Việc lấy ý kiến DN xung quanh các dự thảo luật, nghị định... được VCCI thực hiện thường xuyên trên trang VIBonline.com.vn |
Hiện nay vẫn còn không ít dự thảo luật chưa được trình Ủy Ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội theo đúng tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là vẫn còn sự nể nang, thiếu kiên quyết của các cơ quan có trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định đưa dự án vào Chương trình cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2009), gồm 31 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức và 20 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị. Tuy nhiên hiện tại vẫn còn nhiều dự án chưa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội theo đúng tiến độ đã dự kiến (Luật thanh tra (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính, Luật viên chức, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư); một số dự án do chuẩn bị chưa tốt nên phải lùi thời hạn trình (Luật Thủ đô, Luật biển Việt Nam, Bộ luật lao động (sửa đổi), Luật công đoàn (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin, Luật đầu tư công...).
Dễ dãi, nể nang
Theo Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận): Nhiều đạo luật chúng ta đưa vào rồi lại rút ra vì những tình tiết lẽ ra chúng ta phải đánh giá từ trước. Bởi vì khi xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chúng ta đã tính toán rất kỹ các yếu tố cả về đối nội, đối ngoại, những vấn đề biến động của tình hình, có cả dự báo. Vấn đề sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm những nguyên tắc nhất định nếu không dẫn đến một tình trạng tùy tiện, đến sát nút Quốc hội chuẩn bị họp mới đưa bổ sung chương trình hoặc tận đến ngày họp mới rút ra thì các đại biểu sẽ rất bị động. Những việc sửa đổi, bổ sung càng phải thông báo, công bố sớm đến các đại biểu để các đại biểu có được những đánh giá, nhận định cho đúng. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: Chúng ta thay đổi dễ quá, chẳng hạn đối với Luật Biển, tại sao lại bỏ ? Nếu chuẩn bị chưa tốt thì Quốc hội phải tỏ thái độ với cơ quan soạn thảo và làm rõ tại sao chưa tốt. Hay đối với dự thảo Luật Thuế nhà đất tại các cuộc thảo luận trước vẫn là đất và nhà nhưng tại kỳ họp này lại chuyển thành Luật thuế đất phi nông nghiệp và nói là do đa số cử tri, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất. Ít nhất là phải làm biểu quyết trong số các đại biểu Quốc hội có đồng tình hay không. Tôi nghĩ nếu cơ quan soạn thảo nói rõ là chỉ đánh thuế nhà thứ 2 trở đi thì nhiều người sẽ ủng hộ thuế nhà chứ chỉ nói chung chung là đánh thuế nhà thì nhiều người phản đối vì ai cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Việc chuẩn bị nhiều dự án vẫn còn rất chậm, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Ngoài nguyên nhân khách quan do một số dự án thuộc Chương trình năm 2009 chưa được thông qua phải chuyển sang và một số dự án mới được bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 7, có thể thấy việc các dự án không được chuẩn bị tốt chủ yếu vẫn là do những nguyên nhân chủ quan mà trong đó là việc thực hiện không nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là vẫn còn sự nể nang, thiếu kiên quyết của các cơ quan có trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định đưa dự án vào Chương trình cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Có một số dự án đã được đưa vào Chương trình, nhưng chưa được xem xét toàn diện cả về nội dung, phạm vi, điều kiện thực tế và đặc thù của lĩnh vực cần điều chỉnh. Có trường hợp chỉ như là ghi tên, đăng ký; còn việc chuẩn bị tài liệu, thuyết minh không bảo đảm yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan còn thiếu chặt chẽ. Một số dự án, việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập còn chậm hoặc có thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Không ít Ban soạn thảo có cơ cấu, thành phần cồng kềnh, không xác định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên, hoạt động của Ban còn hình thức; các phiên họp vắng rất nhiều thành viên... Bên cạnh đó, cũng có nhận thức cho rằng, do luật thường được thông qua tại hai kỳ họp, nên chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng của dự thảo luật trình Quốc hội.
Theo dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 gồm 22 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình chính thức (thông qua 12 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật); 12 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết. |
Để hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị cũng như triển khai tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, Phó Chủ tịch UB Thường vụ Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Chính phủ cần dành thời gian thỏa đáng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; sớm phân công cơ quan soạn thảo các dự án mới được đưa vào Chương trình, củng cố các Ban soạn thảo đã được thành lập; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho công tác nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn, soạn thảo và thẩm tra; bảo đảm ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành; Cơ quan trình dự án, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình chuẩn bị dự án; bảo đảm dự án được chuẩn bị kỹ về nội dung và kỹ thuật văn bản, hạn chế tối đa những quy định chung chung; bảo đảm tiến độ chuẩn bị, thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh và các tài liệu liên quan đến cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; tham gia có trách nhiệm vào quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com