Các ngân hàng hiện cho rằng việc áp dụng Thông tư 13 sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của họ |
Sau thông điệp ngắn của NHNN về Thông tư 13 đầu tháng 9 vừa qua, có thể hiểu, tuy không lùi thời gian thực hiện, nhưng NHNN sẽ điều chỉnh một số điều khoản. Vấn đề là sửa những điểm gì, như thế nào?
Thêm lý do để “áp” đúng CAR là 9%
Ngay khi ban hành, tháng 5/2010, Thông tư 13 đã vấp phải sự phản ứng của các TCTD. Phản ứng này càng trở nên mạnh mẽ khi Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) có văn bản kiến nghị chính thức gửi lên Thống đốc NHNN, và được giới truyền thông khai thác triệt để! Song, công bằng mà nói, việc ban hành một văn bản như Thông tư 13 là cần thiết khi kinh tế thế giới vừa trải qua khủng hoảng tài chính và những yếu kém trong hoạt động của các TCTD trong nước ngày càng lộ rõ. Nhưng “chiếc áo“ tránh mưa, chống nóng này có vẻ được thiết kế chưa phù hợp với vóc dáng, thói quen của các TCTD. Tuy nhiên, ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, đại đa số các NHTM đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 13. Và việc thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD bao giờ cũng khó khăn, nhưng phải kiên quyết. “Có thể phải điều chỉnh Thông tư 13, nhưng không thể lùi thời gian thực hiện”, ông Kiêm nói.
Điểm đáng chú ý đầu tiên trong Thông tư 13 là nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các TCTD từ 8% lên 9%. Một số NHTM cho rằng họ không có khả năng đáp ứng yêu cầu này trong vòng vài tháng (tính từ khi Thông tư 13 ban hành đến 1/10/2010). Tuy nhiên, NHNN lập luận, thông tin về việc nâng CAR đã được đưa ra từ lâu, khi nhiều nước đã, đang chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, bắt nguồn từ ngành ngân hàng - bảo hiểm. Hơn nữa, Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel - nhóm các cơ quan giám sát ngân hàng toàn cầu, hôm 12/9 đã thông qua Thỏa thuận yêu cầu các ngân hàng tăng gấp đôi tỷ lệ CAR (từ 7% lên 14%). Trong đó, vốn cấp hai tăng mạnh nhất, từ 2% lên 7% tổng tài sản. Vốn cấp một cũng phải nâng từ 4% lên 7%. Như vậy, dù muốn hay không, các TCTD Việt Nam phải nâng CAR lên để dần thu hẹp khoảng cách với thế giới, vì chúng ta đã là thành viên của WTO.
Sẽ “tỉa cành” thay vì “chặt nhánh”?
Quy định thứ hai vấp phải phản ứng mạnh của các TCTD là tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động chỉ được ở mức 80%. Theo NHNN, tỷ lệ này giảm nhằm quản lý nguồn vốn huy động, góp phần đảm bảo an toàn về khả năng chi trả, thanh khoản của TCTD. Nhưng với các NHTM thì tỷ lệ này sẽ làm chi phí vốn của ngân hàng tăng, giảm tăng trưởng tín dụng, dẫn đến giảm doanh thu của ngân hàng. Hơn nữa, trong cơ cấu nguồn vốn huy động được sử dụng để cho vay, ví như những nhánh của một cái cây, thì Thông tư 13 sẽ “chặt” bớt hai “nhánh” lớn là tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức và tiền gửi của kho bạc; và một nhánh nhỏ là nguồn tiền vay của các TCTD khác. Theo VNBA, tiền gửi không kỳ hạn (chủ yếu của tổ chức) thường chiếm 15% - 20% tổng vốn huy động của các NHTM. Trong bối cảnh nguồn vốn huy động khó khăn như hiện nay thì việc cắt đến 20% nguồn đầu vào sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay. Do đó NHNN sẽ phải cân nhắc, thay vì “chặt” hẳn nhánh này thì sẽ chỉ “tỉa” bớt cành của nhánh. Nhưng để giữ lại nhánh lớn, NHNN sẽ phải có một quy định kèm theo nhằm khắc phục đặc thù của nguồn vốn này là thường biến động mạnh vào những ngày cuối tháng, cuối quý - thời điểm các tổ chức phải chi trả, thanh toán nhiều hơn.
Nhánh lớn thứ hai là tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Trên thực tế, phần lớn lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đang nằm tại các NHTM nhà nước. Hơn nữa, thực hiện chủ trương giảm sử dụng tiền mặt, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc nộp thuế, một số NHTM đã ký thỏa thuận hợp tác tay ba giữa ngân hàng, kho bạc và hải quan trong việc thu các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Mô hình này mới được triển khai trong khoảng hai năm trở lại đây và đang được các NHTM nhân rộng. Nếu giờ Thông tư 13 “chặt” nhánh này, các NHTM chắc chắn sẽ không còn thiết tha gì với công việc đếm, giữ tiền “hộ“ hai ngành Kho bạc và Hải quan.
VNBA cũng đề nghị NHNN nên tính nguồn tiền vay của các tổ chức tín dụng trong nước vào nguồn vốn huy động, vì về bản chất nguồn tiền này giống với nguồn tiền gửi của các TCTD trong nước. Thực tế, hoạt động thị trường liên ngân hàng từ đầu năm đến nay khá sôi động. Thậm chí nguồn vốn từ thị trường này không chỉ để bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời - như vai trò chính của nó, mà đôi khi được các NHTM lớn sử dụng như nơi “kiếm ăn“ trên lưng những ngân hàng nhỏ. Lãi suất và lượng giao dịch trên thị trường này liên tục tăng là minh chứng cho thấy nguồn vốn này không chỉ để bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời mà đã được ngân hàng nhỏ đưa vào tín dụng, thậm chí sử dụng “quá tay” - là tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, việc NHNN sẽ phải có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro là lẽ đương nhiên, nhưng không thể “chặt” phứt nhánh nhỏ này, mà thêm điều kiện chặt chẽ hơn hiện nay để thị trường liên ngân hàng vẫn giữ được vai trò điều tiết vốn giữa các TCTD.
(Theo Nhật Hạ // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com