Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa ký văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư 25, vốn đang gây khó cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản những ngày qua.
Theo văn bản sửa đổi, hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu không bắt buộc thực hiện quy định trong Thông tư 25. Hàng hóa phải được sản xuất bởi cơ sở có tên trong danh sách, được cơ quan thẩm quyền Việt Nam công nhận đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo quy định của Việt Nam.
Vẫn chồng chéo
Việc điều chỉnh Thông tư 25 đã giải tỏa được khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy hải sản. Khoảng 200 container nguyên liệu kẹt tải cảng Cát Lái, TP HCM những ngày qua đã được gỡ khó để thông quan. Nhưng doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh vẫn đang rối, không biết xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm ở cơ quan nào. Hiện hơn 300 container là hàng thịt và sản phẩm động vật vẫn bị kẹt. Có doanh nghiệp than phiền, tới 40 - 50 container hàng của doanh nghiệp này đã bị nghẽn tại cảng gần ba tuần nay. Tiền lưu kho, tiền điện… lên tới cả chục nghìn USD. Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho biết, theo Thông tư 25 (điều 21 điểm 5), trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận này thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD).
Tuy nhiên, nguồn tin từ Cục Thú y chiều 9/9 lại cho hay, đang soạn thảo văn bản đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn đồng ý, để cục này chịu trách nhiệm cấp luôn chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đề nghị này, Cục Thú y sau khi lấy mẫu kiểm tra, nếu đạt kết quả thì chỉ cần thêm nội dung: “Lô hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ngay trong mẫu 23 - giấy chứng nhận kiểm dịch là đủ, tránh chồng chéo.
Chưa chú trọng hạ tầng, kho cảng
Theo các an toàn vệ sinh thực phẩm chế biến thủy sản, việc ban hành thông tư sửa đổi mới gỡ một phần thế bí cho họ ở khâu nhận nguyên liệu nhập khẩu. Vẫn không thể giải quyết bất cập lớn nhất, đó là những lô hàng nhập khẩu này vẫn còn quá nhiều loại thủ tục chồng chéo, do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan giám sát.
Ông Mai Văn Hiệp, Cục phó Thú y khẳng định, theo thông tư sửa đổi, việc kiểm tra và trao chứng nhận kiểm dịch, để được thông quan hàng nguyên liệu thủy hải sản, giờ quy về đầu mối là cơ quan thú y. Nhưng ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Hải Vương (Khánh Hòa) cho rằng, đầu ra (xuất khẩu đi) của những lô hàng sau khi chế biến vẫn bị ràng buộc các quy định (chẳng hạn những chứng thư về IUU của thị trường EU) của NAFIQAD, chưa quy về một mối.
Hơn nữa, Thông tư 25 không tính đến hạ tầng tại các cảng không đáp ứng, có thể gây tổn hại lớn cho hàng nhập về. Một số doanh nghiệp kiến nghị, khi hàng nhập về, đợi thủ tục thông quan, có thể cho phép doanh nghiệp kéo hàng về kho lạnh của doanh nghiệp, hoặc kho lạnh mà doanh nghiệp thuê, dưới sự giám sát của cơ quan thú ý hay quản lý thị trường. Doanh nghiệp chỉ được đem hàng ra chế biến khi có giấy phép thông quan. Đề xuất này, doanh nghiệp đã không tính đến trường hợp, hàng về kho riêng, cơ quan quản lý sẽ khó kiểm soát.
Tại buổi họp giữa các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu hải sản với đại diện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Tổng Cục hải quan ngày 9/9, có doanh nghiệp còn đề xuất không áp dụng hai thông tư 06 và 25. Tuy nhiên mục đích của những thông tư này nhằm kiểm soát chất lượng hàng đông lạnh nhập khẩu. Đặc biệt là nội tạng động vật, nên ý muốn “được voi đòi tiên” của nhiều doanh nghiệp sẽ khó được đáp ứng.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com