Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vụ kiện kính nổi: 2 đấu 100!

Việc gia tăng nhập khẩu từ năm 2006 đã giúp thị trường kính nổi bắt đầu có yếu tố cạnh tranh, làm lợi cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Trong ảnh là hoạt động sản xuất kính tại nhà máy của Công ty Phú Phong ở khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM. - tinkinhte.com
Việc gia tăng nhập khẩu từ năm 2006 đã giúp thị trường kính nổi bắt đầu có yếu tố cạnh tranh, làm lợi cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Trong ảnh là hoạt động sản xuất kính tại nhà máy của Công ty Phú Phong ở khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

Vụ điều tra yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam gây nên cuộc tranh cãi thú vị giữa một bên là hai doanh nghiệp yêu cầu điều tra (tạm gọi là “nguyên đơn”) với bên khác là hơn 100 nhà nhập khẩu bị điều tra (tạm gọi là “bị đơn”). Các bên đang cố tìm cách bảo vệ cái lý của mình.

Đe dọa sản xuất trong nước?

Căn cứ điều 6, Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, muốn áp dụng các biện pháp tự vệ thì phải chứng minh được hai yếu tố cơ bản. Một là có sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu so với hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước. Hai là sự gia tăng đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước nói trên.

Để chứng minh yêu cầu của mình, bên nguyên đơn cho biết số lượng kính nổi nhập khẩu đã tăng một cách đột biến trong thời gian ngắn. Cụ thể, năm 2007, lượng kính nổi nhập về chỉ mới ở mức 9.779,5 MT (tấn), đến năm 2008 con số này đã tăng vọt lên 33.765 MT và chỉ ba tháng đầu năm 2009 đã là 14.696 MT. Báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho thấy lượng nhập khẩu năm 2008 tăng gấp 6 lần so với năm 2006 và riêng về giá trị kim ngạch nhập khẩu có sự tăng dần vào giai đoạn 2006-2007, tăng cao đột ngột vào năm 2008 và đạt đỉnh điểm vào quí 1-2009. Việc tăng này đã kéo theo thị phần kính nổi nhập khẩu tăng đột biến từ 4% năm 2006, 2007 lên 16,5%, tức gấp bốn lần vào năm 2008.

Vụ kiện yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ do hai doanh nghiệp gồm Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG) khởi xướng vào tháng 5-2009 và được Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành điều tra vào ngày 1-7-2009. Mặt hàng bị điều tra là kính nổi nhập khẩu có mã số 7005.29.90.00 và 7005.21.90.00. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, có hơn 100 nhà nhập khẩu thuộc diện bị điều tra trong vụ này.  

Theo nguyên đơn, sức ép hàng ngoại nhập đã đẩy các nhà sản xuất trong nước đến tình trạng thua lỗ nghiêm trọng do sụt giảm doanh số và giá bán. Cụ thể, lượng hàng bán tại thị trường nội địa năm 2008 giảm 23,39% so với năm 2007; doanh thu tương ứng giảm 1,87%; giá bán vào tháng 3-2009 giảm 24% so với tháng 7-2008; lượng tồn kho vào quí 1-2009 gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2008... Báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết thị phần của ngành sản xuất trong nước giảm liên tục, từ 97,4% năm 2006 xuống 96,2% vào năm 2007, 83,5% vào năm 2008 và chỉ còn 73,6% vào quí 1-2009. Khó khăn buộc các doanh nghiệp nguyên đơn trong năm 2008 phải cắt giảm 5,2% lao động so với 2007. Tình hình nghiêm trọng đến mức có đơn vị như Công ty VGI vừa mới hoạt động chín tháng đã phải tuyên bố đóng cửa và theo đánh giá của cơ quan quản lý cạnh tranh, “nếu tình trạng trên không được cải thiện, rất có thể tới đây hai công ty còn lại của ngành sản xuất trong nước cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải rút khỏi thị trường”.

Từ lập luận của mình, hai doanh nghiệp nguyên đơn yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ với mức thuế tuyệt đối 0,6 đô la Mỹ/mét vuông đối với kính nhập khẩu (không phân biệt xuất xứ) trong thời gian bốn năm. Đồng thời, trước mắt áp dụng ngay biện pháp tạm thời là đưa ra mức thuế nhập khẩu chung 40% đối với mặt hàng này (không phân biệt nước xuất khẩu) trong thời gian 200 ngày. Nói cách khác, ngoài mức thuế suất thông thường đang áp dụng trong khu vực ASEAN là 5%, ngoài khu vực là 40%, kính nổi nhập khẩu phải cộng thêm 40% thuế suất cho mỗi lô hàng khi nhập vào Việt Nam.

Bảo vệ độc quyền?

Yêu cầu của phía nguyên đơn đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà nhập khẩu. Băn khoăn lớn nhất mà bên bị đơn đặt ra là mục tiêu đạt được khi áp dụng biện pháp tự vệ.

Trước năm 2006, thị trường kính nổi tại Việt Nam vốn là thị trường gần như độc quyền của hai doanh nghiệp nguyên đơn, Công ty kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG). Như đã nêu, theo Cục Quản lý cạnh tranh, năm 2006 VIFG và VFG nắm giữ tới 97,4% thị phần và phần còn lại 2,6% do nguồn cung nhập khẩu.

Sự phát triển của thị trường xây dựng và đặc biệt việc mở cửa khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) với lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành vào 2006, cũng như việc Việt Nam gia nhập WTO, đã thúc đẩy sự gia tăng của mặt hàng kính nổi nhập khẩu và việc gia tăng tất yếu đó đã buộc hai doanh nghiệp trong nước phải chuyển từ vị thế gần như độc quyền sang vị trí thống lĩnh thị trường (năm 2008, thị phần còn 83,5%). Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Thành, một trong các bị đơn, cho rằng việc tham gia của các nhà nhập khẩu đã giúp cho thị trường kính nổi bắt đầu có yếu tố cạnh tranh, làm lợi cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế bởi giá cả rẻ, hàng hóa đa dạng. Vì vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ không chỉ giúp tái lập vị thế độc quyền của hai nhà sản xuất trong nước, mà còn tạo ra hệ quả tiêu cực là xóa bỏ môi trường cạnh tranh non trẻ vừa mới hình thành, từ đó gây thiệt hại chung cho cả xã hội.

Theo lập luận của bị đơn, chính năng lực cạnh tranh yếu kém được nuôi dưỡng từ vị thế độc quyền lâu nay của phía nguyên đơn đã gây khó khăn cho chính họ, chứ không nên đổ lỗi cho nhập khẩu. Đại diện Hiệp hội Kính Indonesia, trong buổi tham vấn công khai vào ngày 20-11 vừa qua, đã chỉ ra rằng khó khăn của ngành sản xuất kính nổi rơi vào thời điểm khủng hoảng kinh tế nhưng các nhà sản xuất lại duy trì giá bán rất cao trong khi các nhà xuất khẩu lại điều chỉnh giá linh động hơn. “Điều này chứng tỏ nhà sản xuất Việt Nam đã “mời” nhà xuất khẩu vào Việt Nam”. Còn theo ông Phạm Thanh Tùng, ngay thời điểm hiện nay nếu đặt hàng VIFG và VFG cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Điều đó chứng tỏ năng lực của phía nguyên đơn không đảm bảo và yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu là vô lý.

Ông Lương Trọng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Phú Phong - cũng là một bị đơn, cho biết VIFG, đơn vị có thị phần áp đảo, là một công ty liên doanh, trong đó vốn của nước ngoài (Nhật Bản) chiếm tới 70%. Trong khi đó, có tới 30-40 nhà nhập khẩu đồng thời đều là các doanh nghiệp sản xuất trong nước, họ vừa nhập vừa mua kính nổi từ VIFG và VFG để làm nguyên liệu sản xuất ra kính thành phẩm. Vốn đầu tư của các doanh nghiệp này nếu cộng lại chắc chắn sẽ lớn hơn VIFG, VFG; số lao động cũng cao hơn (theo ông Tuấn, khoảng 5.000 người so với khoảng 1.000 người của VIFG, VFG). Như vậy, cần bảo vệ độc quyền của hai doanh nghiệp, hay bảo vệ 30-40 doanh nghiệp cũng thuộc ngành sản xuất kính nói chung?

Mặt khác, theo ông Tùng, biện pháp tự vệ có thể còn gây ra hậu quả xấu là làm tăng giá thành kính nổi (nguyên liệu để sản xuất kính thành phẩm) trong khi các nhà sản xuất nước ngoài có nguồn nguyên liệu rẻ hơn và thuế suất thuế nhập khẩu kính thành phẩm trong các nước ASEAN là 0%. Do đó, người tiêu dùng đương nhiên sẽ mua các sản phẩm này từ nước ngoài và triệt tiêu chính ngành sản xuất trong nước, trong đó có cả các nhà cung cấp nguyên liệu như VIFG, VFG.

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Ngô Quang Thụy, Giám đốc điều hành Công ty Luật NT Trade Law, cũng đề nghị nên có sự cân nhắc cẩn trọng khi xem xét vụ việc vì khoản 2, điều 19, Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam có quy định: các biện pháp tự vệ sẽ không được áp dụng nếu việc áp dụng đó dẫn đến một trong các hậu quả như gây thiệt hại đến kinh tế-xã hội trong nước; gây thiệt hại đến lợi ích của đa số các nhà tiêu thụ...

(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không phải cứ thanh tra là đưa ra xử lý”
  • Đất đang tranh chấp vẫn cấp sổ đỏ
  • Yêu cầu xử lý nhiều sai phạm tại VNPT
  • Quá ưu ái doanh nghiệp của Thành ủy?
  • 19 DN bị xử phạt vì vi phạm về ngoại hối
  • Khung pháp lý cho tập đoàn kinh tế sau 5 năm thí điểm
  • Tiến thoái lưỡng nan
  • Vedan thừa nhận đã "giết" sông Thị Vải
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%