Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xử phạt vi phạm hành chính: Lộn xộn và chồng chéo

Quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm đường phố để bày bán hàng hóa rất khó khả thi trong thực tế. Ảnh: Lê Toàn.

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính mới được sửa đổi năm 2008 nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều địa phương bức xúc về các quy định không phù hợp thực tế của pháp lệnh. Song song với pháp lệnh là các luật và nghị định có những quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật chuyên ngành nên nảy sinh nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Ai có lỗi?

Rõ ràng, xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng với những người có hành vi gây ra lỗi. Nhưng thực tế phát triển, nhất là ở các địa phương đang đô thị hóa nhanh, thì nguyên nhân vi phạm nhiều khi không hẳn thuộc về người dân mà do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương lập quy hoạch khắp mọi nơi và lấp đầy bằng các dự án.

Theo quy định thì ở những vùng đó sẽ không cấp đăng ký kinh doanh, nếu kinh doanh không đăng ký thì sẽ bị phạt theo Nghị định 43/2010 (trước đây là Nghị định 88). Nhưng, trên thực tế rất nhiều dự án không được triển khai, nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng, người dân không được đền bù, tái định cư nên vẫn phải sinh sống và kiếm sống trên chính mảnh đất của mình. Thế là vi phạm luật và bị phạt. Cơ quan quản lý phạt xong lại cho tồn tại, không thể cưỡng chế. Tình trạng này rất phổ biến, nhưng lỗi không phải do người dân không muốn đăng ký kinh doanh mà không được đăng ký kinh doanh.

Xử phạt cũng không dễ

Hiện nay có rất nhiều văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính (chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng khoảng hơn 100 văn bản) tuy nhiên vẫn thiếu quy định xử phạt trong một số lĩnh vực chuyên ngành như: quản lý trật tự, tư pháp, an toàn thực phẩm... Ví dụ, vi phạm các quy định về hành nghề luật sư phải đúng biển hiệu, dán nhãn mác hàng hóa không đúng…

Ở nước ta hiện nay, các chế tài xử lý vi phạm hành chính được sử dụng rất phổ biến và trở thành một công cụ quản lý quan trọng của bộ máy hành chính, nhưng hầu hết các địa phương đều bức xúc vì phải xử phạt quá nhiều.

Hành vi vi phạm xuất hiện ở mọi lĩnh vực nhưng quy định lại chưa theo kịp. Ví dụ, gần đây ở các thành phố có lượng khách du lịch lớn như TPHCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Nha Trang, các hành vi vi phạm của người nước ngoài ngày càng tăng nhưng chưa có các quy định xử phạt phù hợp với đối tượng này.

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, dù đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính với đầy đủ thẩm quyền, hình thức xử phạt, mức phạt nhưng vẫn không xử phạt được. Ví dụ các vi phạm về quảng cáo do khó bắt quả tang nên hầu như không xử lý được.

Ai có quyền xử phạt?

Đây là câu hỏi không thể trả lời ngay, bởi vì quy định về thẩm quyền xử phạt được quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, trong Luật Thanh tra và trong rất nhiều nghị định quy định chi tiết các luật chuyên ngành. Đây là một ví dụ điển hình về sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật (pháp lệnh) và giữa luật với nghị định.

Ví dụ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính quy định Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh chỉ được xử phạt đến 70 triệu đồng là không phù hợp với Luật Cạnh tranh. Hoặc Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền của Chánh thanh tra tổng cục, thanh tra cục, nhưng các nghị định lại quy định, ví dụ như Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Hay trong Nghị định xử phạt trong lĩnh vực hóa chất tách thẩm quyền xử phạt về ngành công thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này từ trước đến nay thuộc Quản lý thị trường (Bộ Tài chính). Nghị định 40/2009 xử phạt về thú y quy định chỉ có thanh tra thú y có thẩm quyền xử phạt, nhưng thanh tra thú y mới chỉ có ở cấp bộ, cấp tỉnh, chưa có ở cấp huyện, cơ sở,…

Nhiều địa phương đề nghị tăng thẩm quyền cho chính quyền cấp cơ sở vì nếu thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định thì trong hầu hết các trường hợp vi phạm cấp cơ sở chỉ kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản, báo cáo cấp trên, dẫn đến tình trạng quá tải ở cấp trên. Mặc dù quy định hiện nay đã nâng dần thẩm quyền xử phạt của cấp xã từ 500.000 lên 2 triệu đồng, cấp huyện từ 10 triệu lên 20 triệu nhưng cấp xã vẫn không phạt được vì phần lớn các hành vi vi phạm đều có mức phạt cao hơn, nên lại phải chuyển lên cấp quận, huyện. Quy định như vậy vô hình trung đã làm yếu đi chức năng quản lý cấp cơ sở.

Mặt khác, một hành vi vi phạm có khi lại do nhiều cơ quan cùng xử phạt: giao thông, công an, quản lý trật tự đô thị… dẫn đến “loạn” xử phạt, công tác phối hợp giữa các lực lượng rất yếu, quyền ai người nấy phạt, chồng chéo với nhau là chuyện thường xảy ra.

Thủ tục xử phạt chưa minh bạch

Các quy định hiện hành không thống nhất biểu mẫu giữa các lực lượng được giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Thời hiệu xử phạt quy định là một năm, trong trường hợp phức tạp thì chưa có quy định kéo dài thời hiệu. Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn về thủ tục tống đạt quyết định nên thực tế trong quá trình thực hiện có nhiều bức xúc từ phía người bị phạt do các cơ quan chức năng chưa làm rõ thủ tục đối với người bị xử phạt, dẫn đến tâm lý bị phạt nhưng chưa “tâm phục khẩu phục”.

Còn nhiều thủ tục chưa được hướng dẫn cụ thể. Ví dụ Pháp lệnh quy định bắt buộc phải có chữ ký của người vi phạm trong biên bản, điều này sẽ khó thực hiện nếu đối tượng vi phạm không chịu ký, không chịu giao tang vật.

Mức phạt rất đa dạng

Trong nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính, các mức phạt đôi khi cũng chồng chéo nhau và không hợp lý. Chẳng hạn, Nghị định 111/2009 xử phạt trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định mức phạt tối đa 100 triệu, nhưng Pháp lệnh chỉ quy định mức phạt cao nhất trong an toàn bức xạ là 70 triệu đồng.

Hay như Nghị định 34/2010 quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để bày bán hàng hóa… là quá cao, không khả thi đối với những người buôn bán nhỏ. Phần lớn những người này không có tài sản, không có tài khoản nên không thể cưỡng chế được, còn tịch thu phương tiện, dụng cụ thì không có nơi cất giữ, thủ tục thanh lý phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức.

Ngược lại, mức phạt 300.000-600.000 đồng hành vi vi phạm điều kiện vệ sinh là quá thấp đối với nhà hàng lớn nhưng lại quá cao đối với bán hàng vỉa hè.

Thực tiễn với nhiều bất cập, chồng chéo như vậy đòi hỏi cần có một khung pháp lý thống nhất, lập lại trật tự về xử phạt vi phạm hành chính, để phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, phát huy hiệu quả răn đe, giáo dục, chứ không nhằm là phạt được bao nhiêu tiền, thu được nhiều phương tiện, tháo dỡ được nhiều công trình xây dựng…

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Gian lận thương mại: Đã có “thuốc” trị
  • Xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm
  • Bài toán xử lý nước thải
  • "Phát hoảng" với dự thảo thuế
  • Nhập khẩu rác: Cơ chế cho phép?
  • Nghị định 102: tốt và chưa tốt
  • Dự Luật kiểm toán độc lập : Nhiều điểm còn khúc mắc
  • Nghị định mới hướng dẫn Luật Doanh nghiệp có gì mới?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%