Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sổ tay chứng khoán : Kiến thức chứng khoán cơ bản (14) - Cần phân biệt rõ khái niệm cổ phiếu thưởng


Cần phân biệt rõ khái niệm cổ phiếu thưởng


Trong thời gian gần đây, chúng ta có nghe thấy nói nhiều đến chính sách thưởng cổ phiếu. Nhằm giúp nhà đầu tư hiểu thêm về khái niệm này, xin đưa ra một số ý kiến về vấn đề này. Có hai trường hợp thưởng cổ phiếu cần phải xem xét:

Trường hợp thứ nhất: thưởng cho người có đóng góp lớn

Thông thường, khi nói đến khái niệm thưởng có nghĩa là việc ưu đãi thường là về vật chất cho một số lượng ít người. Trong các công ty cổ phần, có thể hiểu thưởng cổ phiếu là việc công ty dùng một số cổ phiếu (trước đây là của chung mọi cổ đông) để thưởng cho những người quản lý, cán bộ công nhân viên hay những người có đóng góp lớn đối với hoạt động của Công ty. Nguồn cổ phiếu dùng để thưởng thường là cổ phiếu ngân quỹ.

Trong trường hợp này, tổng giá trị sổ sách của công ty không thay đổi, cái lợi của người được thưởng là rõ ràng: tỷ lệ sở hữu công ty của họ sẽ tăng lên. Còn đối với những cổ đông không được thưởng, tỉ lệ sở hữu công ty của họ sẽ giảm đi. Tuy nhiên, đây là một cách để công ty khuyến khích tinh thần làm việc và sự đóng góp của những người được thưởng, đặc biệt đối với những người quản lý, do đó vẫn được Đại hội cổ đông thông qua.

Trường hợp thứ hai: thưởng cho tất cả các cổ đông

Đây là trường hợp nhiều công ty cổ phần trên thế giới áp dụng và ở Việt nam trong thời gian gần đây cũng hay được nhắc đến. Đó là việc tất cả các cổ đông của công ty được nhận thêm cổ phiếu mới theo một tỷ lệ nhất định (ví dụ 5:1, cổ đông nắm giữ 5 cổ phiếu cũ được sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Khi đó, nhà đầu tư cần nắm được một số nguyên tắc sau:

Thứ nhất, công ty không nhận được nguồn vốn góp mới từ phía cổ đông hay từ bất kỳ nguồn nào, do đó vốn chủ sở hữu của các cổ đông không thay đổi. Thực chất, đây là việc làm tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại, hay nói cách khác, đây chỉ là việc chuyển đổi giữa các khoản mục trong nguồn vốn cổ đông: từ lợi nhuận để lại sang vốn điều lệ mà không làm thay đổi tổng nguồn vốn cổ đông.

Thứ hai, cổ phiếu được phát thêm cho cổ đông đã làm tăng số lượng cổ phiếu của công ty (1/5 hay 20%). Khi số lượng cổ phiếu tăng lên, nguồn vốn chủ sở hữu không đổi, giá trị sổ sách (=nguồn vốn chủ sở hữu / tổng số cổ phiếu) của cổ phiếu sẽ giảm theo tỷ lệ tương ứng. Tỷ lệ sở hữu công ty của mỗi cổ đông trước và sau khi phát hành thêm cổ phiếu là không đổi.

Thứ ba, đây thường là cách các công ty trên thế giới hiện nay trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu (stock dividend) thay vì trả bằng tiền (cash dividend) bởi  công ty muốn giữ lại tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh hay đầu tư vào dự án mới. Việc có lợi hay không của chính sách này đối với cổ đông được quyết định bởi sự thành công của kế hoạch đầu tư mới. Nếu kế hoạch này đem lại lợi nhuận cao, lượng tiền đầu tư của cổ đông sẽ được sử dụng hiệu quả, tổng giá trị của công ty sẽ tăng lên. Còn trong trường hợp ngược lại, điều này sẽ có ảnh hưởng không chỉ tới phần cổ phiếu mới được nhận thêm mà cả phần cổ phiếu các cổ đông đã nắm giữ trước đây.

Khi mà mọi cổ đông đều được hưởng một chế độ đồng nhất, trích từ chính tài sản của họ và việc đó có lợi cho họ hay không là chưa rõ ràng thì việc sử dụng khái niệm ''thưởng'' trong trường hợp này xem chừng là chưa hợp lý.
 
Nghiệp vụ tách, gộp cổ phiếu

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến nghiệp vụ tách, gộp cổ phiếu. Tách và gộp cổ phiếu là việc làm tăng hoặc giảm số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty cổ phần mà không làm thay đổi vốn điều lệ, vốn cổ phần hay toàn bộ giá trị thị trường tại thời điểm tách hoặc gộp cổ phiếu. Tùy theo mục đích của công ty và tình hình thị trường mà công ty có thể tiến hành tách hay gộp cổ phiếu. Việc tách, gộp cổ phiếu thường được quy định trong điều lệ công ty và do Đại hội cổ đông quyết định, nhưng trong thực tế thường thì Đại hội cổ đông thông qua chủ trương và ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn thời điểm thích hợp tiến hành việc tách hoặc gộp cổ phiếu.

Tách cổ phiếu sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành và làm giảm mệnh giá cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ tách, do đó giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ giảm tương ứng và giao dịch được thực hiện dễ dàng hơn. Việc tách cổ phiếu thường được thực hiện khi giá cổ phiếu trên thị trường tăng quá cao làm cho các giao dịch sẽ khó thực hiện và điều này sẽ làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu. Vì vậy, khi giá cổ phiếu tăng cao trên thị trường thì việc tách cổ phiếu là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu, đồng thời sau khi tách giá cổ phiếu thường có xu hướng tăng lên. Mặt khác, sau khi tách cổ phiếu, số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thị trường tăng lên có thể làm tăng số lượng cổ đông của công ty, qua đó góp phần làm hạn chế khả năng công ty bị thâu tóm.

Ví dụ, một công ty cổ phần ABC có 1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu (tổng giá trị niêm yết là 10 tỷ đồng) và giá thị trường tại thời điểm hiện tại là 100.000 đồng/cổ phiếu. Công ty tiến hành tách cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2 (nghĩa là người sở hữu 1 cổ phiếu cũ sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới, khi đó tổng số cổ phiếu mới của công ty sẽ là 2 triệu cổ phiếu mệnh giá 5.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị niêm yết vẫn là 10 tỷ đồng nhưng giá thị trường của cổ phiếu mới sẽ dao động ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu.

Ngược lại, trường hợp gộp cổ phiếu sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, mệnh giá cổ phiếu tăng lên và giá thị trường của cổ phiếu cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ gộp cổ phiếu. Theo thống kê ở các nước thì trường hợp gộp cổ phiếu thường ít khi xảy ra đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán bởi vì mục đích duy nhất của việc gộp cổ phiếu là làm cho cổ phiếu đó có giá trị hơn trên thị trường và qua đó làm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu.

Ví dụ, công ty cổ phần DEF có 6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, mệnh giá 10.000 đ/cổ phiếu, tổng giá trị niệm yết là 60 tỷ đồng và giá thị trường đang ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu. Để tránh cho giá cổ phiếu của công ty giảm xuống thấp hơn mệnh giá, công ty cổ phần DEF tiến hành gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1 (nghĩa là cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu cũ sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới). Như vậy sau khi gộp, tổng số cổ phiếu mới của công ty là 2 triệu cổ phiếu, với mệnh giá 30.000 đồng/cổ phiếu và giá thị trường của cổ phiếu mới sẽ dao động quanh mức giá 36.000 đồng/cổ phiếu.

Cho đến nay, nghiệp vụ tách, gộp cổ phiếu chưa xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc tăng vốn điều lệ của công ty REE vừa qua và của một số công ty niêm yết khác dự định thực hiện trong thời gian tới bằng cách phát hành thêm cổ phiếu không phải là trường hợp tách cổ phiếu. Đó chính là trường hợp công ty dùng các khoản thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại và các quỹ hiện có để chuyển thành vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành thêm cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu, nghĩa là vốn điều lệ và số lượng cổ phiếu của công ty tăng lên nhưng trong thực tế tổng vốn chủ sở hữu của Công ty vẫn không thay đổi và như vậy việc phát hành thêm cổ phiếu của Công ty REE và một số Công ty dự định thực hiện trong thời gian tới về thực chất chính là điều chỉnh lại giá trị sổ sách trên một cổ phiếu.

Cầm cố chứng khoán

Trong kinh doanh CK, nhà đầu tư trước hết phải hiểu biết và nắm vững các nguyên tắc và phương thức cầm cố CK:

1. Là một nghiệp vụ kinh doanh CK - ít nhất có hai chủ thể tham gia:

a/ Bên cầm cố là thành viên lưu ký nhân danh chính mình hoặc được người đi vay uỷ quyền giao CK cho bên nhận cầm cố;

b/ Bên cầm cố là thành viên lưu ký nhân danh chính mình hoặc được người cho vay uỷ quyền nhận cầm cố CK bên cầm cố.

Việc thực hiện cầm cố CK trên cơ sở hợp đồng pháp lý cầm cố CK của hai chủ thể tham gia, trong đó quy định rõ giá trị CK cầm cố, số tiền vay, lãi suất và thời hạn trả nợ, phương thức xử lý CK cầm cố.

2. TTGDCK sau khi kiểm tra thủ tục, nhất là tính hợp pháp, hợp lý của nó thì trung tâm phải mở tài khoản cầm cố và chuyển CK vào tài khoản cầm cố theo yêu cầu của bên cầm cố. Trường hợp bên cho vay (hoặc bên vay) không phải là thành viên lưu ký, bên cho vay (hoặc bên vay) phải uỷ quyền việc nhận cầm cố CK (hoặc việc giao CK cầm cố) cho một thành viên lưu ký khác.

3. Tài khoản cầm cố phải tách biệt với tài khoản lưu ký các CK khác của bên cầm cố. Sau khi ghi vào tài khoản cầm cố CK, thì phải đình chỉ việc rút, chuyển khoản hoặc chuyển nhượng các CK trên tài khoản cầm cố trong thời gian cầm cố. TTGDCK gửi thông báo bằng công văn cho bên nhận cầm cố về việc đã thực hiện cầm cố CK.

4. Việc giải toả cầm cố CK được thực hiện theo các nguyên tắc:

a/ Người giải toả cầm cố CK phải là bên nhận cầm cố CK;

b/ Có thể giải toả toàn bộ hoặc một phần CK cầm cố bằng hình thức rút chứng chỉ hay chuyển khoản;

c/ Có văn bản đề nghị giải toả cầm cố CK của bên nhận cầm cố. Trên cơ sở đó, TTGDCK thực hiện huỷ bỏ việc cầm cố CK trong đăng ký người sở hữu CK và thông báo bằng văn bản cho người nhận cầm cố việc huỷ bỏ cầm cố CK và giải toả tài khoản cầm cố sang tài khoản khác.

Nếu bên cầm cố CK thực hiện không đúng theo thoả thuận thì CK cầm cố đó được xử lý do các bên thoả thuận hoặc đưa ra bán đấu giá theo quy định của pháp luật

 

( Nguồn APT Vietnam )

Bài thuộc chuyên đề: Sổ tay chứng khoán: Kiến thức cơ bản

  • 15 cổ phiếu được Warren Buffett chuộng nhất
  • Quản trị công ty niêm yết: Mới dừng ở mức đối phó
  • Đúng nhưng chưa đủ!
  • Chứng khoán đa cấp
  • Chuyện tình “một chỉ vàng” và trò phù phép chứng khoán Penny
  • Sổ tay chứng khoán : Kiến thức chứng khoán cơ bản (15) - Một số điều cần biết về lưu ký chứng khoán
  • Sổ tay chứng khoán : Kiến thức chứng khoán cơ bản (16) - Các công cụ phái sinh
  • Sổ tay chứng khoán : Kiến thức chứng khoán cơ bản (17) - Kiến thức về giao dịch khớp lệnh liên tục
  • Sổ tay chứng khoán : Kiến thức chứng khoán cơ bản (18) - Tiếp cận thị trường OTC
  • Chứng khoán có thể chuyển đổi
  • Giới thiệu về Cổ phiếu
  • Sử dụng các hệ số để phân tích
  • Khái quát về thị trường chứng khoán
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com