Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Thuế thu nhập cá nhân, nếu sửa chỉ nên nới rộng bậc thuế'

Không tán đồng việc nâng mức khởi điểm chịu thuế và khoản giảm trừ gia cảnh, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng chỉ nên nới rộng khoảng cách giữa các bậc thuế cho bớt dày.

"Việc nới rộng khoảng cách giữa các bậc thuế cũng được coi là một cách hỗ trợ các đối tượng nằm trong diện chịu thuế thu nhập cá nhân", bà Cúc cho biết.

Là một trong số 13 thành viên trong Ban soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, bà Cúc giữ quan điểm không nên nâng mức chiết giảm gia cảnh cho người phụ thuộc và cả đối tượng nằm trong diện đóng thuế lúc này.

Gần đây dư luận bắt đầu đề cập đến việc nên sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, 2 vấn đề trọng tâm khiến nhiều người băn khoăn là khoản chiết giảm 4 triệu đồng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc. Việc đề xuất sửa đổi này được căn cứ vào lý do trượt giá, đời sống người dân khó khăn.

Tuy nhiên theo bà Cúc, cần phải phân biệt rõ rằng mức 4 triệu đồng là khoản giảm trừ gia cảnh chứ không phải khởi điểm chịu thuế.

Theo bà, khi xây dựng Luật, ban soạn thảo hy vọng sau này thu nhập bình quân của người Việt sẽ tăng lên, 4 triệu đồng này sẽ là mức căn cứ để nhiều người có cơ hội đóng thuế thu nhập cá nhân hơn. "Khi đưa ra mức này chúng tôi không có ý định là cứ trượt giá là nâng lên", bà Cúc nói.

Bà cho hay trước đây, Pháp lệnh Thuế thu nhập cao quy định mức khởi điểm chịu thuế và cứ trượt giá 20% thì nâng mức khởi điểm này lên. Còn Luật đang áp dụng là Thuế thu nhập cá nhân và mức 4 triệu đồng là khoản tính toán hoàn cảnh cụ thể cho người nộp thuế. "Theo đó, quan điểm của tôi là không nên điều chỉnh mức chiết giảm gia cảnh vào lúc này", bà Cúc nhấn mạnh.

Theo bà, ngay cả khi có yếu tố trượt giá thì số tiền giảm trừ gia cảnh của Việt Nam tính trên GDP theo đầu người vẫn được xếp vào hàng cao nhất so với thế giới. Tương tự, đối với khoản chiết giảm cho người phụ thuộc cũng vậy, bà Cúc cho rằng, mức 1,6 triệu đồng là hợp lý. Bởi lẽ người phụ thuộc không tạo ra thu nhập nên không thể tính mức giảm trừ giống như người đóng thuế tạo ra thu nhập. Bên cạnh đó, khoản 1,6 triệu đồng này so với các nước trên thế giới và khu vực thì ở Việt Nam cũng đã là rất cao rồi.

Vào thời điểm ban hành luật, bà Cúc từng khẳng định khởi điểm chịu thuế được tính toán dựa trên mức sống người Việt từ năm 2009 trở đi.

Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng trong Luật Thuế có một điểm còn băn khoăn là khoảng cách giữa các bậc thuế hơi dày. Chẳng hạn như mức 5-10 triệu đồng rồi 10-18 triệu đồng, do khung hẹp nên những người có thu nhập cao có mức điều tiết thuế tương đối cao. "Vì vậy nếu có sửa thì nghiên cứu nới rộng khoảng cách giữa các bậc thuế. Cách làm này cũng là một hình thức hỗ trợ cho người nộp thuế. Còn mức giảm trừ gia cảnh..., giai đoạn đầu trình ra Quốc hội chúng tôi đã bàn kỹ về vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật mới thực hiện có 2 năm, do vậy chưa nên điều chỉnh vội", bà Cúc cho biết thêm.

Khởi điểm chịu thuế và mức miễn trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thu nhập cá nhân vốn là câu chuyện đã được dư luận đặt ra từ khá lâu. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ thực sự trở nên cấp bách trong những tháng gần đây, khi mặt bằng giá cả cũng như chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao.

Theo quy định của Luật hiện hành (có hiệu lực từ năm 2009), người lao động nằm trong diện chịu thuế được giảm trừ tối đa cho mình 4 triệu đồng mỗi tháng và thêm 1,6 triệu đồng cho mỗi cá nhân phụ thuộc (cha mẹ, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi…). Phần thu nhập còn lại sau khi trừ các khoản này mới bị tính thuế.

Tuy nhiên, trước tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh nói trên chưa đủ bù đắp chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tuy mới chỉ đầu tháng 3 nhưng giá cả nhiều mặt hàng đã tăng vọt, cùng với đó là hiệu ứng từ việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, tỷ giá… Đời sống của người dân theo đó, không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng.

“Phần giảm trừ gia cảnh nói trên ngày càng trở nên nhỏ bé so với số tiền thực tế mà người ta phải chi dùng. Mà thu nhập hiện chưa có gì thay đổi thì đời sống gia đình chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Do đó, cần thiết phải sửa đổi quy định này ngay trong năm nay”, chuyên gia kinh tế này nhận định.

Trao đổi với VnExpress.net, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội - Phi Văn Tuấn thừa nhận trong thời gian qua, cơ quan này đã nhận được khá nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp, cá nhân về việc thay đổi mốc khởi điểm và mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập. Những ý kiến này cũng đã được Cục Thuế Hà Nội tổng hợp và gửi lên cấp trên.

“Tôi cho rằng ở thời điểm này, Bộ Tài Chính cũng sẽ xem xét để xây dựng phương án tính thuế mới và sẽ sớm trình Chính phủ và Quốc hội phương án sửa luật để phù hợp hơn với điều kiện thực tế”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Bộ Tài chính thì Luật Thuế thu nhập cá nhận hiện chưa có tên trong chương trình sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội trong năm nay. Do đó, việc sửa đổi các mức quy định nói trên, nếu có, cũng chỉ có thể được tiến hành sớm nhất trong năm 2012.

Cũng có quan điểm thận trọng về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, một thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đây là một bài toán lớn, cần được nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện chứ không đơn thuần là “thấy giá lên là ta sửa”.

“Tôi cũng nghe nhiều ý kiến về việc nâng ngưỡng khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu chính xác nào cho thấy việc tăng giá, rồi quyết định tăng lương cơ bản sắp tới sẽ tác động cụ thể như thế nào đến thu nhập và đời sống của của người dân”, chuyên gia này phân tích.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, chỉ khi nào các cơ quan quản lý tính toán được những yếu tố nêu trên sẽ làm giảm mức sống thực tế của người dân bao nhiêu phần trăm thì các nhà làm luật mới có thể tính toán được nên tăng giảm ngưỡng thuế bấy nhiêu phần trăm. “Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo, nên đứng ra thực hiện việc đánh giá này”, chuyên gia này đề xuất.

Tuy nhiên, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng việc thay đổi các quy định tại Luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là cần thiết: “Nếu các cơ quan chức năng thấy việc sửa đổi này là cần và quyết tâm làm thì chỉ mất khoảng 6 tháng để thực hiện việc xây dựng nói trên và có thể trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay”, ông này quả quyết.

(VnExpress)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Bị ép làm… giám đốc
  • Luật thuế thu nhập cá nhân đã sớm lạc hậu
  • Nghị quyết số 11/NQ-CP: Biện pháp tránh sốc
  • Nhái thương hiệu: Lập lờ đánh lận con đen
  • Thu phí xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ: DN phản đối
  • Làm nhái nước Trà xanh không độ: Sống chết mặc... người tiêu dùng
  • Tăng khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lên 10 triệu đồng?
  • Thanh kiểm tra: Đừng làm DN nản lòng (P2)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%