Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đối thoại nửa vời

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: Thanh Tao.

Tính cả Hà Nội và TPHCM, mỗi năm ngành thuế và hải quan đối thoại được với khoảng một ngàn doanh nghiệp. Con số này rất nhỏ so với hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên cả nước. Song, điều đáng nói là các kiến nghị, khúc mắc họ mang đến các hội nghị gần như không khác nhau qua các năm.

Tìm “Bao Công” ở đâu?

“Thưa Thứ trưởng, doanh nghiệp tôi gặp các vấn đề như sau: một là…” - “Đề nghị doanh nghiệp để lại đơn và hồ sơ ở bàn thư ký, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và trả lời bằng văn bản sau”. “Nhưng thưa Thứ trưởng, ở hội nghị đối thoại cách đây ba năm tôi cũng hỏi câu này và cũng được trả lời như vậy”. Khoảng 400 đại diện doanh nghiệp trong hội trường dinh Thống Nhất (TPHCM) ồ lên. Trên bàn chủ tọa, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Phó tổng cục trưởng Hải quan Vũ Ngọc Anh có vẻ lúng túng. Có lẽ các ông không nghĩ sẽ gặp tình huống này tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan khu vực phía Nam, diễn ra cuối tháng 9.

Thủ tục hải quan điện tử đang áp dụng cho 20/33 cục hải quan tỉnh, thành phố, với trên 1,3 triệu tờ khai (chiếm 74% tổng số tờ khai hải quan trong năm) và kim ngạch thực hiện cũng đạt 85,3 triệu đô la Mỹ. Cả nước đã có trên 42.400 doanh nghiệp đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử. Tính ra, kể cả số doanh nghiệp chưa qua hải quan điện tử thì một năm tại Việt Nam các doanh nghiệp phải khai khoảng 2 triệu tờ khai hải quan, với giá trị kim ngạch thông quan trên 100 triệu đô la Mỹ.

(Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh)

Đại diện công ty Y ở Đồng Nai cũng chầu chực đến 12 giờ 30 dưới sân khấu chỉ để gặp ông Vũ Ngọc Anh: “Doanh nghiệp tôi căng lắm anh ơi, hàng ngàn tỉ đồng chết gí một chỗ chỉ vì vướng mắc thủ tục”. Ông Ngọc Anh cũng đề nghị doanh nghiệp Y mang hồ sơ đến và hứa sẽ tìm hiểu trả lời sau. Các doanh nghiệp cất công đến hội nghị đều không muốn thế, họ cho rằng “trả lời sau” có nghĩa họ có thể không nhận được câu trả lời và nếu đem thắc mắc trở lại hải quan địa phương như hầu hết câu trả lời lãnh đạo bộ khuyên thì vẫn không được giải quyết thỏa đáng hoặc vẫn bị làm khó. Biết tìm “Bao Công” ở đâu?

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp của ngành thuế, hải quan được tổ chức thường niên năm năm qua, diễn ra ở Hà Nội và TPHCM, mỗi hội nghị theo danh sách có khoảng 400-500 đại diện doanh nghiệp tham gia. Tính chung, mỗi năm ngành thuế và hải quan đối thoại được với khoảng một ngàn doanh nghiệp. Con số này rất nhỏ so với hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên cả nước. Song, điều đáng nói là các kiến nghị, khúc mắc họ mang đến hội nghị gần như không khác nhau qua các năm.

Điệp khúc thủ tục

Năm năm qua, các thắc mắc của doanh nghiệp vẫn quanh đi quẩn lại từng ấy vấn đề: cách thực hiện các loại thuế suất, các chính sách thuế, ưu đãi về thuế chưa công bằng, hoàn thuế, truy thuế chậm hay bất hợp lý, thủ tục hải quan rườm rà, cán bộ hải quan vẫn làm khó doanh nghiệp, nhiều khúc mắc của doanh nghiệp lặp lại nhiều lần nhưng bị các cục hải quan địa phương chuyển đi lòng vòng và không nơi nào trả lời (trong khi quy định là 15 ngày phải có câu trả lời). Đáng chú ý, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, trong các văn bản trả lời của ngành hải quan có những nội dung ở các cấp khác nhau lại trái ngược nhau khiến doanh nghiệp chịu chết. Nhiều câu hỏi chỉ được trả lời chung chung là sẽ nghiên cứu thêm và nhiều thắc mắc vẫn đi vào hư không.

Vấn đề rõ nhất có thể thấy qua các hội nghị này, là sự lộng hành của cán bộ hải quan, thuế ở các địa phương. Dù Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (người phụ trách lĩnh vực thuế, hải quan) tuyên bố “những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được bộ xem xét thấu đáo trên tinh thần coi doanh nghiệp là bạn đồng hành và tạo mọi điều kiện tối ưu để phát triển” song vẫn có những việc làm của cán bộ hải quan, thuế ở địa phương mà đến khi doanh nghiệp nói thì lãnh đạo mới biết.

Ví dụ, Cục Hải quan An Giang chưa được thí điểm hải quan điện tử, song một số doanh nghiệp phản ánh họ được đề nghị mua phần mềm khai báo hải quan điện tử. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã trả lời rằng các phần mềm này được cung cấp miễn phí tại trang web của hải quan. Một doanh nghiệp khác cho biết họ vẫn phải bổ sung thủ tục hỗ trợ cho mỗi lần phát sinh nghiệp vụ xuất hay nhập hàng với mỗi bộ hồ sơ 15 tờ A4 trở lên. Thực tế, quy định hồ sơ hải quan với hàng hóa xuất khẩu không yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình hóa đơn đỏ đối với vật tư, hàng hóa mua trong nước, song một doanh nghiệp khác cho biết khi xuất hàng họ vẫn bị cán bộ hải quan yêu cầu phải có hóa đơn đỏ.

Ví dụ khác, một công ty thuộc ngành điện tử đã tham gia hải quan điện tử nhưng khi quan hệ công tác với các đơn vị khác như ngân hàng, thuế, kiểm toán, hay thậm chí là hải quan cửa khẩu thì vẫn bị buộc phải xuất trình chứng từ gốc. “Không giảm được chứng từ thủ tục, cũng không giảm được thời gian đi lại”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Chờ những việc làm dứt khoát

Một năm vài hội nghị đối thoại quả là chưa đủ với “cơn khát” thông tin chính sách của doanh nghiệp. Một nhóm doanh nghiệp phía Nam còn kiến nghị cơ quan quản lý “thường xuyên tập huấn, đối thoại với doanh nghiệp trong việc triển khai các văn bản mới, giảm tiếp các thủ tục hải quan không cần thiết, cung cấp những thông tin mới về chính sách thuế, hải quan qua e-mail để doanh nghiệp được cập nhật và trao đổi kịp thời với hải quan…”.

Câu trả lời của lãnh đạo Bộ Tài chính là: hàng năm bộ vẫn tổ chức các buổi đối thoại và hải quan địa phương cũng có những hội nghị đối thoại nên đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với hải quan, thuế và VCCI tại địa phương để… biết lịch. Hoặc doanh nghiệp có thể gửi thư điện tử, kiến nghị theo số điện thoại trên website của ngành hải quan, thuế, Bộ Tài chính.

Câu trả lời này chưa thỏa đáng bởi các hình thức này vẫn tồn tại song không có tác dụng giải tỏa được bức xúc của doanh nghiệp với hai ngành này. Theo ý kiến chung của các doanh nghiệp, họ mong đợi ngành tài chính thúc đẩy nhanh những gì đã cam kết, bắt tay vào những việc làm cụ thể chứ không phải chỉ nghe kiến nghị mãi nhưng tình hình vẫn thế. “Một số cán bộ và nhân viên ngành thuế và hải quan cần thay đổi nhận thức về vai trò và nghĩa vụ của công chức trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng với người làm thủ tục thuế, hải quan và nộp thuế”, ông Phạm Gia Túc - Phó chủ tịch VCCI - phát biểu tại một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp của ngành thuế, hải quan ở Hà Nội. 

Ngành thuế và hải quan là hai ngành liên quan đến đời sống của tất cả các doanh nghiệp. Một dịch chuyển nhỏ trong chính sách của họ thường là dịch chuyển lớn trong từng công ty. Vì vậy, doanh nghiệp cần những việc làm cụ thể, dứt khoát và tận tâm chứ không chỉ là những hội nghị hoành tráng.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%