Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điểm nhấn là thị trường nội địa

Các lập trình viên đang làm việc tại Công ty Global CyberSoft.

Các doanh nghiệp CNTT TP.HCM, trong cuộc tọa đàm góp ý cho dự thảo đề cương Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2015 và dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về dịch vụ CNTT, đã cho rằng cần có một chiến lược phát triển rõ ràng và những quy định cụ thể để hỗ trợ và tận dụng năng lực của doanh nghiệp, cũng như thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam hiện nay chủ yếu là gia công phần mềm, về phần cứng và các dịch vụ nội dung chưa có sản phẩm nào nổi bật, trong khi Việt Nam với 85 triệu người và chủ yếu là dân số trẻ là một thị trường lý tưởng để phát triển nhiều lĩnh vực như nội dung số, các sản phẩm trên nền Internet…, nhất là các ứng dụng trên nền viễn thông 3G hiện đang được đầu tư khá mạnh.

Vai trò của thị trường nội địa

Theo các doanh nghiệp, để phát triển ngành công nghiệp CNTT, trong chiến lược dài hạn cần hướng đến thị trường trong nước với những sản phẩm, giải pháp phù hợp. Song song đó cần đề ra một lộ trình để nâng cao năng lực ngành bằng các kế hoạch nghiên cứu và phát triển (R&D) có sự đầu tư của nhà nước làm đầu tàu và doanh nghiệp sẽ theo đó định hướng chiến lược phát triển cho riêng mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, ngành công nghiệp CNTT còn yếu là do thiếu một lộ trình được hoạch định rõ ràng để tạo cơ sở phát triển bền vững. Về thị trường trong nước, năng lực R&D của doanh nghiệp còn yếu, vì thế chưa thể tạo ra các công nghệ hay sản phẩm mang tính đột phá trên thị trường.

Để phát triển cần có sự đánh giá lại vai trò của thị trường ở cả hai khu vực dịch vụ công và toàn xã hội. Nhà nước hiện chưa trở thành khách hàng chủ lực và tạo ra động lực thúc đẩy ứng dụng CNTT, trong khi nhiều ngành nghề đang phát triển nhanh chóng như tài chính, ngân hàng làm nảy sinh các yêu cầu về nguồn nhân lực CNTT đặc thù.

Về thị trường quốc tế, nơi có quy mô rất lớn so với khả năng cung ứng của Việt Nam, chúng ta chưa tạo ra được những lĩnh vực đặc trưng. Phần lớn các doanh nghiệp hiện có quy mô nhỏ, đầu ra không ổn định, cung cấp các dịch vụ đơn giản và không có nhiều khác biệt, nên lợi nhuận thấp. Còn số doanh nghiệp lớn đã phát triển tương đối ổn định, có thương hiệu thì không nhiều để tạo sự thu hút các đối tác lớn.

Việt Nam cũng đang thiếu doanh nghiệp có ý tưởng mới, có tiềm năng phát triển với chiến lược kinh doanh rõ ràng để các quỹ đầu tư chọn lựa. Theo ông Lệ, những vấn đề này không mới nhưng vẫn chưa khắc phục được bởi các chiến lược đề ra cho giai đoạn 5-10 năm không có kế hoạch thực hiện cụ thể, thiếu cơ quan giám sát và chịu trách nhiệm. Khi thị trường biến động chúng ta chưa có những sự điều chỉnh kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Ví dụ, nên có chính sách kích cầu, đặt hàng từ Chính phủ khi thị trường nước ngoài giảm sút. Ngoài các chính sách ưu đãi cho ngành, Nhà nước phải đóng vai trò là khách hàng lớn của doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các ứng dụng CNTT có hiệu quả xã hội lớn dù hiệu quả kinh doanh chưa cao. Nhà nước cũng là đầu mối liên kết, triển khai, ứng dụng các dự án R&D với sự tham gia của các đối tác là doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các trường đại học và viện nghiên cứu….”, ông Lệ nói.

Trong khi đó, theo ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC Vietnam, ngành CNTT chưa có được những dữ liệu thống kê và đánh giá chi tiết về các con số của ngành mình. Ở góc độ quản lý, cần có những cuộc nghiên cứu chính sách phát triển ngành CNTT từ các nước đã kinh qua những bước phát triển tương đồng với Việt Nam đồng thời đang cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…

Có được những kết quả nghiên cứu cụ thể mới có thể định hướng cho CNTT phát triển phù hợp với thị trường toàn cầu trong tương lai. Bên cạnh đó là những giải pháp xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho toàn ngành công nghiệp CNTT. “Hiện tại, so với các thị trường khác, chính sách ở thị trường Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài”, theo ông Phương.

Về phát triển phần cứng, ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp khu vực này đang hoạt động rất khó khăn, chưa thể nói đến các sản phẩm do chính doanh nghiệp trong nước phát triển. Bên cạnh đó còn có sự nhìn nhận chưa thỏa đáng về các sản phẩm CNTT nhập khẩu. “Không thể đánh thuế thiết bị, máy móc nhập khẩu cho lĩnh vực này như những mặt hàng mỹ phẩm hay thời trang như cách các cơ quan thuế, hải quan đang làm”, ông Nghệ nói.

Ông Nguyễn Hữu Lệ cũng cho rằng: “Bộ Thông tin và Truyền thông phải liên kết với Bộ Tài chính gỡ bỏ những bất hợp lý đối với doanh nghiệp CNTT về mức thuế nhập khẩu các thiết bị, máy móc phục vụ cho R&D”.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty VNG, kiến nghị cần có chính sách khai thác hữu hiệu mảng thị trường có tiềm năng lớn là nội dung số và Internet. Đặc biệt là chính sách khuyến khích thuế cho nguồn nhân lực CNTT hiện nay chưa hợp lý vì nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp CNTT không chỉ là lập trình viên hay kỹ sư CNTT mà họ đến từ nhiều ngành nghề khác.

Bên cạnh đó việc cấp giấy phép lao động cho những người nước ngoài có trình độ cao vào làm việc trong lĩnh vực này cũng còn rất nhiêu khê. “Cần phải xem lại việc ‘siết’ lao động nước ngoài trong lĩnh vực CNTT, trong khi Việt Nam đang là thị trường cung cấp nhân công cho các công ty CNTT trên toàn cầu”.

Dịch vụ CNTT: Cần định nghĩa rõ ràng

Góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về dịch vụ CNTT, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho rằng việc ban hành nghị định để có một hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT là cần thiết, nhưng cần định nghĩa rõ thế nào là dịch vụ CNTT. “Có đến chín định nghĩa về dịch vụ CNTT là quá ôm đồm, trong khi chỉ cần một định nghĩa khái quát nhưng chuẩn xác, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện. Ví dụ, bán hàng trực tuyến, đào tạo từ xa, khám, chữa bệnh từ xa… không nên xếp vào dịch vụ CNTT vì các dịch vụ này liên quan nhiều đến các ngành khác”, ông Dũng nói.

Giáo sư Nguyễn Lãm cũng cho rằng cần phải đặt lại vấn đề về khái niệm dịch vụ CNTT vì bản chất của ngành này là luôn phát triển. Cách đánh giá dịch vụ thiên về gia công mà chưa chú trọng khía cạnh nghiên cứu và phát triển, vì thế cần xem xét đầy đủ trước khi đưa các điều khoản này vào nghị định. Dự thảo này cũng chưa nói rõ CNTT có bao gồm lĩnh vực truyền thông hay không, trong khi theo Luật CNTT thì lĩnh vực này bao gồm cả truyền thông. Nếu đưa ra khái niệm dịch vụ CNTT thì việc phát triển Internet, điện toán đám mây… chính là một phần của truyền thông.

Chứng chỉ hành nghề tư vấn được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Hiện các quy định về chứng chỉ hành nghề này còn nhiều bất cập trong thực tiễn hoạt động. Ông Phương đặt vấn đề việc triển khai các giải pháp ERP có được xem là dịch vụ tư vấn hay không. Nếu các nhà triển khai đến từ các công ty nước ngoài, có bắt buộc họ phải lấy chứng chỉ tư vấn tại Việt Nam? Ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện Công ty Điện tử tin học Việt Nam, cho rằng nên bỏ chứng chỉ này. “Các chuyên gia tư vấn đương nhiên đã hội đủ tiêu chuẩn hành nghề, vì thế không cần thiết đòi hỏi chứng chỉ, làm mất thời gian cho doanh nghiệp và người lao động”, ông Dũng nói.

Thuế cũng là một vấn đề được doanh nghiệp quan tâm. Theo ông Minh, các chính sách ưu đãi về thuế hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt về CNTT ở điều 14 nên để Bộ Tài chính phụ trách thay vì Bộ Thông tin-Truyền thông phải “quán xuyến”. Còn theo ông Lệ, quy định chỉ có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước mới được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm năm là không công bằng đối với các đối tượng khách hàng khác, nhất là cho người dân, vì đây là một đối tượng quan trọng cần được hưởng ưu đãi.

(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bán hàng qua mạng xã hội
  • Starbucks Coffee: “Thu gọn và trở về cơ bản”
  • Chuyện nhỏ, cơ hội lớn
  • Facebook đạt doanh thu 800 triệu USD
  • Ba cơ hội đến từ khủng hoảng
  • Người tiêu dùng Trung Quốc “nguội dần” với thương hiệu nước ngoài
  • Bài học tận dụng truyền thông xã hội từ NGOs
  • Sức mạnh của tham vọng và sự khiêm tốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com