Nguồn tin mới nhất từ các quan chức cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ công bố việc chính phủ sở hữu 60% cổ phần trong GM và cấp thêm 30 tỷ USD để hãng này thóat khỏi tình trạng khó khăn, nhưng đồng thời cam kết sẽ đứng ngòai các họat động kinh doanh của GM.
Tổng thống Obama sẽ có một bài phát biểu ngắn trong buổi sáng 1/6 để giải thích nguyên nhân để cho GM phá sản và hy vọng của ông rằng đây là cách giải quyết tốt nhất để cứu tên tuổi lớn này.
“Hôm nay sẽ là một ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử của công ty – ngày chấm dứt một đế chế General Motors cũ và bắt đầu cho một công ty mới”, thông báo từ chính quyền cho biết.
Chương 11 của Luật phá sản Mỹ sẽ cho phép GM duy trì họat động với các nhà máy, thương hiệu, đại lý và các hợp đồng đang phát sinh lợi nhuận. Ngược lại, những hoạt động không còn phát sinh lợi nhuận hoặc công ty không còn khả năng duy trì sẽ phải chấm dứt.
Việc vực dậy GM theo cách họat động mới được điều khiển bởi liên minh bất thường giữa chính phủ Mỹ và Canada, cùng với các chủ nợ và nhân viên của GM. Chính phủ Mỹ đã cam kết chi thêm 30 tỷ USD bên cạnh khỏan nợ 19,4 tỷ USD đã cấp, để giúp GM bù đắp thua lỗ và duy trì hoạt động.
Chính phủ Mỹ cũng tiếp nhận 60% cổ phần trong công ty mới được thành lập sau khi tái cơ cấu, cũng như khỏan 8,8 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu ưu tiên.
Chính quyền Canada và bang ontario sẽ cho vay 9,5 tỷ USD và nhận 12% số cổ phần trong GM mới.
Cuối cùng, các chủ nợ của GM sẽ phải tạm quên đi khoản nợ 27 tỷ USD của hãng này và nhận 10% cổ phần trong GM mới, cùng với việc đảm bảo quyền mua 15% cổ phần.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư đang sở hữu 54% trái phiếu đã đồng ý không phản đối kế hoạch phá sản của GM. Điều này đã tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu khi xoa dịu được những phản đối với kế hoạch phá sản dự định trình vào tối nay.
Những tác động
Với GM, việc xin bảo hộ phá sản sẽ là sự khởi đầu cho quá trình đại tu lớn nhằm mục đích tạo ra một công ty nhỏ hơn nhiều nhưng hiệu quả hơn.
Theo một phần trong kế hoạch tái cơ cấu, GM dự định cắt giảm 20.000 việc làm và đóng cửa khoảng 12 nhà máy từ nay cho đến năm 2010. GM cũng dự định sẽ giảm 40% mạng lưới bán lẻ bao gồm 6.000 đại lý của mình trong năm tới. Bốn nhãn hiệu Hummer, Saab, Saturn và Pontiac sẽ bị bán đi.
Việc GM xin phá sản, cùng với vụ phá sản của Chrysler hôm 30/4, sẽ tác động đến toàn bộ các đại lý, nhà cung cấp và những công ty khác hoạt động trong lĩnh vực này.
Thị trường nhân lực Mỹ bị đánh giá là ảnh hưởng nặng nề nhất. GM từng là công ty sử dụng nhiều lao động nhất nước Mỹ. Hiện GM còn 80.000 nhân sự, bằng một nửa so với năm 2001.
Bên cạnh đó, gần 500.000 người Mỹ về hưu và khoảng hơn 150.000 thành viên trong gia đình họ đang sống phụ thuộc vào lương hưu và bảo hiểm y tế của GM. Chi phí chăm sóc y tế cho những người về hưu sẽ phải giảm đi, mặc dù quỹ lương hưu của công ty không bị tác động bởi việc phá sản.
Không chỉ có thế, đời sống của khoảng 300.000 nhân viên tại các đại lý của GM sẽ bị ảnh hưởng, cùng với hàng trăm ngàn công nhân tại các nhà máy sản xuất linh kiện cung cấp cho GM đang phụ thuộc vào sự tồn tại của đế chế này.
Phá sản là không tránh khỏi
Việc chính phủ sở hữu phần lớn cổ phần của GM – dù chỉ là mục tiêu tạm thời – đánh dấu một bước ngoặt bi kịch cho đế chế GM cũ. GM đã công bố thua lỗ hơn 90 tỷ USD kể từ năm 2005, trong khi thị phần tại Mỹ giảm xuống 19% so với 40% năm 1980.
Đây có thể là vụ phá sản lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, sau ngân hàng Lehman Brothers và tập đoàn viễn thông WorldCom. Tổng giá trị tài sản GM đến 31/12/2008 là 91 tỷ USD trong khi số nợ là 176,4 tỷ USD.
Theo sự chỉ đạo của Tổng thống Obama, các nhà quan chức của Bộ Tài chính và các nhà lãnh đạo công ty đã phải đàm phán hàng tuần lễ với các chủ nợ và Hiệp hội công nhân ngành ô tô để cho kế hoạch phá sản được thông qua suôn sẻ và nhanh chóng. Tuy nhiên những cuộc đàm phán phức tạp và những buổi trình bày đầy khó khăn trước tòa án vẫn còn ở phía trước.
Trong khi phần lớn các chủ nợ lớn đã đồng ý giảm mức yêu cầu về số cổ phần trong công ty, nhiều chủ nợ nhỏ vẫn tuyên bố phản đổi kế hoạch tái cơ cấu, khẳng định họ đáng được hưởng nhiều cổ phần hơn trong công ty mới. Họ cho rằng Bộ Tài chính và quỹ công đoàn đã chiếm quá nhiều cổ phần trong khi họ nhận được quá ít.
Tuy nhiên, nhiều khả năng cổ phiếu của GM sẽ không được giao dịch trong ít nhất là 6 đến 18 tháng tới. Cổ phiếu hiện tại của GM sẽ không còn được giao dịch sau khi hãng đệ đơn xin phá sản.
Cuối tuần trước, giá cổ phiếu của GM đóng cửa với chỉ 75 cent/CP. Đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ năm 1932.
Tuy nhiên, những người đang nắm giữ cổ phiếu này có khả năng thu lại được nhiều tiền nếu quá trình cải tổ sau phá sản thành công, khi đó cổ phiếu của GM mới sẽ tăng đầy ấn tượng.
Chính phủ Mỹ - nhà đầu tư bất đắc dĩ
Mặc dù nắm đa số cổ phần nhưng chính phủ Mỹ không có ý định can thiệp vào ban lãnh đạo của công ty mới. Một quan chức chính phủ hôm qua cho biết, việc chính phủ nắm giữ cổ phần lớn trong công ty là nhằm bảo tòan số tiền chính phủ đã cho GM vay - bảo tòan số tiền của người dân Mỹ nộp thuế - chứ không nhằm nắm quyền kiểm sóat hay can thiệp vào các hoạt động kinh doanh cụ thể của công ty.
GM sẽ đề cử chuyên gia Al Koch làm giám đốc điều hành hoạt động tái cơ cấu sau khi đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Koch, nguyên là giám đốc điều hành công ty tư vấn AlixPartners LLP tại New York.
Là một chuyên gia cải tổ kỳ cựu, Koch từng làm giám đốc tài chính tạm thời của Kmart trong thời gian tập đoàn bán lẻ này xin bảo hộ phá sản, và làm chủ tịch và CEO tạm thời của Champion Enterprises Inc., nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất thế giới.
Chính phủ sẽ cố gắng thu lại càng nhiều tiền càng tốt nhưng cũng sẽ bán cổ phần sớm nhất có thể, mặc dù cân đối hai mục tiêu này là khá khó khăn, quan chức trên cho biết.
Nhiều chuyên gia nghi ngờ về việc liệu chính phủ có giữ khoản đầu tư của mình trong một vài năm tới hay không. Chặng đường sắp tới của GM không hề đơn giản khi nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu và sức cạnh tranh tăng từ các đối thủ mạnh hơn như Toyota và Ford.
Các quan chức Mỹ cho rằng việc chính phủ bơm thêm tiền cho GM sẽ đủ để vực dậy công ty này và tăng sức cạnh tranh trước các đối thủ. Mặc dù vậy, họ không loại trừ khả năng sẽ cấp thêm tiền nếu công ty tiếp tục khó khăn.
(Theo CNN, Bloomberg)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com