Ông Scott Burnett (trái) và Ralph Perta, hai chủ sở hữu công ty Guitar Syndicate, vừa mở thêm kênh bán hàng trên mạng xã hội Facebook. |
Sau khi học được cách tự tiếp thị thông qua tweet (thông điệp ngắn gọn đăng tải trên mạng xã hội Twitter) và cách cập nhật tình trạng, một số công ty nhỏ đang đi bước tiếp theo: bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua mạng xã hội.
Các trang web mạng xã hội như Facebook đã trở thành một trong những kênh kinh doanh mới của các doanh nghiệp nhỏ. Họ đang bổ sung cửa hàng thương mại điện tử vào trang người hâm mộ trên mạng xã hội với hy vọng sẽ bán được sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Cho đến nay, xu hướng thương mại điện tử này – cũng được một số công ty lớn, như Hallmark Cards Inc. và Brooks Brothers Inc. tham gia – chỉ xuất hiện trên Facebook và MySpace, nơi các ứng dụng phục vụ việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng trên hai mạng xã hội này bắt đầu phổ biến từ năm 2008. Những mạng xã hội phổ biến khác, như LinkedIn và Twitter, không cung cấp nền tảng bán hàng trực tiếp. Kênh bán hàng mới Những người sớm tham gia trào lưu này cho biết kết quả kinh doanh là vừa phải và thường có được sau khi thu hút được một lượng người hâm mộ trung thành trên mạng xã hội. Vào tháng Năm vừa qua, Scott Burnett đã bổ sung mô-đun tùy chọn thương mại điện tử vào trang Facebook của công ty bán lẻ Guitar Syndicate Inc. mà ông đồng sáng lập ở thành phố Kansas City (Mỹ) hồi năm ngoái. Những sản phẩm như kèn harmonica, đàn guitar, microphone…, được bày bán trên trang Facebook thông qua một ứng dụng của công ty thương mại điện tử CoreCommerce – có trụ sở ở thành phố Franklin (Mỹ). Khi người tiêu dùng chọn mua sản phẩm trên trang Facebook, họ sẽ được đưa đến trang web của công ty để thanh toán. Ông Burnett nhận định: “Đây là một cách thức khác để người tiêu dùng tìm thấy sản phẩm của chúng tôi”. Guitar Syndicate cho biết doanh số bán hàng trực tuyến của công ty tăng khoảng 17% kể từ khi cửa hàng trên Facebook đi vào hoạt động. Dù vậy, ông không rõ số lượt mua sắm thông qua mạng xã hội này đóng góp bao nhiêu vào sự gia tăng nói trên. Ông Burnett cũng cho biết thêm rằng Guitar Syndicate đã đầu tư 5.000 đô-la Mỹ kể từ tháng Giêng để phát triển đội ngũ người hâm mộ trên Facebook và hiện thu hút khoảng 4.400 người. Trong khi đó, nhà bán lẻ Sun & Ski Sports ở thành phố Houston (Mỹ), sử dụng một ứng dụng của công ty phần mềm Volusion, đã khai trương cửa hàng thương mại điện tử trên trang Facebook vào năm 2008 nhưng đến nay, chỉ mới có 50 mẫu sản phẩm của công ty được bán theo cách này, và doanh thu đạt được chỉ chiếm gần 1% doanh thu trực tuyến của công ty. Ông Scott Blair, Giám đốc thương mại điện tử của công ty, đánh giá: “Đây không phải là nguồn doanh thu lớn. Nó chỉ là một phần của chiến lược truyền thông xã hội chung của chúng tôi”. Doanh nghiệp muốn tận dụng trào lưu này có thể sẽ phải trả phí cho những ứng dụng cung cấp tính năng giỏ hàng. Chẳng hạn như ứng dụng CoreCommerce mà ông Burnett sử dụng có mức phí từ 24,99 đô-la Mỹ/tháng, tùy vào số lượng sản phẩm được liệt kê. Ông Matt DeLong, Giám đốc điều hành công ty CoreCommerce, cho biết có khoảng 1.150 doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, đang sử dụng ứng dụng của công ty. Một số ứng dụng khác cho phép nhiều người sử dụng mạng xã hội cùng mua những mặt hàng giống nhau hoặc cho phép người mua sắm thanh toán mà không cần phải rời mạng xã hội. Nhiều ứng dụng tương thích với cả Facebook và MySpace. Không phải dễ ăn Larry Chiagouris, một giáo sư về tiếp thị tại trường kinh doanh Lubin thuộc Đại học Pace ở New York (Mỹ), cho rằng để loại hình thương mại điện tử trên mạng xã hội hoạt động có hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải chi tiền quảng bá nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng về trang Facebook của họ. Những doanh nghiệp nào không có lượng người hâm mộ đáng kể trên Facebook và MySpace có thể gặp khó trong việc thu hút người mua sắm. Theo ông Chiagouris, một trang Facebook không có lượng truy cập nhiều có thể tạo cảm giác rằng nó ít được biết đến, và “không ai thích mua sắm ở những nơi không có người nào khác đến mua sắm”. Một vấn đề khác của thương mại điện tử trên mạng xã hội là một khi khách hàng không hài lòng về một món hàng nào đó, sự bất mãn của họ có thể được lan truyền nhanh chóng thông qua mạng lưới bạn bè của họ. Vì thế, ông Michael Trusov, một giáo sư trợ giảng về tiếp thị tại trường kinh doanh Robert H. Smith School thuộc Đại học Maryland (Mỹ), cho rằng các công ty cần bảo đảm rằng việc chăm sóc khách hàng trên trang Facebook phải chu đáo hơn nhiều so với ở một trang web hoặc một cửa hàng thông thường. Việc xác định những sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định phù hợp với nền tảng truyền thông xã hội cũng là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Ông Yogesh V. Joshni, Giáo sư trợ giảng môn tiếp thị tại trường kinh doanh Robert H. Smith, nói: “Người tiêu dùng có thể không muốn mua một ống kem đánh răng trên Facebook nhưng một túi xách hiệu Coach lại là chuyện khác”. Hiện vẫn còn quá sớm để biết được liệu người tiêu dùng có đón nhận trào lưu mua sắm trên mạng xã hội hay không. Facebook gần đây bị chỉ trích về những chính sách về vấn đề riêng tư. Một số người có thể cảm thấy không thoải mái khi phải nhập thông tin thẻ tín dụng trên trang web trong khi những người khác ngại thực hiện những vụ mua sắm mà thông tin về chúng được đăng tải trên trang hồ sơ của họ.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // Wall Street Journal)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com