Khi ông Johannes Gensfleisch, còn có tên là Gutenberg, vào giữa thế kỷ 15, ở thành phố Mainz bắt đầu in sách bằng cách xếp các con chữ kim loại lại với nhau thì ông hoàn toàn không thể lường được hết ý nghĩa, tầm vóc công việc mà ông đã làm. Thực ra thời kỳ đó người ta không còn ngạc nhiên về việc có thể in sách chứ không cần phải chép tay như trước đây. Công lao của Gutenberg là ở chỗ ông đã chế tạo được một công cụ để đúc hàng loạt con chữ khác nhau vừa nhanh, vừa tạo được chữ đẹp hơn hẳn so với trước đó. Sáng chế của Gutenberg đã tạo bước đột phá trong công nghệ in ấn.
Sáng chế này và hàng loạt ý tưởng của nhiều người khác đã tạo tiền đề để nhân loại thoát ra khỏi thời kỳ trung cổ tiến vào thế giới hiện đại. Hơn nữa những sáng chế, phát minh này có tác động quyết định đến lịch sử phồn vinh của nhân loại. Sự giàu có của chúng ta ngày nay dựa trên nền tảng đó. Không phải vô cớ khi báo F.A.S. đăng tải một loạt bài mang tiêu đề "Chúng ta đã giàu lên như thế nào" lại bắt đầu bằng phát minh ra công nghệ in. Vì khả năng nhân bản gần như vô tận mọi loại ý tưởng bằng chữ viết hoặc bằng hình ảnh nhờ công nghệ in ấn đã tạo điều kiện cho sáng chế, phát minh nẩy nở và hoàn thiện vô vàn sản phẩm hữu ích khác. Mọi ý tưởng ngay cả những dù không giống với quan niệm chung, phổ cập rộng rãi trong xã hội vẫn có thể được truyền bá hết sức rộng rãi và nhanh chóng. Chi phí để học hỏi những điều mới mẻ giảm đi rõ rệt, giá một cuốn sách in rẻ hơn rất nhiều so với biết bao công sức mà con người phải bỏ ra để chép tay những cuốn sách đó.
Phát minh ra chiếc máy in tạo ra một chất lượng hoàn toàn khác so với các sáng chế, phát minh kỹ thuật thông thường khác. Nó tạo ra một cuộc cách mạng về ý tưởng và tiếp theo nó là một cuộc cách mạng về năng suất lao động. Những ý tưởng được nhân lên gấp bội và điều này là tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Cuốn sách in trở thành một kho lưu trữ kiến thức và là nơi kích thích sự ra đời của các ý tưởng mới đối với các dân tộc. Triết gia người Anh Francis Bacon ra đời sau Gutenberg 100 năm nhưng dường như ông đã cảm nhận được ý nghĩa to lớn của công nghệ in ấn khi ông viết, có ba thành tựu đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới, đó là: thuốc súng, chiếc la bàn và nghề in sách.
Chiến tích đầu tiên của nghề in ấn: Cuốn Kinh thánh –Gutenberg ở Colmar
Một chiến dịch chống mù chữ hiếm thấy
Kể từ thế kỷ 15 ngành xuất bản ở châu Âu đã hình thành một cách nhanh chóng. Thành phố Frankfurt và hội chợ sách đóng một vai trò quan trọng, vì sách đã dịch chuyển từ các tu viện, các hoàng cung tới các trung tâm thương mại. Ngay từ năm 1469 sách đã được in ấn ở Venice. Trước đó những người thợ viết phải nắn nót chép tay và trang trí kinh thánh hoặc họ phải dịch những cuốn sách chép tay từ tiếng Latin hay tiếng Hy lạp. Tiêu thụ những cuốn sách này là một nhóm các nhà sưu tầm tư nhân, các tu viện hoặc cơ quan lưu trữ của những thành phố lớn. Vào thời kỳ đó chỉ có một số ít tu sỹ ưu tú được đào tạo và có hiểu biết về văn học trong khi ngay cả những người thuộc tầng lớp trên ở châu Âu, các giám mục, linh mục và cả các bậc vua chúa cũng không biết đọc, biết viết chứ đừng nói gì đến quảng đại quần chúng ở thành thị cũng như nông thôn. Nhưng giờ đây học đọc, học viết bỗng trở thành một nhu cầu vì con người có điều kiện tiếp cận với sách nhiều hơn. Nghề in sách đã tạo nên phong trào xóa nạn mù chữ.
Giá in sách giảm mạnh trong khi sự đa dạng, phong phú của sách lại tăng lên rõ rệt. Cũng không có gì lạ vì kỹ thuật in đã làm tăng năng suất rõ rệt trong lĩnh vực sản xuất sách. Nhà in sách Ripoli ở Florence, thành lập năm 1476, vậy mà đến năm 1483 đã in trên 1.000 cuốn sách của Platon nhan đề "Dialogen". Trước đây để hoàn thành một cuốn như vậy một người thợ viết phải cặm cụi một năm liền mới xong. Phát minh ra máy in đã tăng tăng năng suất làm tăng lợi nhuận tới 200 lần. Đây là tính toán của nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ bà Elizabeth Eisenstein, từ đó chúng ta có thể thấy câu chuyện rất hấp dẫn về cuộc cách mạng của ngành in ấn.
Người ta có thể ít nhiều nhận thấy sự tương đồng của cuộc cách mạng này với phát minh ra Interrnet trong nửa cuối của thế kỷ 20. Trong cả hai trường hợp đều diễn ra sự giảm giá mạnh mẽ đối với sản xuất tri thức thông qua cấu trúc hoàn thiện mới và hệ thống phát hành, từ đó tạo điều kiện để mọi người đều có thể tiếp cận tri thức mới dễ dàng, thuận lợi hơn điều mà trước đó chẳng mấy ai nghĩ có thể đạt được. Internet cũng như ngành in sách đều tạo cho các nhà cung cấp dịch vụ phát hiện được các lỗ hổng trên thị trường vì luôn có những người mò mẫm tìm các ý tưởng mới mẻ và nhờ có một thị trường to lớn , nhờ hệ thống phát hành trải rộng cũng như những cỗ máy tìm kiếm, nhất định người ta sẽ tiếp tục tìm ra các ý tưởng ngày càng mới mẻ hơn.
Rất nhiều điểm tương đồng với Internet
Ngày nay giấy in lâm vào tình trạng thụ động cũng không khác gì điều đã từng xảy ra với loại giấy pergament (giấy làm từ da súc vật). Ngay từ hồi thế kỷ 15 nhà tu Johannes Trithemius trong bài viết "Ngợi ca người thợ viết" đã khẳng định rằng, những gì người ta viết trên giấy pergament có độ bền hàng nghìn năm, trong khi loại giấy in bằng máy móc chỉ có thể dùng trong một thời gian ngắn. Tương tự như vậy, phải chăng ngày nay người ta cũng tìm cách hạ uy thế của Internet?
Ngay từ thời xa xưa các nữ tu đã tỏ ra khôn ngoan và có đầu óc kinh doanh hơn hẳn các thầy tu: Các nữ tu ở "Heiligen Jakobus thuộc Ripoli" ngay từ hồi xa xưa đó đã điều hành nhà in Ripoli ở Florence. Họ đã biết cách thích nghi nhanh chóng với thời đại.
Đến giữa thế kỷ 16 ngành in ấn ở Venice mỗi năm ra 20.000 ấn phẩm gồm sách nhạc, sách in bản đồ, sách y học hay sách thuộc diện không mấy thanh cao khác. Bản thân các nhà xuất bản cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Sự vươn lên trong lĩnh vực hàn lâm nay trở nên hấp dẫn, so với trước ngày nay người ta chú ý nhiều hơn đến thể diện cũng như các khoản thu nhập. Ngành in ấn kích thích cung và cầu về ý tưởng: cung cấp kiến thức trở thành một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn đầy thú vị.
"Sự thần kỳ kinh tế châu Âu"
Người ta thường viết rằng tư tưởng dị giáo của Luther hay Galileo Galilei sẽ không bao giờ có thể thành công nếu như không có ngành in ấn. Tuy nhiên ngành in ấn không chỉ góp phần vào việc tuyên truyền rộng rãi tư tưởng cải cách của nhà cải cách người Đức Luther. Chính ngành in ấn còn là tiền đề để Luther phát triển quan niệm thần học của ông: Không được tiếp cận với những bản in kinh thánh cũng như những tác phẩm của các chức sắc hàng đầu trong giáo hội thì Luther sẽ không bao giờ có thể đưa ra được những ý tưởng mới mẻ của mình. Kể từ khi có ngành in ấn những kẻ bị coi là dị giáo dễ bề hoạt động hơn. Những quan niệm dị giáo của ngày hôm nay có thể là chủ thuyết trong tương lai. Ngành in ấn là một phát minh phục vụ sự tiến bộ, nó tạo điều kiện để cất giữ những suy nghĩ trước đây dưới dạng in ấn ở trong các thư viện hoặc kho tàng và qua đó cũng tạo ra khoảng cách với những tư tưởng đó.
Tuy nhiên bản thân sáng chế, phát minh chưa phải là sự bảo đảm để tạo ra một cuộc cách mạng mang lại sự thịnh vượng. Rõ ràng la bàn, thuốc súng và nghề in ấn đã xuất hiện từ lâu ở Trung Quốc, độc lập với châu Âu. Vậy thì tại sao những sáng chế phát minh đó lại không được tận dụng ở châu Á trong khi người châu Âu lại biết cách khai thác chúng để mang lại lợi ích cho mình? Để hiểu được "sự thần kỳ kinh tế ở châu Âu“ (Eric Jones) là mục đích của loạt bài báo mang tiêu đề "Chúng ta đã trở nên giàu có như thế nào".Chúng ta đã giàu lên như thế nào là một chuyên đề của Rainer Hand, phụ trách mảng kinh tế cùng mục "Tiền bạc & hơn thế nữa” của báo Frankfurt toàn cảnh chủ nhật (F.A.S.). Ông còn là thành viên Ban giám khảo giải thưởng Ludwig-Erhard và thuộc Ban quản trị Viện Max-Planck về chế độ xã hội (Köln).
Tác giả: Rainer Hand // Theo Tia Sáng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com