Theo quy định của Luật Khoáng sản, DN muốn khai thác phải tham gia đấu giá công khai |
Vừa qua, báo DĐDN đã có bài viết “Hướng dẫn thăm dò, khai thác, tuyển quặng apatit: Tạo thế độc quyền ?” phản ánh về Quyết định 28/2008/QĐ- BCT phê duyệt Quy hoạch giao cho Tập đoàn Hóa chất VN thực hiện việc thăm dò, khai thác, tuyển quặng apatit đương nhiên tạo ra tính độc quyền cho tập đoàn này.
Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được từ Bộ Công Thương về việc kiểm điểm thực hiện quy hoạch quặng apatit.
Chưa cần điều chỉnh ?
Công văn kiểm điểm này cho rằng qua gần 3 năm triển khai thực hiện QĐ 28/2008/QĐ-BCT ngày 18/8/2008 của Bộ Công Thương đã thể tính đúng đắn và hợp lý; đến nay, quy hoạch vẫn còn giá trị thực tiễn và khả thi. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch apatit tại thời điểm này là chưa cần thiết. Tuy nhiên, nhiều DN đã cho rằng nội dung của quyết định trên đã tạo thành việc “DN đi... xin DN”. Do đó, tính đúng đắn và hợp lý trong công văn mới của Bộ Công Thương này còn phù hợp hay không ?.
Vấn đề đầu tư khai thác của Tập đoàn Hóa chất VN, công văn kiểm điểm cũng khẳng dịnh một số công việc thực hiện còn chậm như: công tác thăm dò một số khai trường, việc nghiên cứu tuyển quặng nghèo (loại II và IV), công tác quy hoạch sử dụng và khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất VN thừa nhận chưa chủ động thực hiện việc hợp tác – liên kết với các DN ngoài tập đoàn trong hoạt động thăm dò, khai thác quặng apatit. Lý do được đưa ra chính về một số DN bên ngoài muốn độc lập thực hiện thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh Lào Cai có thể gây phức tạp cho công tác quản lý, chồng chéo trong khai thác chế biến dẫn đến phân tán nguồn lực, lãng phí vốn đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế... Tuy nhiên, công văn vẫn cho rằng không nên có nhiều DN độc lập thực hiện việc thăm dò, khai thác vì tập đoàn hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt việc này và đủ khả năng đảm bảo nguyên liệu cho mọi dự án chế biến. Với thông tin này thì rõ ràng Tập đoàn Hóa chất VN đang cố gắng bảo vệ cho những chính sách “độc quyền” trong khai thác quặng apatit.
Bên cạnh đó, dưới hình thức công văn kiểm điểm thực hiện quy hoạch quặng apatit để báo cáo Thủ tướng, nhưng ngay trong nội dung văn bản này lại là tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh ủy Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai giải quyết một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp thực hiện quy hoạch trong thời gian tới theo công văn của Tập đoàn Hóa chất VN ngày 22/4/2011.
Né thực thi luật ?
Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ TN & MT trong quá trình xem xét cấp giấy phép thăm dò apatit (cho các DN đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc) cần lưu ý đến thực trạng đã nêu trên cũng như lưu ý phương án sử dụng quặng apatit của DN đang xin phép thăm dò, theo hướng chỉ dùng làm nguyên liệu sâu phục vụ nhu cầu trong nước. Yêu cầu các DN hợp tác liên kết với Tập đoàn Hóa chất VN trong khâu khai thác và chế biến. Được biết, trước đó Tập đoàn Hóa chất VN đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho XK quặng apatit và chương trình này đã được duyệt kéo dài XK đến hết năm 2012. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại cho rằng apatit là khoáng sản đặc thù chỉ có ở khu vực Lào Cai, là nguyên liệu quan trọng để phục vụ sản xuất phân bón, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực; Tập đoàn Hóa chất VN là DNNN được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện quặng apatit, vì vậy, đề nghị Bộ TN & MT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa vào danh mục các mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Mặc dù, trong công văn này Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất VN nhiều nội dung như: Khẩn trương tiến hành việc chuyển đổi cấp trữ lượng, đánh giá tác động môi trường và hoàn tất thủ tục cấp lại giấy phép khai thác ở các khai trường mỏ apatit đang hoạt động phù hợp với pháp luật hiện hành; Xây dựng ngay cơ chế hợp tác, liên kết với các DN ngoài Tập đoàn trên nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương và DN, tạo điều kiện cho các DN ngoài Tập đoàn tham gia hợp tác, liên kết thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý quặng apatit, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đáp ứng mục tiêu của quy hoạch; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư dự án tuyển quặng apatit nghèo (loại II và IV) và/hoặc tạo điều kiện cho các DN ngoài Tập đoàn tham gia nghiên cứu; Cung cấp đủ và kịp thời nguyên liệu quạng apatit cho các hộ tiêu thụ trong nước có dự án chế biến sâu phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp hóa chất đã được duyệt; Phối hợp với Bộ, ngành, UBND tỉnh Lào Cai nghiên cứu đề xuất với Chính phủ quy hoạch một số mỏ, khai trường đưa vào danh mục dự trữ quốc gia để đảm bảo nguồn tài nguyên cho tương lai...
Thực tế, đến 1/7/2011 này, Luật Khoáng sản bổ sung chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ tập trung vào hai vấn đề chính: Tổ chức đấu giá để cấp quyền khai thác mỏ và xác định lại giá trị của những mỏ hiện đang được DN khai thác. Do đó, với công văn của mình, liệu Bộ Công Thương đã muốn việc thăm dò, khai thác, tuyển quặng apatit là trường hợp “ngoại lệ” của Luật Khoáng sản?
(Theo Linh Nguyên // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com