Viettel là một trong năm doanh nghiệp được thử nghiệm xây dựng và ứng dụng 4G trong vòng một năm. Ảnh: Lê Toàn. |
Khi công nghệ 3G vẫn còn là một “ẩn số” cho sự thành công của thị trường viễn thông di động thì 4G đã được nói đến ở Việt Nam như một “cuộc dạo chơi của công nghệ” sau khi Bộ Thông tin-Truyền thông cấp giấy phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ này.
Được xem là thế hệ công nghệ tiên tiến tiếp nối của công nghệ 3G, công nghệ 4G có những tính năng vượt trội như cho phép thoại dựa trên nền IP, truyền số liệu và đa phương tiện với tốc độ cao hơn rất nhiều so với các mạng di động hiện nay… Theo tính toán, tốc độ truyền dữ liệu có thể lên tới 100 Mb/giây, thậm chí lên tới 1 Gb/giây trong các điều kiện tĩnh. 4G được kỳ vọng sẽ trở thành một mạng vô tuyến băng thông rộng tốc độ rất cao vào khoảng năm 2015 với các công nghệ ứng dụng chính là LTE (Long Term Evolution – Tiến hóa lâu dài) và WiMAX. Trong đó, LTE là công nghệ phổ biến được xây dựng trên nền công nghệ GSM (Global System for Mobile Communications), vì thế nó dễ dàng thay thế và triển khai cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng khác với GSM, LTE sử dụng phương thức ghép kênh phân chia theo tần số trực giao (OFDM) – truyền dữ liệu tốc độ cao bằng cách phân chia thành các sóng mạng con trực giao. LTE sử dụng phổ tần một cách thích hợp và mềm dẻo, nó có thể hoạt động ở băng tần có độ rộng từ 1,25 MHz cho tới 20 MHz. Tốc độ truyền dữ liệu lớn nhất (về lý thuyết) của LTE có thể đạt tới 250 Mb/giây khi độ rộng của băng tần là 20 MHz. Với LTE, khách hàng khi truy cập Internet có thể tải dữ liệu xuống gấp từ ba đến bốn lần, tải lên gấp từ hai đến ba lần và các thiết bị có thể hoạt động trong khi di chuyển với tốc độ từ 120 - 350 km/giờ, thậm chí 500 km/giờ tùy băng tần. Về phần mình, công nghệ WiMAX sẽ hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu lên tới 100 Mb/giây cho các ứng dụng di động và có thể lên tới 1Gb/giây cho những người sử dụng tĩnh. Khoảng cách truyền của WiMAX II là khoảng 2 km ở môi trường thành thị và khoảng 10 km cho các khu vực nông thôn. Điều đó giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động có thể mở rộng vùng phủ sóng, tăng tốc độ của hầu hết các dịch vụ giá trị gia tăng như trò chơi trực tuyến, Streaming Video, Video Conference, VoIP... với chi phí thấp hơn so với hiện tại. 4G và tiềm năng thương mại hóa Tại thị trường Mỹ, công nghệ 4G đã được các hãng viễn thông lớn như AT&T và Spint triển khai hồi đầu tháng Mười. Trong khi đó, hãng Verizon cũng tuyên bố họ sẽ tiến lên 4G vào cuối năm nay.Theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép 4G. Sau khi đấu giá tần số, các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tần số nếu muốn. Cách làm đấu giá tần số sẽ buộc các doanh nghiệp cân nhắc nghiêm túc đến tiềm năng thị trường, khả năng triển khai cung cấp dịch vụ… và như thế sẽ tạo ra một cuộc đua chỉ giữa các doanh nghiệp có tiềm lực cũng như tham vọng triển khai 4G.
Tại Việt Nam, 4G được xem là cuộc thử nghiệm công nghệ và tiềm năng thương mại hóa chưa rõ ràng khi công nghệ 3G vẫn chưa tìm kiếm được sự thành công thực sự.
Mới đây, Bộ Thông tin-Truyền thông đã cấp giấy phép cho năm doanh nghiệp gồm FPT Telecom, VNPT, Viettel, CMC và VTC thử nghiệm 4G với công nghệ LTE trong thời gian một năm. Vụ Viễn thông Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số (nhằm tránh tình trạng xin giấy phép “giữ chỗ”) để lấy giấy phép 4G. Sau khi đấu giá tần số, các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tần số nếu muốn. Cách làm đấu giá tần số sẽ buộc các doanh nghiệp cân nhắc nghiêm túc đến tiềm năng thị trường, khả năng triển khai cung cấp dịch vụ… và như thế sẽ tạo ra một cuộc đua chỉ giữa các doanh nghiệp có tiềm lực cũng như tham vọng triển khai 4G. Trong năm doanh nghiệp được thử nghiệm 4G thì FPT Telecom, VTC và CMC vốn chưa có tiền đề trong việc phát triển mạng di động, trong khi đó VNPT và Viettel đã có nhiều năm kinh nghiệm phát triển mạng di động và đang sở hữu cơ sở hạ tầng của 3G được cho là khá tốt. Chính vì thế, đây là cơ hội cho ba doanh nghiệp này nhảy vào sân chơi mạng di động và cũng chính là thách thức đối với họ khi VNPT và Viettel vốn có nhiều thế mạnh. Nhìn nhận về cơ hội kinh doanh trong tương lai, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc điều hành Công ty hạ tầng viễn thông CMC (CMC TI) thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC, cho rằng khi đánh giá về tiềm năng kinh doanh 4G thì nên nhìn vào hai tiêu chí, đó là đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng của công nghệ. “Với một đất nước 80 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ dân số sử dụng băng thông rộng vẫn thấp như Việt Nam, thì đối tượng khách hàng đầu tiên được nhắc đến đó là giới trẻ. Thêm vào đó, viễn thông Việt Nam được xếp hạng cao trên thế giới trong việc đi tắt đón đầu công nghệ mới và đưa các ứng dụng hiện đại tới người sử dụng. Với hai yếu tố này, tiềm năng của công nghệ ưu việt như LTE-4G là rất lớn”, ông Thành cho biết. Là một nhà cung cấp hạ tầng mạng, CMC TI hiện nay được biết đến trên thị trường với dịch vụ Internet cáp quang Giganet, nên cùng với với dịch vụ băng thông rộng công nghệ vô tuyến LTE mà CMC TI sẽ thử nghiệm trong thời gian tới thì ông Thành cho hay đây sẽ là cơ hội để CMC TI trở thành nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng thực sự trên thị trường viễn thông. Theo ông Thành, nền tảng của một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông là hạ tầng băng thông rộng quốc gia. Băng thông rộng có dây thì dựa trên hạ tầng truyền dẫn cáp quang, còn với vô tuyến thì LTE sẽ là sự lựa chọn tốt nhất về công nghệ hiện nay. “Để thương mại hóa công nghệ 4G trong tương lai thì điều mấu chốt nhất đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là làm sao tính toán đầu tư tối ưu nhằm đưa ra các gói cước phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng”, ông Thành nói. Không quá kỳ vọng vào cơ hội thương mại hóa công nghệ 4G trong tương lai, ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc Công ty Viễn thông số VTC (thuộc Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện), đơn vị được giao thử nghiệm, cho rằng đây chỉ là bước thử nghiệm công nghệ, còn việc thương mại hóa lại phải dựa trên nhu cầu của khách hàng bởi điều này tác động lớn đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của công nghệ mới. Theo ông Phong, công nghệ 4G chỉ thành công khi có sự gia tăng nhu cầu về các ứng dụng của mạng không dây và nhu cầu về băng thông cao khi truy nhập Internet. Thêm vào đó, người sử dụng luôn muốn công nghệ không dây mới ra đời vẫn sẽ cung cấp các dịch vụ và các tiện ích theo cách tương tự như mạng hữu tuyến, mạng không dây hiện có mà họ đang dùng với những thói quen lâu nay. Do đó, công nghệ 4G chỉ được thương mại hóa trong tương lai khi người sử dụng có nhu cầu mà thôi. Trao đổi về tiềm năng thương mại hóa công nghệ 4G tại Việt Nam, chuyên gia quản trị về công nghệ thông tin và viễn thông Hoàng Ngọc Diệp, nguyên Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, cho rằng việc cấp giấy phép thử nghiệm LTE tại Việt Nam là rất tốt bởi thử nghiệm là nhằm đánh giá về công nghệ. Đây là bước đi cần thiết để chuẩn bị cho xu hướng công nghệ trong tương lai nếu xu hướng công nghệ ấy xảy ra. “Tại thời điểm này, chúng ta hãy cứ thử nghiệm 4G nhưng nên dồn hết sức lực để phát triển nội dung số nhằm tận dụng công nghệ 3G hiện có, từ đó làm nền tảng cho nhu cầu mà 4G sẽ phải đáp ứng. Đó là sự lựa chọn hợp lý”, ông Diệp nói. Những bước thử nghiệm đầu tiên Với thế mạnh là đơn vị đang triển khai công nghệ 3G và có kinh nghiệm trong viễn thông di động, Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị đầu tiên thử nghiệm dịch vụ vô tuyến băng thông rộng LTE ngay sau khi nhận giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G. Việc thử nghiệm 4G được giao cho Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), thành viên của VNPT, thực hiện. Trạm BTS công nghệ LTE đầu tiên đặt tại nhà Internet, lô 2A, làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội có tốc độ truy cập Internet lên đến 60 Mb/giây. Tốc độ truy cập này cho phép các ứng dụng đòi hỏi băng thông lớn như video, HDTV, giải trí trực tuyến. Giai đoạn 1 dự án thử nghiệm cung cấp dịch vụ vô tuyến băng thông rộng công nghệ LTE của VNPT sẽ được VDC triển khai với 15 trạm BTS tại Hà Nội, bán kính phủ sóng mỗi trạm khoảng 1km..., dự kiến hoàn tất trong cuối tháng 10 này. VDC cho biết, LTE có thể đạt tốc độ tải xuống là 100 Mb/giây, tốc độ tải lên 50 Mb/giây với băng thông 20 MHz; hoạt động tối ưu với tốc độ di chuyển của khách thuê bao là 0-15 km/giờ; vẫn hoạt động tốt với tốc độ di chuyển của khách thuê bao từ 15-120 km/giờ; vẫn duy trì được hoạt động khi khách thuê bao di chuyển với tốc độ từ 120-350 km/giờ (thậm chí 500 km/giờ tùy băng tần). Giai đoạn 2 của dự án sẽ được VDC triển khai mở rộng thêm tại TP.HCM ngay sau khi kết thúc giai đoạn 1. VDC cho biết, LTE có thể đạt tốc độ tải xuống là 100 Mb/giây, tốc độ tải lên 50 Mb/giây với băng thông 20 MHz; hoạt động tối ưu với tốc độ di chuyển của khách thuê bao là 0-15 km/giờ; vẫn hoạt động tốt với tốc độ di chuyển khách thuê bao từ 15-120 km/giờ; vẫn duy trì được hoạt động khi khách thuê bao di chuyển với tốc độ từ 120-350 km/giờ (thậm chí 500 km/giờ tùy băng tần). Trong khi VNPT đã xác định lộ trình thử nghiệm một cách rõ ràng thì một số nhà cung cấp khác chưa công bố cụ thể. Ông Nguyễn Hoàng Phong cho hay Công ty Viễn thông số VTC sẽ thử nghiệm tại Hà Nội với quy mô vừa đủ để đánh giá và thời gian cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thành cho biết CMC TI sẽ thử nghiệm dịch vụ LTE tại Hà Nội và TP.HCM. “Vì đây là công nghệ mới nên việc thử nghiệm sẽ được kiểm tra về kỹ thuật một cách kỹ càng trước khi đưa dịch vụ ra thử nghiệm cho người sử dụng”, ông Thành cho hay. Hiện, hai doanh nghiệp còn lại là Viettel và FPT Telecom chưa có công bố cụ thể nào về lộ trình thử nghiệm. Song, các chuyên gia viễn thông nhận định rằng việc thử nghiệm sẽ sớm được thực hiện vì giấy phép thử nghiệm chỉ có thời hạn một năm kể từ ngày cấp.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com