Nhân viên một cửa hàng giải thích các tính năng của điện thoại di dộng thương hiệu Việt Nam cho khách. Ảnh: Lê Toàn. |
Trên thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) hiện nay có khá nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các sản phẩm này đều được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, phòng nghiên cứu nhằm sản xuất điện thoại ngay tại Việt Nam.
Sôi động
Chỉ trong tháng 1, đã có thêm ba thương hiệu điện thoại Việt Nam tham gia thị trường là Hanel, Bluefone và Hi-mobile, bên cạnh những thương hiệu đã xuất hiện trước đó như Q-mobile, F-mobile, Viettel, Mobistar, Mobell, P-Phone...
Điện thoại của các doanh nghiệp Việt Nam thu hút người mua do có giá cả hợp lý (từ 500.000 đến 2 triệu đồng/sản phẩm), có thể sử dụng được nhiều sim nhiều sóng, phù hợp với thị trường các tỉnh lẻ, đối tượng khách hàng có thu nhập thấp. Bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường từ giữa năm 2008, đến nay Q-mobile có lẽ là thương hiệu thành công nhất trên thị trường.
Bà Đoàn Thanh Nhàn, Quản lý ngành hàng Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (đơn vị chiếm thị phần khá lớn trong mảng phân phối điện thoại di động), cho biết tại hệ thống phân phối của Viettel, Q-mobile là sản phẩm được tiêu thụ tốt nhất trong các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt Nam. Doanh số của sản phẩm này chiếm 15-20% tổng doanh số bán các sản phẩm điện thoại của Viettel.
Theo ghi nhận tại các cửa hàng điện thoại, ngoài Q-mobile, một số thương hiệu khác có sức tiêu thụ khá tốt như F-mobile, Mobell... Chẳng hạn, sản phẩm điện thoại F-mobile đã mang về cho FPT hơn 600 tỉ đồng doanh thu trong năm 2010.
Sự thành công của một số thương hiệu điện thoại trong nước đã lôi kéo khá nhiều doanh nghiệp nhảy vào thị trường này. Giữa tháng 1, tập đoàn công nghệ CMC đã đưa ra thị trường một số sản phẩm điện thoại nhãn hiệu Bluefone. Sản phẩm của CMC chủ yếu đánh vào tâm lý thích dùng điện thoại nhiều sim nhiều sóng của khách hàng, với mức giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng/sản phẩm. Trước đó, cũng trong tháng 1, tập đoàn công nghệ HiPT đã ra mắt thương hiệu điện thoại Hi-mobile. Và Công ty Điện tử Hanel cũng tham gia thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết mục tiêu của Viettel khi tham gia thị trường điện thoại là muốn đáp ứng những nhu cầu cá biệt của khách hàng.
Đi tìm bản sắc
Ông Hùng cho biết Viettel đã thiết kế, chế tạo thành công điện thoại chuyên dụng dành cho ngư dân đánh bắt xa bờ, hoặc cho tàu tuần tra, vận tải. Sản phẩm này không chỉ là điện thoại di động mà còn có chức năng của một chiếc radio, thiết bị xác định tọa độ GPS, có khả năng liên lạc trong cự ly 120 ki lô mét, xa hơn nhiều so với máy di động. Sản phẩm được thiết kế chịu đựng được môi trường nước biển có độ ẩm cao, chịu rung xóc.
Hiện đa phần sản phẩm điện thoại di động của doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất tại Trung Quốc, nên không ít người tiêu dùng đã đánh đồng điện thoại thương hiệu Việt Nam với điện thoại Trung Quốc đang bán tràn lan tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thấy được tiềm năng của thị trường đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Tham gia thị trường từ giữa năm 2010, sản phẩm điện thoại P-Phone của tập đoàn Thuận Phát hiện là thương hiệu điện thoại Việt Nam hiếm hoi được sản xuất trong nước. Thuận Phát đã đầu tư 70 triệu đô la Mỹ xây nhà máy sản xuất điện thoại tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, với sản lượng 3 triệu máy/năm.
Ông Bùi Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Sản phẩm công nghệ FPT (F-mobile), cho biết không có thương hiệu điện thoại nào trên thế giới tự sản xuất từ đầu đến cuối. Người ta chỉ thiết kế phần lõi, mẫu mã, phần mềm, còn phần cứng sẽ đi thuê sản xuất và ông cho rằng đây sẽ là con đường ngắn nhất để xây dựng thương hiệu điện thoại Việt Nam.
Theo ông Khánh, mục tiêu của F-mobile là nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, làm cơ sở để phát triển sản phẩm phù hợp. Trên nền tảng sản phẩm phần mềm đã có và đã tạo ra hình hài sơ bộ của chiếc điện thoại, FPT hợp tác với Công ty MTK (Đài Loan) để phát triển hệ điều hành và thiết kế mẫu mã, sau đó thuê Trung Quốc sản xuất. FPT cũng mở văn phòng ở Thâm Quyến (Trung Quốc) để nghiên cứu các xu hướng thiết kế mới cho điện thoại di động.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Viễn thông An Bình, cho biết thời gian trước, Q-moblie chưa đi vào nghiên cứu phát triển mà chỉ tập trung thiết kế, tích hợp công nghệ vào sản phẩm (các công đoạn này có lúc chiếm khoảng 70% giá trị của chiếc điện thoại di động), sau đó thuê Trung Quốc sản xuất rồi đem về bán ở thị trường trong nước. Hiện Q-mobile đã xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển ở Đà Nẵng để tích hợp và quản lý các dự án thiết kế điện thoại di động, phát triển các ứng dụng trên nền tảng di động. “Trong chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ cao, thông thường khoảng 40% thuộc về sở hữu công nghệ, thiết kế và tích hợp, thương mại hóa chiếm khoảng 40%, 20% còn lại dành cho sản xuất và gia công”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết Q-Mobile đặt mục tiêu vượt qua Nokia về số lượng điện thoại tiêu thụ tại thị trường Việt Nam vào cuối năm nay. Bên cạnh đó công ty còn có kế hoạch mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm sang Lào, Campuchia, Myanmar và các nước châu Phi.
Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc tập đoàn Thuận Phát, cho biết ngay khi đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm ngoái, tập đoàn không chỉ nhắm đến thị trường Việt Nam, mà còn mong muốn sẽ đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.Còn ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ CMC, thì lạc quan tin rằng với kinh nghiệm về sản xuất và phân phối, CMC sẽ lọt vào vị trí ba công ty đứng đầu sau một thời gian tham gia thị trường.
Tham gia thị trường điện thoại từ vài năm nay, FPT cũng đang ấp ủ tham vọng chiếm lĩnh thị trường này trong tương lai. Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc tập đoàn FPT, cho biết tập đoàn này đặt mục tiêu phát triển các ứng dụng phong phú cho điện thoại.
Tuy nhiên, để ước mơ vươn ra thị trường toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam thành hiện thực, nhiều doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần xem xét lại chính sách cho sản phẩm “made by Vietnam” thay cho yêu cầu sản phẩm “made in Vietnam”. Ông Minh cho biết: “Q-Mobile là sản phẩm của Công ty Viễn thông An Bình, nhưng khi làm thủ tục hải quan để đưa về Việt Nam vẫn bị nghi ngờ không phải là hàng Việt Nam”.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com