Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Chiếc bẫy” phí bảo hiểm

Phí bảo hiểm cho một khách sạn 3 sao chỉ tương đương với một chiếc ô tô trị giá 1 tỉ đồng là một điều phi lý, vậy mà vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận để giành dịch vụ về mình.

 

“Nếu tiếp tục giữ lối mòn cạnh tranh, danh sách doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ trong năm 2009 sẽ kéo dài nhiều hơn con số 18 doanh nghiệp bảo hiểm lỗ năm 2008”, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc khẳng định.
 

Cá bé nuốt cá lớn


Kinh doanh bảo hiểm không cần vốn vì không có đầu vào trước khi bán sản phẩm bảo hiểm, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng (tức khả năng chiếm lĩnh thị trường) là vô hạn.
 

Khác với các ngành khác, ví dụ muốn tăng lượng khách chuyên chở thì doanh nghiệp vận tải trước hết phải tăng số lượng máy bay hoặc ô tô, điều này giới hạn năng lực của doanh nghiệp nhỏ, nhưng đối với doanh nghiệp bảo hiểm và các chi nhánh, thực tiễn hoàn toàn ngược lại: cá bé nuốt cá lớn. Cơn lốc hạ phí bảo hiểm khiến doanh nghiệp có thị phần lớn muốn giữ được khách hàng để giữ thị phần thì không còn cách nào khác là phải lao theo.
 
 

Nếu như năm 1999 mới có 10 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động thì đến năm 2008, đã có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 10 công ty môi giới bảo hiểm. Điều này làm tính cạnh tranh của thị trường bảo hiểm phát huy tác dụng tới mức độ gay gắt, đặc biệt là trong lĩnh vực phi nhân thọ.
 

Với thời hạn hợp đồng bảo hiểm thường là một năm, khoảng thời gian đáo hạn hợp đồng là thời cơ để giành giật khách hàng, giành giật doanh thu phí bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay có ít nhất từ 6 cho đến 60 công ty thành viên, chi nhánh trên cả nước làm cho cuộc cạnh tranh gay gắt hơn, không chỉ là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau mà cạnh tranh ngay cả giữa các công ty thành viên, chi nhánh của một doanh nghiệp bảo hiểm.
 

Theo ông Lộc, với những doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh mới bước vào hoạt động, hướng phát triển doanh thu, chiếm lĩnh thị trường đầu tiên của họ thường là bảo hiểm xe cơ giới, bởi bảo hiểm xe cơ giới nhiều tiềm năng, ít phải đào tạo và đầu tư, dễ giành giật khách hàng và hợp đồng bảo hiểm. Để thực hiện mục đích này, các doanh nghiệp bảo hiểm thường chọn biện pháp hạ phí bảo hiểm so với đối thủ cạnh tranh để thu hút khách hàng đang tham gia bảo hiểm từ các công ty khác khi hết hạn hợp đồng, thậm chí lôi kéo họ chấm dứt hợp đồng bảo hiểm đang thực hiện để sang tham gia bảo hiểm với công ty mình.
 

Với sự hậu thuẫn của hành lang pháp lý (bắt buộc người dân phải tham gia bảo hiểm xe cơ giới), năm 2008, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu cao nhất, đạt 3.182 tỉ đồng tăng 24,8% so với năm 2007. Song, tổng số tiền bồi thường đã là 1.830 tỉ đồng, chiếm tới 58% doanh thu. Các doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao là QBE 84%, Bảo Long 81,6%, PTI 73,7%, Bảo Minh 73,3%, Bảo Việt 60,7%, VIA 59% (Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm).
 

Nếu kể cả phần dự phòng phí chưa được hưởng 50% và chi phí hoa hồng đại lý thì tỷ lệ bồi thường sẽ lớn hơn gấp đôi. Có doanh nghiệp đã phải thốt lên “càng làm càng lỗ”. Cuộc cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm từ gay gắt dẫn đến báo động trong khi tổn thất toàn thị trường lên tới 58% doanh thu phí hay bằng 116% doanh thu phí được hưởng, chi phí sửa chữa thay thế phụ tùng đã tăng trên 30%.
 

Bảo hiểm xe cơ giới đang chiếm tỷ trọng trên 50% doanh thu của rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, song nó mang lại hậu quả nặng nề nhất cho chính doanh nghiệp bảo hiểm đó nếu kết quả bồi thường lên cao sẽ đồng nghĩa với thua lỗ lớn.
 

Thậm chí, Hiệp hội Bảo hiểm đã xây dựng một biểu phí tiêu chuẩn với loại hình này để các doanh nghiệp bảo hiểm thảo luận và cùng nhau áp dụng. Song, vì biểu phí tiêu chuẩn cao hơn biểu phí hiện hành nên chỉ có 16/28 doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý áp dụng.
 

Nếu nói bán thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bán “lời cam kết bồi thường”. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp bảo hiểm muốn chiếm lĩnh thị trường hạ phí để giành giật khách hàng không quan tâm đến xác suất thống kê về tỷ lệ bồi thường. Ví dụ, với bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt, doanh thu năm 2008 đạt 1.030 tỉ đồng, tăng 0,74% so với năm 2007.
 

 

Năm 2008 đã từng được cho là năm doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gia tăng theo Quyết định 28/2007 nhưng thực tế đã không như mong đợi. Một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khi tư vấn cho khách hàng không đề cập đến hoặc cố tình không biết đến Nghị định 130, Thông tư 41, Quyết định 28 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc làm cho khách hàng thắc mắc hoặc đòi hỏi chỉ mua bảo hiểm tự nguyện.

 

Song, dù hiệp hội vẫn tiếp tục cảnh báo về bảo hiểm các resort giá trị tài sản không lớn nhưng thiệt hại về kinh doanh rất cao vì bị ảnh hưởng và tác động của những thảm họa tự nhiên như mưa, bão, gió, lốc, sóng... Vậy mà vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm với mức phí tối thiểu.
 

 

Năm 2008 đã từng được cho là năm doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gia tăng theo Quyết định 28/2007 nhưng thực tế đã không như mong đợi. Một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khi tư vấn cho khách hàng không đề cập đến hoặc cố tình không biết đến Nghị định 130, Thông tư 41, Quyết định 28 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc làm cho khách hàng thắc mắc hoặc đòi hỏi chỉ mua bảo hiểm tự nguyện.
 

Trong lĩnh vực bảo hiểm kỹ thuật, vẫn tiếp tục cạnh tranh gay gắt nhất là bảo hiểm xây dựng lắp đặt. Nhiều chủ dự án, chủ đầu tư chia nhỏ hạng mục công trình để tham gia bảo hiểm tại nhiều công ty bảo hiểm khác nhau. Bảo hiểm dầu khí năm 2007 đã xảy ra 7 vụ tổn thất với số tiền bồi thường ước khoảng 12 triệu đô la (trên 200 tỉ đồng).
 

Các vụ tổn thất chưa bồi thường từ 2001-2008 phải đưa vào dự phòng bồi thường lên đến 17 triệu đô la (trên 300 tỉ đồng). Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 1.266 tỉ đồng, tăng 57,6% so với 2007. Nhưng sự cạnh tranh khiến nhiều con tàu, đội tàu sau năm năm tỷ lệ phí chỉ còn khoảng 30%.
 

Theo thống kê của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Vinare, bảo hiểm thân tàu biển từ năm 2001-2007 tổn thất phải bồi thường vượt mức trên 100% doanh thu. Các hội P&I (Hội chủ tàu) quốc tế đang buộc các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đóng thêm phí bảo hiểm vì tổn thất gia tăng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khai thác với mức phí bảo hiểm quá thấp không có hợp đồng tái bảo hiểm cố định hoặc vượt giới hạn của hợp đồng tái bảo hiểm nhưng không thu xếp được tái bảo hiểm tạm thời buộc phải thu xếp tái bảo hiểm đồng bảo hiểm trong nước có rủi ro cao.
 

Thực tế, đã có các vụ tổn thất lớn trong năm 2008, đang giải quyết bồi thường như các tàu: Vinashine Prince, Đức Trí, Sao Biển 09, Vinashin Iron, Vinashin Alantri, Việt Trung, Vinaline Sài gòn, Green Viship… Vậy mà, bảo hiểm đóng tàu vẫn tiếp tục cạnh tranh theo các thủ pháp trước đây như hạ phí, chia phí theo thời gian để bảo hiểm giai đoạn cuối, chỉ bảo hiểm hạ thủy.
 

Mới đây còn phát sinh thêm thủ pháp mới là bảo hiểm với thời hạn một năm phần còn lại rủi ro cao được coi là gia hạn và giảm phí. Đã có doanh nghiệp phải bồi thường tổn thất chỉ một con tàu hạ thủy nhưng ước tính có đến mười năm nữa tiếp tục thu phí bảo hiểm đóng tàu của toàn doanh nghiệp không đủ bù đắp cho tổn thất này.
 

Không thể hạ bồi thường, chỉ có thể tăng phí
 

Một trong những nguyên nhân có nguồn gốc sâu xa của cuộc đua phí là chế độ khoán tiền lương và chi phí theo doanh thu không chú trọng đến bồi thường có thể xảy ra. Tình trạng này dẫn đến không những các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh lẫn nhau mà còn có sự cạnh tranh giữa các chi nhánh trong cùng một doanh nghiệp.

 

Chính vì vậy, việc quan tâm chăm sóc khách hàng cung cấp dịch vụ gia tăng bổ sung cho khách hàng cũng bị hạn chế.Bên cạnh đó, không ít đặc thù của ngành vẫn đang tạo môi trường cho nạn hạ phí bảo hiểm phát triển. Thứ nhất, sản phẩm bảo hiểm là lời cam kết, là một thỏa thuận dân sự.
 

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bị chi phối bởi Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Lời cam kết này thể hiện tại Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm (gọi tắt là quy tắc) do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành và đăng ký với Bộ Tài chính và được thể hiện một số nội dung trong hoạt động bảo hiểm.
 

Nhưng trong bảo hiểm xe cơ giới, người tham gia bảo hiểm chỉ nhận được Giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới có ghi rõ tuân thủ theo quy tắc nói trên và mặc nhiên công nhận quy tắc này dù họ biết hay không biết, hiểu hay không hiểu mà chỉ chú ý đến phí bảo hiểm đóng thấp hay cao.
 

Bằng việc hạ phí bảo hiểm, các công ty đã lôi kéo khách hàng của nhau, song lại không làm tăng trưởng thị trường, không kích thích nhu cầu bảo hiểm của khách hàng mới.
 

Thứ hai là cơ chế khoán doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm cho chi nhánh và công ty thành viên. Chi phí tiền lương và quản lý của đơn vị được ấn định trên tỷ lệ phần trăm nhất định của doanh thu phí bảo hiểm. Vì vậy, họ cần doanh thu bằng mọi giá, kể cả hạ phí bảo hiểm thấp hơn nhiều để giành giật khách hàng, giành giật hợp đồng bảo hiểm.
 

Thứ ba là cơ chế hạch toán. Các doanh nghiệp bảo hiểm thường phân cấp cho chi nhánh giải quyết bồi thường cho những vụ tai nạn có giá trị dưới 10 triệu đồng, những vụ lớn hơn phải gửi về trụ sở chính giải quyết. Vì vậy, chi nhánh cứ lấy doanh thu trừ đi số tiền giải quyết bồi thường thấy chênh lệch lớn là mừng. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, lấy doanh thu trừ đi số tiền đã giải quyết bồi thường của toàn công ty có chênh lệch dương cao (có lãi lớn) hoặc tỷ lệ bồi thường thấp ảo tưởng là có lãi nên tiếp tục hạ phí để cạnh tranh.
 

Ngoài ra, nếu thận trọng, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trích lập dự phòng bồi thường cho những tổn thất chưa thông báo hoặc chưa giám định được thiệt hại. Nếu đem số tiền đã giải quyết bồi thường trong năm chia cho số tiền quỹ bồi thường nói trên theo đúng bản chất của hoạt động bảo hiểm thì chắc chắn không ít đơn vị không đủ quỹ để giải quyết bồi thường hay nói cách khác là thua lỗ.
 

Thứ tư là khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng lại không mong muốn hưởng thụ sản phẩm bảo hiểm và rất ít khách hàng “bị” hưởng thụ sản phẩm mới phát hiện được cái dở thì đã quá muộn.
 

Hậu quả của việc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm quá thấp là làm cho tình hình tài chính của chính doanh nghiệp bảo hiểm (quỹ bồi thường) suy giảm nghiêm trọng, nguy cơ thua lỗ, phá sản, vỡ quỹ bảo hiểm rất cao. Về phía khách hàng, sẽ phải chịu sự bồi thường chậm trễ, chây ì hoặc cố tình tìm mọi lý do chế tài để cắt giảm tiền bồi thường.Một chuyên gia về bảo hiểm của Mỹ tới làm việc tại Việt Nam nói rằng không thể hạ mức bồi thường mà chỉ có thể là tăng phí bảo hiểm theo rủi ro.

 

(Theo Hồng Phúc/TBKTSG)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Microsoft qua những con số
  • Mỹ: Các hãng hàng không tiếp tục thắt lưng buộc bụng
  • Cái lý của lời lắt léo
  • Cất cánh trong bão
  • Mua bán, sáp nhập như thế nào để chuyên nghiệp hơn?
  • Cất cánh trong bão
  • 2009 – Năm bùng nổ các cửa hàng ứng dụng?
  • 10 vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com