(minh họa: Khều) |
Vấn đề minh bạch hóa thông tin của các công ty chứng khoán một lần nữa lại được dấy lên khi dự thảo Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.
Điểm đáng lưu ý trong thông tư này là việc sửa đổi nội dung bản thuyết minh báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán trong đó công ty chứng khoán được yêu cầu phải công bố công khai chi tiết các khoản chứng khoán đầu tư, các khoản đầu tư góp vốn, các khoản đầu tư tài chính khác... Công ty chứng khoán phải báo cáo tổng lượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng khoán khác số đầu kỳ và cuối kỳ, danh mục đầu tư bao gồm chứng khoán sẵn sàng để bán phải kê chi tiết, cũng như công khai tình hình đầu tư tài chính như đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên doanh liên kết. Các bên có liên quan có ý kiến khác nhau trong vấn đề này. Các nhà đầu tư thì hoan nghênh xem như đây là một kênh thông tin để tham khảo trong khi các công ty chứng khoán thì cho rằng quy định trên là không công bằng khi bắt họ phải công khai bí mật kinh doanh, còn các tổ chức đầu tư khác thì không bị ràng buộc. Tuy nhiên, tất cả các nhà đầu tư, từ cá nhân cho đến quỹ đầu tư lớn nhỏ, đều phải đầu tư thông qua tổ chức trung gian là công ty chứng khoán. Như vậy việc biết được thông tin giao dịch cũng như chiến lược mua bán của những nhà đầu tư lớn là không khó đối với các công ty chứng khoán, tất nhiên đó phải là những công ty tầm cỡ, có nhiều nhà đầu tư lớn tin tưởng mở tài khoản giao dịch. Cũng vì vấn đề này, ông Lê Hải Trà, Ủy viên Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, trong một hội thảo tháng trước cho biết nhiều tổ chức đầu tư lớn của nước ngoài từ chối thẳng việc tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì rủi ro thông tin giao dịch của họ không thể bảo mật nếu chỉ mở tài khoản và giao dịch thông qua một công ty chứng khoán như hiện nay. Việc thông tư trên được đưa ra một lần nữa lật lại vấn đề minh bạch của các công ty chứng khoán, làm thế nào để tách bạch rõ ràng hơn giữa hai nghiệp vụ môi giới và tự doanh của các công ty chứng khoán. Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng việc đặt vấn đề của dự thảo thông tư trên trước mắt là đúng, tuy nhiên cách thức thực hiện cần phải xem lại. Đối với việc các công ty chứng khoán phải nêu rõ chi tiết danh mục đầu tư của mình trong các bản báo cáo tài chính, ông Huy Nam cho rằng cũng không giúp gì nhiều cho nhà đầu tư vì không mấy nhà đầu tư lại cất công đi xem xét kỹ lưỡng chi tiết giao dịch của các công ty chứng khoán, chưa kể đến tính thời điểm của các báo cáo. Do báo cáo tài chính chỉ được lập định kỳ nên khi những thông tin về giao dịch của các công ty chứng khoán đến được tay nhà đầu tư, có thể chiến lược mua bán chứng khoán của các công ty đã thay đổi. Chia sẻ quan điểm của ông Huy Nam, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), cho biết nếu bản thân ông là nhà đầu tư, ông cũng sẽ không cảm thấy các thông tin được công bố trên là có ích cho mình vì hoạt động đầu tư cổ phiếu và danh mục đầu tư của các công ty biến động không chỉ hàng tháng, mà là hàng ngày, thậm chí hàng giờ khi thị trường sôi động. “Vậy con số công bố này sẽ không có ý nghĩa gì với nhà đầu tư, chỉ khiến các công ty chứng khoán phải tốn thêm thời gian và nhân lực cho công việc tăng thêm”, ông nói. Giám đốc một công ty chứng khoán khác đề xuất: tất cả các công ty chứng khoán đều phải lập báo cáo tài chính với những chi tiết được nêu trong dự thảo thông tư trên, nhưng không phải tất cả đều phải công bố. Theo ông, tất cả những thông tin về giao dịch chứng khoán trong ngày, các sở giao dịch cũng như Trung tâm lưu ký đều nắm, thì các cơ quan này hoàn toàn có thể cung cấp thông tin cho mọi người tham khảo. Việc này cũng giúp tránh hiện tượng rò rỉ thông tin về giao dịch của các công ty chứng khoán hay nhà đầu tư lớn như vừa qua. Bên cạnh việc cung cấp thông tin, ông Huy Nam cho rằng việc đảm bảo sự độc lập giữa hai nghiệp vụ tự doanh và môi giới cần phải được tiếp tục nghiên cứu thực hiện và có thêm những biện pháp giúp hai mảng hoạt động trên tách bạch với nhau. Theo ông Nam, trước tiên cần xem xét các điều kiện về tài chính, khả năng tổ chức và kiểm soát để một công ty chứng khoán có thể làm cả hai nghiệp vụ. Ở các nước phát triển, sau khi bị khảo sát khắt khe từ phía Nhà nước để có thể thực hiện cả hai nghiệp vụ, các công ty chứng khoán phải xây dựng một quy chuẩn nội bộ được công bố cho cả cơ quan chức năng và nhà đầu tư tham khảo lẫn giám sát, xem các công ty có thực hiện đúng như cam kết của mình không.
(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com