Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lựa chọn chỉ báo trung bình động SMA thích hợp nhằm xác định thời điểm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Trung bình động SMA (Simple Moving Average) tại một thời điểm là giá trị trung bình của giá trong một giai đoạn tính đến thời điểm đó. Trung bình động là kim chỉ nam xác định xu thế đi lên hay đi xuống của giá. Trong phân tích khoa học kỹ thuật và quản lý, trung bình động đã được ứng dụng rất rộng rãi. Vì vậy tất yếu trong phân tích thị trường chứng khoán với tư cách là một khoa học, trung bình động đã được ứng dụng phổ biến và rộng khắp. Việc tìm hiểu ý nghĩa của trung bình động SMA kết hợp với các chỉ báo khác sẽ giúp cho nhà đầu tư có những quyết định khôn ngoan trên thị trường chứng khoán.     

Phân tích đầu tư chứng khoán là nghệ thuật hơn là một ngành khoa học chính xác, vì vậy cần sử dụng kết hợp nhiều phương thức khác nhau để đạt đến kết quả tốt nhất. Thông thường khi đưa ra quyết định mua bán các loại chứng khoán, nhà đầu tư thường dựa vào hai phương pháp phân tích là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Nếu phân tích cơ bản cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô và tài chính của doanh nghiệp thì phân tích kỹ thuật thường dựa vào dữ liệu đã xảy ra trong quá khứ nhằm đánh giá tâm lý, xu hướng chung của thị trường và quyết định thời điểm đầu tư hợp lý.

Trong phân tích kỹ thuật nói riêng, dưới sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng, nhà đầu tư được cung cấp nhiều công cụ cũng như chỉ báo (indicators) để mô tả, phân tích, dự báo xu hướng tiếp theo của thị trường và của từng mã cổ phiếu. Trong phạm vi bài viết này không đi vào mô tả hay so sánh từng chỉ báo phân tích cụ thể, mà thông qua các nguồn dữ liệu thu thập trong quá khứ, tác giả nghiên cứu chọn ra một chỉ báo là trung bình động SMA (Simple Moving Average) để chứng minh sự hiệu quả của nó trong việc đưa ra thời điểm đầu tư chứng khoán hợp lý.

 

 

Ý nghĩa của chỉ báo SMA

Trung bình động được tính bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong khuôn khổ bài này chỉ giới thiệu phương pháp tính trung bình động phổ biến nhất là trung bình đơn SMA. Trung bình đơn tại một phiên là lấy giá trị trung bình của phiên đó và các phiên trước đó, gọi:

- SMAt là giá trị trung bình động tại phiên t.

- Pt là giá cổ phiếu tại phiên t.

- n là số phiên tính trung bình động.

Thì giá trị trung bình đơn tại phiên t là:

SMAt = (Pt + Pt - 1 + Pt - 2 + ... + Pt - 1 + n )/n

Cũng như phần lớn các mô hình phân tích kỹ thuật khác, trung bình động SMA dựa vào thông tin trong quá khứ mà không tính toán được các giá trị tương lai, vì vậy trung bình động chỉ thị xu thế tăng hoặc giảm trễ hơn sau khi sự kiện đã xảy ra. Như vậy, trung bình động không dự đoán trước tương lai mà chỉ là công cụ xác định xu thế hiện thời của thị trường. Để điều chỉnh độ trễ của trung bình động, ta cần phải điều chỉnh số phiên tính trung bình động. Nếu lấy số phiên tính trung bình động càng lớn thì độ trễ càng cao và ngược lại số phiên tính trung bình động càng nhỏ thì độ trễ càng thấp.

Nếu độ trễ nhỏ, trung bình động rất nhạy cảm với các biến động của thị trường, phản ánh kịp thời các biến động này nhưng khả năng phản ánh sai càng lớn. Ngược lại độ trễ càng lớn thì trung bình động càng ít nhạy cảm và phản ánh muộn các biến động của thị trường nhưng sự phản ánh chính xác hơn so với độ trễ nhỏ. Với độ trễ nhỏ, nhà đầu tư có thể nhanh chóng nhận biết biến động của thị trường để kịp thời nắm bắt cơ hội nhưng có thể phải trả giá cho các dấu hiệu sai lầm do khả năng sai là rất lớn, còn với độ trễ lớn, nhà đầu tư có thể hạn chế khả năng sai xót nhưng lại chậm nắm bắt cơ hội đầu tư.

Nếu giá ở trên đường trung bình động, xu thế hiện tại của thị trường là đi lên, nếu giá ở dưới đường trung bình động, xu thế hiện tại là đi xuống, tuy nhiên hãy cảnh giác với thị trường khi đang ở trạng thái dập dềnh. Còn khoảng cách giữa giá và trung bình động càng lớn thì biểu hiện xu thế càng mạnh.

 

 

Lựa chọn chỉ báo SMA nào thích hợp ở Việt Nam

Việc xác định thời điểm mua hay bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán luôn là vấn đề quan trọng, đặc biệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản còn tương đối thấp thì rủi ro cho nhà đầu tư bị thua lỗ lớn là khá cao. Khi đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất rủi ro thua lỗ mà không làm mất đi nhiều cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư, thì việc lựa chọn cách tính SMA như thế nào với số phiên là bao nhiêu là một thách thức lớn.

Nếu phân loại mục tiêu đầu tư đơn giản thành 4 loại như trong bảng, thì 2 mục tiêu đầu là “lướt sóng” và ngắn hạn luôn đòi hỏi nhà đầu tư phải chấp nhận một mức rủi ro cao. Vậy thì ta không tính SMA với số phiên ngắn từ 5 đến 25 ngày, vì không thích hợp với mục tiêu hạn chế rủi ro như đã đề ra. Còn với mục tiêu dài hạn, nhà đầu tư thường chọn số phiên từ 100 đến 200 để tính SMA. Thử tính SMA cho VN-Index với 120 phiên từ năm 2007 đến nay ta sẽ có kết quả như hình 2.

 

 

Đồ thị cho thấy đường giá của VN-Index đã cắt đường SMA(120) 5 lần trong giai đoạn từ năm 2007 đến nửa đầu năm 2009. Theo lý thuyết, khi đường giá chứng khoán đi từ dưới lên xuyên qua được SMA thì đó là thời điểm nhà đầu tư có thể mua vào vì trạng thái của thị trường đã thể hiện được xu hướng đi lên theo mục tiêu đầu tư đã chọn và ngược lại, thời điểm mà đường giá chứng khoán đi từ trên xuống xuyên thủng qua SMA thì là lúc mà nhà đầu tư nên bán ra vì xu hướng thị trường đi xuống theo mục tiêu đầu tư đã được xác lập. Quan sát đồ thị ta thấy dựa vào SMA(120) để lựa chọn thời điểm mua vào thì mức độ an toàn là tương đối cao. Tại các mốc 990, 495, 306 của đường giá chứng khoán, xu hướng đi lên sau đó là rõ ràng, tiêu chí giảm thiểu rủi ro như ban đầu đặt ra được đảm bảo.

Tuy nhiên, tại các vùng giá được đánh dấu (1), (3), (5) thị trường tăng với biên độ khá lớn, cá biệt có một số chứng khoán mức độ tăng giá nhanh hơn thị trường (khoảng 50%), trong khi tại vùng này thì theo lý thuyết nhà đầu tư chưa có quyết định mua vào đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đã bỏ qua một phần lãi mà thị trường mang lại. Tương tự vậy nếu chọn vùng (2) và (4) làm thời điểm để bán ra chứng khoán thì nhà đầu tư hầu như không có lãi do phản ứng quá chậm trước xu hướng đi xuống của thị trường. Vậy nếu dùng SMA(120) là căn cứ để quyết định thời điểm mua bán chứng khoán thì chỉ thoả mãn được tiêu chí giảm thiểu rủi ro mà sẽ không đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng, SMA(120) chưa phải là lựa chọn tối ưu cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua.

Trong trường hợp cùng khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2009, nếu giảm số phiên tính SMA về mục tiêu trung bình (từ 25 đến 100 phiên) thì hiệu quả đầu tư có đạt như kỳ vọng? Thực tế trong khoảng này không phải lấy phiên thứ bất kỳ nào cũng có giá trị, quan sát kỹ biến động của thị trường từ trước đến nay cho thấy số phiên dùng để tính SMA đáp ứng được 2 mục tiêu giảm thiểu rủi ro mà không mất nhiều lợi nhuận đầu tư là 28 phiên, tuy nhiên cũng có thể lấy chênh lệch +/-1 ngày. Ta hãy so sánh kết quả của 2 cách tính SMA(28) và SMA(50) qua đồ thị hình 3 và 4.

 

 

Tại các vùng được đánh dấu gồm (6), (7) và (9), đường liền đậm SMA(28) luôn phản ánh chính xác được xu hướng đi xuống của thị trường và quan trọng hơn là nó phản ứng nhanh hơn đường đứt quãng SMA(50), nhờ đó mà nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định nhanh hơn để hạn chế rủi ro thua lỗ. Trong khi tại vùng (8) thì đường SMA(28) cho tín hiệu mua vào sớm hơn SMA(50), nhà đầu tư có thể dựa vào SMA(28) để mua vào sớm hơn nhằm tăng tỷ lệ lợi nhuận đầu tư của mình.

Từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 06 năm 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, VN-Index từ 1100 điểm giảm xuống còn 366 điểm (giảm hơn 60%). Trong khoảng thời gian này, mặc dù là xu hướng thị trường đi xuống song có nhiều phiên VN-Index tăng điểm xen kẽ, cá biệt có thời điểm thị trường tăng mạnh 6 phiên liên tục (không kể khoảng thời gian hạn chế biên độ giao dịch còn +/-1%), nhưng SMA(28) vẫn phản ánh đúng xu hướng của thị trường, cụ thể là trong giai đoạn này SMA(28) đã không đưa ra một dấu hiệu mua vào nào và nhờ đó nhà đầu tư tránh được những cái bẫy tăng giá (Bull trap) do thị trường tạo ra.

Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2009:

Trong giai đoạn này đường trung bình động SMA(28) cũng đã chứng minh được tính hiệu quả của nó trong việc xác định thời điểm mua bán chứng khoán. Nếu như tại vùng (10) và (13), SMA(28) đưa ra tín hiệu mua vào chính xác và nhanh hơn SMA(50) thì tại vùng (11), (12) và (14), SMA(28) giúp nhà đầu tư tránh được các bẫy giá lên (bull trap) và bẫy giá xuống (bear trap). Đặc biệt là tại vùng (11), mặc dù có độ trễ lớn hơn SMA(28) nhưng SMA(50) lại đưa ra tín hiệu không chính xác bằng SMA(28), nhờ đó mà nhà đầu tư hạn chế được rất nhiều rủi ro gặp phải trong quá trình đầu tư vốn.

Hiện nay có rất nhiều các chỉ báo mà nhà đầu tư có thể làm căn cứ quyết định thời điểm mua bán các loại chứng khoán trên thị trường, nhà đầu tư có thể kết hợp nhiều chỉ báo để biết được xu hướng của thị trường từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. Mỗi chỉ báo có nhiều ưu điểm và nhược điểm riêng, song do đặc điểm riêng tại mỗi thị trường chứng khoán các nước mà chỉ một số ít các chỉ báo được sử dụng tại một thị trường cụ thể. Với những gì đã diễn ra trong quá khứ, chỉ báo trung bình động giản đơn SMA được xem là một công cụ dễ sử dụng và phản ánh khá chính xác xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam mà nhà đầu tư có thể lựa chọn. Tuy nhiên, việc xác định số phiên tính SMA là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi phải được kiểm định tính chính xác nhiều lần mới có thể đưa ra được.

Thực tế cho thấy, mặc dù không được đánh giá chính xác hoàn toàn, song SMA(28) đã chứng minh được sự hiệu quả của nó trong việc xác định thời điểm mua bán chứng khoán thích hợp, giúp nhà đầu tư không chỉ giảm thiểu được rủi ro khi thị trường đi xuống mà còn không làm mất đi nhiều lợi nhuận khi thị trường đi lên do chọn giải pháp an toàn./.

( Theo Đoàn Anh Tuấn // Báo Kinh tế và Dự báo )

  • 15 cổ phiếu được Warren Buffett chuộng nhất
  • Quản trị công ty niêm yết: Mới dừng ở mức đối phó
  • Đúng nhưng chưa đủ!
  • Chứng khoán đa cấp
  • Chuyện tình “một chỉ vàng” và trò phù phép chứng khoán Penny
  • Quản lý quan hệ cổ đông ở công ty đại chúng
  • Bán cổ phiếu và những sai lầm cần tránh
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (1): Cẩm nang cho nhà đầu tư mới vào nghề
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (2): Những nhân vật không thể thiếu trên thị trường chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (3): Bí quyết lựa chọn chứng khoán cho danh mục đầu tư của bạn
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (4): Định hướng tài sản trong đầu tư chứng khoán
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (5): Có nên chuyển đổi mục tiêu đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận khác?
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (6): Giảm thiểu thua lỗ trong đầu tư chứng khoán
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com