Chi 160 triệu euro cho vụ chuyển nhượng hai cầu thủ Kaka và Cristiano Ronaldo, tân chủ tịch câu lạc bộ Real Madrid, ông Florentino Perez đang gây nên dư luận về thương vụ đầu tư quá mạnh tay này.
Hãy nghĩ rằng bạn là cổ đông của một công ty và ngài tân chủ tịch đề nghị như sau: đầu tư 44% của 366 triệu euro doanh số năm trước vào các cổ phiếu mà trong 5 năm tới sẽ nhanh chóng mất giá và thậm chí có thể trở thành mảnh giấy lộn chỉ vì một cú ngáng chân chơi xấu.
Ngay các hãng lớn như Rolls-Royce cũng chỉ dành 3% doanh số để đầu tư trong năm 2008, vậy mà Real Madrid chi đến 44% của doanh số 366 triệu euro để rước về hai siêu sao. Nhưng đối với ông Florentino Perez, vụ đầu tư này chẳng có gì là ghê gớm trong tổng số tiền 250 triệu euro mà ông sẽ đặt lên bàn.
Đầu những năm 2000, ông Perez đã chi những khoản tiền chóng mặt để quy tụ dưới cờ một “dãy ngân hà” gồm Figo, Zidane, Ronaldo (Brazil) và Beckham. Và êkíp siêu sao do Zidane dẫn dắt chẳng tạo được thành tích trên sân bóng, nhưng lại giúp tăng doanh số.
Hãng Deloitte ước tính từ năm 2005, tăng trưởng doanh số hàng năm của Real luôn đạt hai con số và câu lạc bộ nhanh chóng tạo được tên tuổi giàu nhất thế giới. Theo phân tích của breakingviews.com, có lẽ ông Perez muốn tái lập thành tích của lần nhiệm kỳ đầu tiên của mình trước đây, tức khai thác thương hiệu Real Madrid trên toàn cầu và hình ảnh các ngôi sao đang và sẽ được tuyển mộ, dù lần này kinh tế Tây Ban Nha đang suy thoái nặng nhất ở châu Âu với 4 triệu người thất nghiệp.
Real có ba nguồn thu. Năm 2008, 28% doanh số của câu lạc bộ đến từ việc bán vé và các lô ghế dành cho công ty trên sân Bernabeu. Khoản thu này đã bị giảm 6% do khủng hoảng và vì Real không đoạt được danh hiệu nào. Mức tăng trưởng đến từ tiền bản quyền truyền hình (chiếm 37%), áo thi đấu và tiền tài trợ (35%). Hợp đồng bản quyền truyền hình mà Real ký với tập đoàn Mediapro có hiệu lực đến mùa giải 2012-2013. Nhưng hợp đồng ký với công ty cá cược Bwin để tài trợ trên áo thi đấu sẽ hết hạn vào năm 2010. Chỉ khi tái ký hợp đồng dạng này thì người ta mới có thể đánh giá lợi ích của việc đầu tư quá táo bạo vào việc mua cầu thủ.
Khi từ bỏ AIG để ký hợp đồng với Aon, Manchester United đạt được những điều kiện hậu hỉ. Vì vậy, người ta cũng không nghĩ rằng suy thoái kinh tế tác động đến hợp đồng tài trợ trên áo cầu thủ. Nhờ rước về hai cầu thủ siêu sao hiện nay, chắc chắn Real sẽ không lo lắng chuyện tài trợ này.
Các công ty quảng cáo có thể lao vào cuộc chiến nâng giá và qua đó giúp câu lạc bộ thoát khỏi cơn bão đang tác động đến lĩnh vực quảng cáo trong năm nay. Trong trường hợp Real không thành công như mong muốn, các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ ra tay cứu giúp câu lạc bộ, một dạng định chế rất quan trọng mà người ta sẽ không để nó bị phá sản. Và từ nay đến đó, có thể hy vọng rằng sự xuất hiện của Ronaldo và Kaka trên sân sẽ làm tăng số lô ghế bán và giúp Real đoạt được vài danh hiệu.
Dưới mắt ông Florentino Perez, chủ tịch CLB Real Madrid, "bóng đá là một ngành công nghiệp như bao ngành khác và cần được đầu tư mạnh". |
Nhưng việc chuyển từ logic kinh tế sang thành tích thể thao lại là chuyện khác. Một nhật báo Tây Ban Nha bình luận rằng dù việc tuyển mộ các siêu sao mang đến giấc mơ cho hàng ngàn người hâm mộ Real và làm tăng giá trị của giải vô địch Tây Ban Nha, nhưng “một đội bóng lớn không thể hình thành từ những tấm ngân phiếu”. Real Madrid của Di Stefano, Ajax của Cruyff, Bayern Munich của Beckenbauer, Milan AC của Van Basten, và cả Barca của Xavi và Iniesta không đoạt những chiến thắng lẫy lừng bằng những vụ tuyển mộ tốn kém.
“Những đội bóng này đi vào lịch sử nhờ lối chơi và tinh thần đồng đội mà người ta không thể chỉ có được bằng đồng tiền”, tờ báo này viết. Tuy nhiên, bóng đá dưới mắt ông chủ tịch Perez là “một ngành công nghiệp như bao ngành khác và cần được đầu tư mạnh”.
(Theo Tấn Lộc/TBKTSG Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com