Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý Internet rất khó và rất phức tạp

 
Quản lý Internet là vấn đề rất phức tạp. Ảnh: Đức Thanh

Mặc dù vừa trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp vẫn đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội vào chiều 17/11.

Sự bùng nổ của công nghệ - thông tin, ngoài lợi ích vô cùng to lớn mà nó mang lại cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và cả xã hội thì những hệ luỵ không mong muốn như kích động khiêu dâm, bạo lực, cờ bạc đỏ đen… thậm chí là bôi xấu xã hội cũng theo mạng Internet tràn vào Việt Nam, len lỏi tới từng ngõ ngách, làng quê, thôn xóm. Điều này theo nhiều đại biểu Quốc hội là đã gây ra những bất an trong từng gia đình và xã hội.

Ý thức rất rõ về những tác hại không mong muốn của Internet nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên trả lời trực tuyến trên Internet và trên các truyền hình, cũng như  trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân liên quan đến lĩnh vực mà Bộ quản lý.

 

 

“Mọi công dân quan tâm khi đặt câu hỏi về những lĩnh vực mà Bộ quản lý đều được chúng tôi trả lời đầy đủ. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ đã đến tất cả các địa phương để giải quyết kiến nghị, khiếu nại tại địa phương và cơ sở”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết.

 

Mặc dù vậy, đánh giá về vai trò quản lý nhà nước đối với mạng Internet của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) vẫn cho rằng, quản lý dịch vụ Internet vẫn còn quá lỏng lẻo, nội dung tiêu cực trên mạng vẫn còn rất phổ biến, ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội.

Trong khi đó, đại biểu Cao Thành Văn (Bạc Liêu) nhận định: “Mặt trái của Internet đã gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều biện pháp quản lý nhưng kết quả còn rất hạn chế”.

“Quản lý Internet là vấn đề rất phức tạp - ông Hợp khẳng định - Những máy chủ đặt tại Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng với máy chủ đặt tại nước ngoài, việc quản lý chỉ có 2 cách là nâng cao ý thức của người dân và những người có trách nhiệm với xã hội sử dụng chính Internet để phản bác lại những nội dung, luận điệu xuyên tạc, không đúng với thuần phong mĩ tục”.

Năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra 2.750/20.000 đại lý kinh doanh dịch vụ Internet phát hiện tới trên 30% số cơ sở có sai phạm về kinh doanh lĩnh vực này.

“Chúng tôi đã làm việc với nhiều chuyên gia đầu ngành về công nghệ - thông tin và tìm hiểu cách quản lý Internet của nước ngoài và họ cho biết, việc quản lý Internet rất khó, rất phức tạp ngoài nâng cao dân trí, bổ sung đầy đủ hành lang pháp lý để xử phạt nghiêm túc cơ sở vi phạm, tăng cường biện pháp quản lý bằng kỹ thuật, nhưng quản lý bằng kỹ thuật không phải là giải pháp tối ưu vì sẽ dẫn tới nghẽn mạng, gây ảnh hưởng tới người sử dụng”, ông Hợp nói.

Liên quan đến trạm thu phát sóng dùng trong mạng di động không dây (BTS), đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và nhiều đại biểu khác cho biết đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của cử tri cho rằng sức khoẻ của họ đang bị ảnh hưởng rất lớn do các trạm BTS gây ra.

“Các cơ quan chức năng (y tế, khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông) cần phải khẳng định các trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người hay không để người dân yên tâm “sống chung” với trạm BTS và cũng để cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển”, ông Hiền kiến nghị.

“Tôi khẳng định các trạm BTS không gây bất cứ tác động nào đến sức khoẻ của người dân”, Bộ trưởng Hợp khẳng định và công bố, năm 2006, các tổ chức nghiên cứu về tác động của sóng di động tới sức khoẻ người dân đã khẳng định: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm và các kết quả nghiên cứu thu thập được thì chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu thu phát của các trạm BTS và các trạm viễn thông ảnh hưởng tới sức khoẻ con người”.

Đối với ViệtNam, các trạm BTS có công suất chỉ vào khoảng 20 watt (thế giới trung bình là 32 watt) nên ảnh hưởng đến sức khoẻ con người (nếu có) cũng rất thấp.

“Chúng tôi đã tổ chức  kiểm tra 25.000 trạm BTS và khẳng định các trạm này không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Hiện cả nước có 42.000 trạm BTS, trong đó, Viettel có 16.000 trạm, MobiFone có 11.000 trạm, VinaPhone có hơn 10.000 trạm, Công ty Viễn thông điện lực có 2.500 trạm, còn lại của các doanh nghiệp khác.

“So với các nước trên thế giới, số lượng trạm BTS của ViệtNamkhông nhiều. Cụ thể, năm 2007, chỉ riêng một công ty viễn thông của Nhật Bản đã xây dựng và quản lý trên 40.000 trạm BTS”, ông Hợp khẳng định và cho biết, trong thời gian tới, trạm BTS còn tiếp tục tăng mạnh do công nghệ - thông tin phát triển, trước mắt là dịch vụ 3G sau đó là đến 4G.

“Mỗi trạm BTS chỉ phục vụ được 200-1.500 thuê bao, vì vậy, thuê bao tăng, vẫn phải tăng số lượng trạm BTS để đáp ứng nhu cầu của xã hội”, ông Hợp cho biết.

Cùng với băn khoăn về việc quản lý Internet, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng bày tỏ sự băn khoăn về quản lý báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, bởi theo bà, nhiều bài báo phản ánh không trung thực, thậm chí sai sự thật gần đây (như sữa nhiễm melamine, bưởi gây ung thư, tẩy trắng trứng gà Trung Quốc…) đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp và bất bình trong một bộ phận xã hội.

“Báo chí Việt Nam đang phát triển rất nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, loại hình; chất lượng của những người làm báo, quản lý báo chí đã được nâng lên một bước, sai phạm đã giảm dần”, Bộ trưởng Hợp khẳng định,

Cả nước hiện có 709 cơ quan báo chí với hàng chục ngàn ấn phẩm được xuất bản mỗi ngày, nhưng năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ phát hiện và xử lý 65 trường hợp vi phạm Luật Báo chí, trong đó có 34 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt 561 triệu đồng.

Tính đến đầu tháng 11/2009, cả nước chỉ có thêm 31 trường hợp vi phạm Luật Báo chí bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 214 triệu đồng. “Điều này cho thấy công tác quản lý đã được nâng cao đáng kể”, ông Hợp phát biểu.

 

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư )

  • Chợ cóc: Tránh "giải" chỗ này, "tỏa" chỗ khác
  • Vụ kiện kính nổi nhập khẩu bước vào giai đoạn tranh luận
  • Việt Nam sẽ dán nhãn sản phẩm biến đổi gen
  • Oan hay không oan?
  • Xử lý tham nhũng: Hiệu quả chưa đi liền với... quyết tâm
  • Thêm một cơ sở nấu lậu nhớt cặn ở Bình Dương
  • Bắt quả tang DN xả nước thải không qua xử lý
  • Xe du lịch biến thành xe tải Van: Hải quan vẫn chưa thông!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%