Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện Khởi nghiệp

Vấn đề khởi nghiệp đã và đang là câu chuyện thời sự - kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thực tế đã chỉ ra rằng, khởi nghiệp với sự sáng tạo các giá trị mới và hun đúc tinh thần kinh doanh, đã tạo nên nền tảng tăng trưởng kinh tế - suy cho cùng, đó là mấu chốt cho sự phát triển mỗi quốc gia. Hay nói cách khác, theo các nhà lý luận, đó là một trong những chỉ số về đảm bảo thịnh vượng của một đất nước. Bài học từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã làm sáng tỏ vai trò của khởi nghiệp.

Nhớ lại thời điểm năm 2003, khi Tập đoàn General Engineering (Nhật Bản) thông qua Trung tâm thông tin Kinh tế Bộ Ngoại giao đặt vấn đề với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức một cuộc thi dành cho sinh viên Việt Nam về kỹ năng lập dự án khởi nghiệp, thì dường như vấn đề khởi nghiệp mới bắt đầu chấm dứt thời kỳ tự phát. Thời điểm đó, Tập đoàn General Engineering (GE) đã tài trợ chương trình khởi nghiệp tại rất nhiều quốc gia ở Châu Á, và theo sự nhận định của GE thì với đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, Việt Nam cần có sự đầu tư thích đáng và dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này. Lần đầu tiên, một Cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức tại Việt Nam, với mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Có thể nói, ngay từ đầu Cuộc thi Lập dự án khởi nghiệp của Sinh viên Việt Nam (sau này là Chương trình tổng thể về Khởi nghiệp) đã nhận được sự bảo trợ, ủng hộ tích cực từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các vườn ươm DN, các trường đại học cũng như rất nhiều doanh nhân tâm huyết. Có thể nói, tâm nguyện chung của các nhà tổ chức chính là xây dựng được một nền tảng cơ bản và vững chắc cho phong trào khởi nghiệp. Bà Trần Thị Thủy - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp cho biết, điều khiến bà và các thành viên Ban Tổ chức luôn trăn trở là làm sao để không dừng lại trong khuôn khổ của một cuộc thi. Mong muốn lớn nhất chính là phải khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp trong lớp trẻ, phải xây dựng được một chương trình tổng thể hỗ trợ khởi nghiệp.

Qua 6 năm tổ chức, Chương trình Sinh viên Khởi nghiệp với ý nghĩa tích cực to lớn đã nhận được sự ủng hộ quan trọng từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đã có gần 1 vạn lượt bạn trẻ tham gia với gần 1.000 dự án và ý tưởng kinh doanh. Trong đó đã có khoảng 30 dự án đi vào hiện thực.

Ông Vũ Hữu Kiên- Giảng viên cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đảm đương vai trò cố vấn về ý tưởng kinh doanh và kỹ năng lập dự án kinh doanh của các bạn trẻ chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ rất lúng túng khi xác định và lựa chọn đúng hướng cho con đường khởi nghiệp của mình với những khó khăn cố hữu: ít kinh nghiệm, đoản vốn, hiểu biết không nhiều, quan hệ không rộng. Cần phải có ý tưởng để kinh doanh thành công, khi thành công với ý tưởng đó thì phải tạo lập thương hiệu cho nó. Hãy bắt đầu bằng những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tham gia các tổ chức, hiện diện trên các mối quan hệ... đều là những cơ hội để tạo dựng thương hiệu của chính bản thân mình.

Bất cứ mọi sự thành công, quyết định đều do thái độ của bạn đối với công việc đó. Nó thể hiện bằng sự đam mê với công việc của mình, sự trung thành hết mức với công việc, không ngừng học hỏi để chuẩn bị trí tuệ và tinh thần để có một hành trang đảm bảo một người "đi trên sa mạc thành công". Cùng với đó các bạn phải xây dựng tầm, đó là tính chuyên nghiệp, ví dụ như kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm...

Những trợ lực...

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng một chuỗi hoạt động hỗ trợ các bạn thể hiện ý tưởng sáng tạo kinh doanh của mình. Và để biến các ý tưởng đó thành hiện thực, rất nhiều cánh tay từ phía các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang hướng về phía các bạn. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp bây giờ không phải do vốn, công nghệ, tài nguyên... quyết định mà chính là ý tưởng”. Ban Tổ chức đã luôn cố gắng tổ chức các Hội chợ ý tưởng, Sàn giao dịch ý tưởng; thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu giữa sinh viên với các doanh nhân cũng như thiết lập một cổng thông tin về khởi nghiệp tại địa chỉ www.khoinghiep.org.vn.

Ông Nguyễn Phước Lộc - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam bày tỏ: Thanh niên phải có hoài bão lớn - khát vọng khởi nghiệp là một việc mà Trung ương Đoàn thường xuyên quan tâm và cổ vũ.

Ông Lộc cho biết, nghị quyết Đại hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần thứ 3 mới đây cũng xác định tăng cường tham gia xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp và cho phát triển lực lượng doanh nhân trẻ Việt Nam; tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân trẻ: “Hội Doanh nghiệp trẻ sẽ cùng chung tay hỗ trợ thanh niên học tập và lập nghiệp, cùng hợp sức phát triển cộng đồng; đặc biệt là các chương trình bảo trợ, hỗ trợ cho thanh niên, tham gia tích cực vào phong trào "Năm xung kích và bốn đồng hành" do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX phát động và các hoạt động của chương trình khởi nghiệp kinh doanh do Hội LHTN Việt Nam triển khai, qua đó góp phần bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ tương lai”...

Hi vọng rằng, tất cả những nỗ lực của Ban Tổ chức, các đoàn thể cũng như các doanh nghiệp - doanh nhân sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp - doanh nhân, “hun đúc” nên những doanh nhân trẻ vừa có tâm vừa có tầm - là lực lượng xung kích cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hỗ trợ hiện thực hoá các dự án kinh doanh

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp cho biết, VCCI và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có Chương trình hợp tác toàn diện về "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên và Doanh nghiệp trẻ trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội". Sắp tới Ban Tổ chức, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam sẽ ký kết thoả thuận hợp tác với mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên; hỗ trợ tốt nhất hiện thực hoá các dự án kinh doanh, cụ thể:

1 Trao đổi thông tin, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên.

2   Phối hợp tổ chức thường niên Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp trong khuôn khổ Chương trình tổng thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

3   Tăng cường hợp tác tổ chức các khoá học, các lớp đào tạo hướng dẫn tìm ý tưởng kinh doanh, hướng dẫn lập dự án kinh doanh dành cho sinh viên nói riêng, thanh niên nói chung.

4  Tư vấn, hỗ trợ sinh viên, thanh niên phát triển các ý tưởng kinh doanh thành các dự án kinh doanh; Phát huy vai trò cầu nối tìm kiếm các nhà đầu tư, các Quỹ đầu tư để triển khai các dự án khả thi, góp phần hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh: Tổ chức thường xuyên các Hội chợ ý tưởng, Sàn giao dịch ý tưởng dành cho thanh niên, sinh viên.

5  Kết nối Chương trình khởi sự doanh nghiệp của VCCI hỗ trợ các doanh nhân có ý tưởng kinh doanh và điều kiện khởi sự kinh doanh tốt bắt đầu công việc kinh doanh một cách có hiệu quả và phong trào Tuổi trẻ lập nghiệp do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đề ra, góp phần thúc đẩy thanh niên thi đua lập nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện mới.

(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Hanoimilk và dư vị của “chén đắng”
  • Văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp
  • Hợp tác với Singapore đào tạo về quảng cáo
  • 3 đặc điểm của M&A thời kinh tế khó khăn
  • “Cuộc chiến mẹ con” trong “Vương quốc mỹ phẩm L’Oreal”
  • Những chiêu thức tiếp thị, bán hàng độc đáo
  • Kế hoạch 100 ngày
  • Thương hiệu "Made in China" méo mó vì scandal
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com