“Vấn nạn xâm phạm bản quyền đang thực sự trở thành rào cản Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ lo ngại về mối nguy hại này và xem việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố quan tâm hàng đầu trước khi nhà đầu tư bỏ vốn vào Việt Nam” – ông Murray Hiebert, Giám đốc cao cấp Phòng Thương mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber of Commerce) đã chia sẻ với chúng tôi như thế. Các vụ việc xâm phạm quyền SHTT đang xảy ra ngày một nhiều là điều cần được quan tâm.
Đầu tháng 10-2009, Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MASECO) đã gửi văn bản đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn hành vi của một số doanh nghiệp thời gian qua đã sử dụng trái phép hàng ngàn bài phối âm midi karaoke của MASECO). Danh sách các doanh nghiệp đã xâm phạm quyền sở hữu bản ghi bài phối âm midi karaoke của MASECO gồm: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đông Hải (Đông Hải Audio), Công ty CP Văn hóa Tổng hợp Bến Thành (Bến Thành Audio), Công ty TNHH TM-DV-SX CaLi, Công ty CP Điện tử Tân Bình (VTB), Công ty CP Truyền thông Sơn Ca, Công ty CP Điện tử Biên Hòa (BELCO), Công ty TNHH Điện tử Tiến Đạt…
MASECO đã đưa ra bằng chứng là 3.000 bản ghi phối âm đã được Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận quyền tác giả. Theo MASECO, hành vi xâm phạm quyền SHTT nói trên là hành vi “ăn cắp chất xám”, cạnh tranh không lành mạnh vì gây thiệt hại cho MASECO lên đến gần chục tỷ đồng. “Đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý hành vi sai trái này bởi nó đang gây hại trực tiếp đến quyền lợi MASECO và hạn chế sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế” - ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng Giám đốc MASECO kiến nghị.
Bên cạnh phản ánh của MASECO, CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP (SACC) gần đây đã nhận nhiều khiếu nại về tình trạng hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền SHTT. Ông Huỳnh Trí Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV - Thiết kế thời trang Nguyễn Long cũng bức xúc cho biết: “Thậm chí có cửa hàng còn sử dụng y chang bảng hiệu của chúng tôi, trưng bày và lấy hình ảnh quảng cáo của công ty để đánh lừa người tiêu dùng”.
Logo của Công ty Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính (phía trên) và các sản phẩm nhái (bên dưới) |
“Phía đơn vị sai phạm đã thừa nhận hành vi xâm phạm quyền SHTT của chúng tôi, hứa sẽ ngưng ngay việc sản xuất bao bì “nhái” và giao nộp bao bì đã in sai phạm. Thế nhưng nhiều ngày qua, trên thị trường vẫn còn nhan nhản loại bún “nhái” này” - bà Bính cho chúng tôi biết.
Việc bảo vệ bản quyền nói riêng và bảo vệ quyền SHTT nói chung sẽ khuyến khích mọi người có những sáng tạo mới đóng góp cho sự phát triển của toàn xã hội. Chính vì thế, một khi nạn xâm phạm bản quyền gia tăng tại mỗi quốc gia sẽ đặt ra nhiều mối nguy hại cho ngay chính quốc gia đó. Đó là chưa kể đến việc xâm phạm bản quyền gia tăng cũng kéo theo mối nghi ngại từ người tiêu dùng khiến cộng đồng quay lưng với việc chú trọng chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu.
Các nhà đầu tư chân chính thì không thể cạnh tranh nổi so với những kẻ sống bám vào việc “ăn cắp tri thức” và nhiều sản phẩm “nhái” ngoại nhập không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ “đánh bại” các thương hiệu vốn còn non trẻ của Việt Nam
Theo khảo sát của CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP (SACC), số lượng các vụ việc xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật về SHTT đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) - thiệt hại lớn nhất đến từ việc vi phạm bản quyền phần mềm máy tính với con số thống kê trong năm 2008 lên tới 257 triệu USD. Các trường hợp thường vi phạm là in ấn bao bì, phát hành xuất bản phẩm lậu, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, thực phẩm, tân dược… đều gắn liền với hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước |
(Theo SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com