Theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, viên chức đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội hay đã nộp đơn xin nghỉ hưu nhưng chưa có quyết định thì vẫn tham gia BHTN cho đến khi có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Trần Minh Thúy, giáo viên công tác tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và ông Trần Hồng Hưng, công tác tại Trường THCS Lê Lợi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số thắc mắc liên quan đến chế độ BHTN:
- BHTN là tự nguyện hay bắt buộc? Cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế có thuộc đối tượng tham gia BHTN?
- Viên chức đã đủ 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội hoặc đã nộp đơn xin nghỉ hưu thì có cần tham gia đóng BHTN nữa hay không?
- Viên chức tham gia BHTN được hưởng chế độ như thế nào khi về hưu?
- Hiện nay Bộ Tài chính đã có hướng dẫn chi tiết về việc thu BHTN chưa? Nếu chưa có hướng dẫn thì có được thu BHTN hay không?
Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp các thắc mắc trên như sau:
BHTN là loại hình bảo hiểm bắt buộc
Theo quy định tại Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội thì BHTN là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động.
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN thì các đối tượng tham gia BHTN là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng đến 36 tháng hoặc không xác định thời hạn với người sử dụng lao động, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước.
Như vậy, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc đối tượng giao kết hợp đồng làm việc nêu trên là đối tượng tham gia BHTN.
Trường hợp viên chức đang tham gia BHTN mà đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội hoặc đã nộp đơn xin nghỉ hưu nhưng chưa có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng thì vẫn tiếp tục tham gia BHTN cho đến khi có quyết định hưởng lương hưu.
Điều kiện hưởng BHTN
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP nêu trên và các văn bản hướng dẫn thì điều kiện hưởng BHTN bao gồm:
- Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
- Đã đăng ký với Trung tâm Giới thiệu việc làm trong vòng 7 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định.
Như vậy, khi người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì được hưởng chế độ BHTN và sẽ chấm dứt hưởng chế độ này kể từ ngày hưởng lương hưu theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội.
Cục Việc làm cũng cho biết, theo quy định tại Điều 140 Luật Bảo hiểm xã hội thì chính sách BHTN có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 và theo quy định tại Điều 14 Nghị định 127/2008/NĐ-CP nêu trên thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ BHTN.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com