức hoạt động cá cược bất hợp pháp; sử dụng hoạt động kinh doanh đặt cược để thực hiện các hình thức rửa tiền…
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh này như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước Việt Nam…
Khẳng định các nội dung này đều được thể hiện trong tinh thần của dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành Nghị định về KDĐC là hết sức cần thiết. Bởi đây là cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù này. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu giải trí thực tế của 1 bộ phận dân cư, qua đó thu hẹp việc tham gia các hoạt động cờ bạc, cá độ bất hợp pháp và hạn chế các tác động tiêu cực phát sinh nếu hoạt động này được tổ chức một cách tự phát.
Hiện trên thế giới đã có 135 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tổ chức đặt cược. Ở khu vực Châu Á, hoạt động đặt cược thể thao phát triển chậm và thận trọng hơn ở Châu Âu và Châu Mỹ, nhưng thời gian gần đây, Chính phủ nhiều nước cũng đã từng bước cho phép tổ chức hoạt động này như: Trung Quốc (1989), Singapore (1999)… |
(Theo Thanh Hoài // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com