Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy định mới về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng: Doanh nghiệp nhỏ thấp thỏm lo… phá sản

Gần hai tháng nữa, Nghị định 107/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) sẽ có hiệu lực. Hàng loạt doanh nghiệp, hầu hết thuộc nhóm nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động trong lĩnh vực này đã lên tiếng phản ứng, lo lắng về nguy cơ bị các DN lớn lấn lướt, nhất là khi các điều kiện kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư quá lớn trong một thời gian ngắn, khiến họ chỉ còn nước… phá sản.

 
Doanh nghiệp kinh doanh gas LPG sẽ gặp khó khăn khi Nghị định 107/2009/NĐ-CP có hiệu lực. Ảnh: Bá Hoạt

Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

Hầu hết kiến nghị, bức xúc của các doanh nghiệp kinh doanh LPG xuất phát từ điểm 2, 3, Điều 13 của Nghị định về điều kiện đối với thương nhân phân phối LPG cấp I. Cụ thể, thương nhân phân phối LPG cấp I phải "có kho LPG với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 800 m3 để tiếp nhận LPG... được xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật hiện hành..." (điểm 2); "có tối thiểu 300.000 chai LPG các loại (trừ chai LPG mini) thuộc sở hữu thương nhân; nhãn hàng hóa và thương hiệu đã đăng ký theo quy định của pháp luật..." (điểm 3).

Theo ông Lý Trần Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ngọn Lửa Thần, từ khi nghị định được ban hành (ngày 26-11-2009) đến lúc có hiệu lực, thời gian chỉ hơn 10 tháng. Trong quãng thời gian này, công ty phải "vắt chân lên cổ" để đáp ứng các điều kiện trên: thứ nhất, về vỏ bình, công ty phải lo thêm 220.000 vỏ (96,8 tỷ đồng); thứ hai, mở rộng kho chứa thêm 666m3 (hơn 6,4 tỷ đồng); thứ ba, đầu tư mặt bằng chứa bồn (tối thiểu 19 tỷ đồng)... Như vậy, để đạt được các tiêu chí mới, doanh nghiệp phải đầu tư hơn 122 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác, trong khoảng thời gian hơn 10 tháng. Nghịch lý lại nằm ở chỗ nhu cầu tiêu thụ không lớn đến mức này. Theo đánh giá của ông Dũng, giả sử doanh nghiệp đủ kinh phí để thực hiện thì thị trường cũng không sử dụng hết số bình tăng thêm. Chỉ với riêng bồn chứa 134m3 (60 tấn), có thời điểm công ty đã tồn đọng tới 50%. Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội còn hàng chục doanh nghiệp khác cạnh tranh. Lãng phí, thiệt hại là điều chắc chắn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) kinh doanh LPG phía Nam cũng gửi "đơn cáo cấp" tới nhiều nơi. Theo họ, nhiều điểm trong nghị định thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính thực tế, không phù hợp với quy luật cung - cầu. Hậu quả là hàng chục DNNVV trong lĩnh vực này sẽ bị phá sản sau khi nghị định có hiệu lực, hàng chục nghìn lao động mất việc làm... Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp sẽ bị hạ cấp: đơn vị nhập khẩu trở thành phân phối cấp I, phân phối cấp I trở thành đại lý...

Quy trình ra văn bản - nhiều vấn đề

Trong "đơn cáo cấp", các DNNVV kinh doanh LPG phía Nam khẳng định, hiện tại, các doanh nghiệp đang đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Mở rộng hạ tầng kinh doanh (tạm gọi việc "thêm bình, thêm bồn" như vậy) chỉ dẫn tới lãng phí, thiệt hại. Trong khi đó, công suất của các nhà máy sản xuất vỏ bình còn rất nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, chưa nói tới tiêu chí trong nghị định. Đặc biệt, quy định này đã "mở cửa" cho các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài bóp chết các DNNVV trong lĩnh vực kinh doanh LPG, dẫn đến nguy cơ độc quyền, thao túng của một thiểu số "ông lớn".

Nhiều doanh nghiệp cũng than thở, nghị định dù qua nhiều lần dự thảo, tuy nhiên hàng chục DNNVV, các công ty nước ngoài chuyên doanh LPG... đã không được tham vấn.

Quản kiểu gì?
Rất nhanh sau quyết định điều chỉnh tỷ giá (USD/VND) của Ngân hàng Nhà nước, ngày 19-8 giá gas (LPG) đã tăng 4.000 đồng mỗi bình 12kg. Lần này, lý do là tại tỷ giá. Tuy nhiên, ảnh hưởng tỷ giá liệu có thần tốc đến như thế đối với mặt hàng thường xuyên có lượng tồn trữ không nhỏ?

Đây chỉ là một "bằng chứng" nho nhỏ cho thấy sự đỏng đảnh của giá LPG. Trên thực tế, loạn giá là một trong những vấn đề đau đầu trên thị trường. Có tháng giá LPG tăng giảm tới 6 lần. Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu bắt tay làm giá. Theo Bộ Công thương, trong những năm qua, thị trường LPG phát triển cả về số lượng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lẫn sản lượng tiêu thụ. Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh LPG (có thông tin là... 180 DN). "Trăm hoa đua nở", thị trường LPG trở nên hỗn loạn. Gian lận về số lượng, chất lượng bình LPG diễn ra phổ biến. Nhiều trạm chiết nạp LPG thủ công do thương nhân tự chế đã gây ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Không hiếm thương nhân cắt quai, đục lại seri, thay chân đế (bình)... để chiếm dụng bình của đơn vị khác, thậm chí mua gom bình LPG đang lưu thông để... xuất khẩu sang Campuchia, Trung Quốc... thu lợi. Quản lý thị trường LPG trở thành bài toán hóc búa và là nhu cầu cấp bách.

Đáp ứng yêu cầu quản lý là một chuyện, "phương tiện" thế nào lại là chuyện khác. Những phản ứng trước Nghị định 107/NĐ-CP cho thấy để vận hành, quản lý thị trường ổn định cần phải hài hòa lợi ích của các bên: cơ quan chức năng, doanh nghiệp và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng.

(Theo Quốc Hoa  // Hanoimoi Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%