Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chợ cóc: Tránh "giải" chỗ này, "tỏa" chỗ khác

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có trên 260 chợ cóc, chợ tạm hoạt động bất kể giờ giấc, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, an ninh trật tự, an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chấn chỉnh tình trạng này, hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long, từ 15/11/2009-31/3/2010, các lực lượng chức năng thành phố sẽ ra quân giải tỏa, di chuyển các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, nhất là các khu vực trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng “giải” chỗ này, “tỏa” chỗ khác, các lực lượng chức năng cần tập trung làm mạnh tay, nếu không sẽ chỉ xử lý được "phần ngọn".

Dễ mọc, khó bỏ

Thực tế ở Hà Nội hiện nay, chợ cóc, chợ tạm dễ dàng “mọc” lên bất cứ đâu có khu tập thể, khu dân cư, mật độ người qua lại đông, dưới hình thức vài hàng rong, xe thồ, thúng mẹt bán rau, hoa quả, thực phẩm... tụ tập trên vỉa hè, dưới lòng đường, góc phố để phục vụ nhu cầu “ngại” và tâm lý “tiện” của nhiều người dân.

Dần dần thành thói quen, các hàng quán tự do này xuất hiện cố định bằng lều bạt, ô dù, dây giăng và bán từ sáng đến tối, kéo theo nhiều dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh khác mọc theo.

Khảo sát của đoàn kiểm tra liên ngành Sở Công Thương, 14 quận, huyện trung tâm của thành phố như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ... đều xuất hiện các chợ cóc, chợ tạm hoạt động cố định, quy mô lớn, trong đó, quận Hai Bà Trưng xuất hiện nhiều chợ cóc nhất.

Chị Thu Huyền, ở ngõ Thanh Hà, phố Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm) cho biết, việc yêu cầu người dân phải đi xa, gửi xe, vào các chợ trung tâm để mua thức ăn khi công việc và thời gian không có thì rất bất tiện.

Trong khi đó, chợ cóc, chợ tạm nằm ngay sát nhà, chỉ mất vài phút là mua đủ bữa ăn, giá thực phẩm lại rẻ, còn chợ chính thì cách xa nhà, giá cả lại cao hơn.

Chuyện chợ cóc, chợ tạm dễ mọc, từ lâu đã trở thành nếp sống ở nhiều tuyến phố, xuất phát từ thói quen cung cầu của người dân.

Chưa kể nhiều nơi, một số nhà dân còn vô tình tiếp tay cho chợ cóc, chợ tạm phát triển. Các nhà có mặt tiền mở cửa cho thuê đất công trước cửa nhà mình làm chỗ bán hàng và sẵn sàng che giấu hàng hóa cho những người bán hàng mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra. Lực lượng trật tự vừa đi khỏi, hàng hóa ngay lập tức được bày ra bán. Do không mất tiền thuê, tiền thuế, nên hàng hóa ở chợ cóc, chợ tạm rẻ hơn trong chợ chính... đây là những điều kiện thuận lợi cho chợ cóc, chợ tạm tồn tại.

Đoạn phố Ngọc Hà nối từ phố Đội Cấn với phố Sơn Tây (Ba Đình) lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp kẻ mua người bán. Nhiều người đi đường đều nói đây là chợ Ngọc Hà, nhưng thực chất đây là chợ cóc đã tồn tại nhiều năm nay trước cổng chợ chính.

Dạo qua các huyện, quận nội thành, chợ kiểu này không khó gặp như Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), Yên Phụ (Tây Hồ), Thành Công (Đống Đa)...

Và thực tế này không chỉ khiến nhiều tiểu thương trong chợ chính bức xúc, mà đang kéo theo nhiều hệ lụy khó quản như nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tập trung giải tỏa chợ cóc, chợ tạm tại các quận trung tâm

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện đã có 14/29 quận, huyện xây dựng xong kế hoạch giải tỏa chợ cóc, chợ tạm gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Sóc Sơn, Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng.

Các huyện này đang tiếp tục rà soát địa bàn và lập phương án kiên quyết giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chống tái họp trở lại. 15 quận, huyện, thị xã còn lại đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch giải tỏa trình thành phố.

Trước nguy cơ tái họp của nhiều chợ cóc, chợ tạm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Canh Dần đang đến gần, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng liên ngành tập trung giải tỏa khoảng 60 chợ cóc, chợ tạm đã và đang hoạt động trên các tuyến đường giao thông chính, các địa điểm nhạy cảm, thường xuyên gây bức xúc dư luận.

Để tránh tình trạng sau thời gian giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm tái hoạt động trở lại, thành phố yêu cầu các phường, xã, thị trấn phải duy trì lực lượng ở địa điểm đã giải tỏa từ 3-6 tháng; đồng thời, các quận, huyện sớm sửa chữa, cải tạo lại các chợ chính trên địa bàn để người dân có nơi mua bán thuận tiện.

Trong đợt ra quân lần này, thành phố chỉ đạo ngành công thương phối hợp trực tiếp với các ngành công an, giao thông vận tải, thanh tra giao thông bố trí lực lượng chuyên ngành, liên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết giải tỏa dứt điểm các chợ cóc, chợ tạm, phát động phong trào giữ gìn trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị từ cơ sở đối với các lực lượng đoàn thể, mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, tổ dân phố...

Tuy nhiên, nếu chỉ dùng biện pháp hành chính để dẹp chợ cóc, chợ tạm là chưa đủ, việc làm này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cơ sở đến thành phố, nhất là công tác giáo dục ý thức xây dựng văn minh thương mạ, tiêu dùng bằng cách xóa bỏ thói quen "đi chợ cóc" mọi nơi, mọi lúc trong người dân, "xóa cầu" ắt sẽ "cắt cung"./.

 
(Báo Tin tức/Vietnam+)

  • Quản lý Internet rất khó và rất phức tạp
  • Vụ kiện kính nổi nhập khẩu bước vào giai đoạn tranh luận
  • Việt Nam sẽ dán nhãn sản phẩm biến đổi gen
  • Oan hay không oan?
  • Xử lý tham nhũng: Hiệu quả chưa đi liền với... quyết tâm
  • Thêm một cơ sở nấu lậu nhớt cặn ở Bình Dương
  • Bắt quả tang DN xả nước thải không qua xử lý
  • Xe du lịch biến thành xe tải Van: Hải quan vẫn chưa thông!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%