Trong khi cơ quan thuế tận thu người thu nhập thấp hơn thông qua việc trừ 10% những khoản thu nhập từ 500.000 đồng trở lên, thì với những người có thu nhập cao hơn ngành thuế chưa có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các nguồn thu nhập của người nộp thuế.
Cục Thuế TP. HCM cho biết, hiện nay chỉ có những người thuộc diện hoàn thuế đi quyết toán chứ hiếm gặp trường hợp thuộc diện truy thu, đến xin nộp thêm. Cơ quan thuế cũng chưa có biện pháp xử lý những trường hợp người thu nhập cao không đi quyết toán.
Khai sao chịu vậy
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, với người có thu nhập tiền công, tiền lương từ nhiều nơi, cơ quan chi trả sẽ tạm khấu trừ 10%, cuối năm người nộp thuế phải tự tổng hợp các khoản thu nhập để thực hiện quyết toán với cơ quan thuế.
Với nguyên tắc này, người có thu nhập thấp như lao động tự do, giáo viên, lao động thời vụ... dù tổng hợp các nguồn thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế vẫn bị khấu trừ. Bị chiếm dụng tiền thuế suốt một năm, cuối năm những trường hợp này lại phải vật lộn với hàng loạt thủ tục rất nhiêu khê mới lấy được tiền hoàn thuế. Nhiều trường hợp chấp nhận bỏ luôn vì tiền công đi lại nhiều hơn số tiền nhận được từ hoàn thuế.
Ngược lại, với người có thu nhập cao cách khấu trừ 10% rất có lợi vì nếu tổng hợp nguồn thu nhập để tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần thì thu nhập chịu thuế sẽ rơi vào bậc thuế 20-35%. Sau khi bị khấu trừ 10%, cuối năm những trường hợp này không đi quyết toán thuế vì biết chắc chắn sẽ phải nộp thêm.
Thiếu dữ liệu
Theo ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP. HCM, đến nay cơ quan thuế chưa có dữ liệu đầy đủ của người nộp thuế. Do vậy với người có nhiều nguồn thu nhập, cơ quan thuế vẫn chủ yếu dựa vào thông tin tự khai của người nộp thuế chứ chưa có cơ sở để đối chiếu. Thời gian qua phần mềm cơ sở dữ liệu người nộp thuế của Tổng cục Thuế chưa lọc tự động danh sách của những người có thu nhập từ nhiều nơi.
Việc kiểm tra rất khó khăn vì phải làm thủ công. Cụ thể, muốn biết thông tin về đối tượng nào cơ quan thuế phải nắm mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân của người đó để nhập vào hệ thống. Nếu biết được mã số thuế cũng chưa chắc cơ quan thuế có thể truy ra được thu nhập của người đó do dữ liệu mà hệ thống này ghi nhận cũng khá rời rạc.
Theo ông Dương Anh Minh - Phó phòng Thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP. HCM, nguyên tắc phân quyền hiện nay trên trang web thunhapcanhanonline.com cơ quan thuế địa phương nào chỉ xem được thu nhập của các doanh nghiệp trên địa bàn đó, nên một người trong một năm làm ở hai địa phương khác nhau cơ quan thuế sẽ không kiểm chứng được.
Mới đây Phòng Thuế thu nhập cá nhân phải tự lập phần mềm riêng để thu thập dữ liệu dựa trên bản cáo bạch của các công ty niêm yết để theo dõi những người kiêm nhiệm nhiều chức vụ và bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên phạm vi rất hạn hẹp. Nhiều người thu nhập cao đã xin rút hồ sơ hoàn thuế hoặc chấp nhận nộp thêm sau khi cơ quan thuế này truy ra các khoản thu nhập khác.
Biểu so sánh chênh lệch thuế TNCN giữa hai cách tính thuế
Cùng mức thu nhập 700 triệu đồng/người/năm, hai người phụ thuộc | |
Nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần | Khấu trừ 10% |
Thu nhập chịu thuế: 700 triệu đồng - 86,4 triệu đồng (giảm trừ cho bản thân và hai người phụ thuộc)=613,6 triệu đồngChiếu theo biểu thuế lũy tiến từng phần:60 triệux5%=3triệu đồng60 triệu tiếp theox10%=6triệu đồng96 triệu tiếp theox15%=14,4triệu đồng168 triệu tiếp theox20%=33,6triệu đồng229 triệu còn lạix25%=57,25 triệu đồng | 10% x 700 triệu đồng =70 triệu đồng(không tính giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) |
Tổng cộng:111,99 triệu đồng |
Nên nâng mức khấu trừ
Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, mức tạm khấu trừ hiện nay quá thấp làm số lượng hồ sơ hoàn thuế tăng đột biến, gây quá tải cho cơ quan thuế, thêm việc cho cơ quan chi trả. Cuối năm, bộ phận chi trả tại các doanh nghiệp vất vả mua chứng từ khấu trừ để cấp cho người lao động tự do, trong khi đó số thuế hoàn dù ít cơ quan thuế cũng phải tuân theo quy trình hoàn thuế phức tạp. Người lao động vất vả chờ đợi vì thời gian hoàn thuế bị kéo dài do số lượng hồ sơ hoàn thuế tăng mạnh. Chưa kể hàng loạt lao động phải bỏ công ăn việc làm để đi lo các thủ tục hoàn thuế.
Theo ông Xoa, quy định với thu nhập trên 500.000 đồng thì cơ quan chi trả phải khấu trừ 10% đã quá lạc hậu, do đó không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Thời điểm quy định mức khấu trừ được tính toán bằng hai lần chuẩn nghèo thành thị nhưng hiện nay chuẩn nghèo thành thị đã tăng gấp đôi, chưa tính các yếu tố trượt giá nên quy định mức khấu trừ cũng phải tăng tương ứng, có thể là 1-1,5 triệu đồng. Quy định mức khấu trừ chỉ quy định trong Nghị định 100 chứ không quy định trong luật, do vậy Bộ Tài chính có thể trình Chính phủ sửa ngay chứ không cần phải chờ đến kỳ họp Quốc hội.
(Tuổi Trẻ News)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com