Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đằng sau vụ phá sản của CIT Group (Mỹ)

Sau hơn 100 năm hoạt động, tập đoàn tín dụng CIT Group đã phải xin bảo hộ phá sản. Ảnh AFP

Tập đoàn tín dụng CIT (Mỹ) – một công ty tín dụng hơn trăm năm tuổi, chuyên cho vay tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ - đã nộp đơn xin phá sản vào Chủ nhật vừa rồi vì cuộc khủng hoảng tài chính khiến cho tập đoàn không đủ ngân sách hoạt động và nợ xấu tăng cao.

Tuy đã được giới phân tích dự báo trước nhiều tháng nên không có khả năng gây sốc nặng cho hệ thống tài chính trong ngắn hạn nhưng vụ phá sản lớn trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ vẫn dẫn tới những hậu quả bi thảm.

Trước tiên, sự sụp đổ của CIT sẽ làm cho tình hình tín dụng Mỹ thêm căng thẳng và gây thêm áp lực lên nền kinh tế mong manh của Mỹ. Ông Blake Howells, trưởng ban nghiên cứu cổ phiếu của tập đoàn Becker Capital Management ở Oregon nhận định, tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị mất đi một nguồn quan trọng và nhiều tổ chức tài chính sẽ không còn muốn cho nhóm khách hàng này vay thêm tiền nữa.

Đây cũng là một đòn giáng vào Chính phủ Mỹ vì tháng 12 năm ngoái chính quyền Obama đã đầu tư vào CIT Group 2,33 tỉ đô la Mỹ thông qua chương trình cứu nguy tài chính TARP. Số tiền này chỉ có thể được thu hồi trả lại cho người đóng thuế khi doanh nghiệp vượt qua được cơn nguy cấp và bắt đầu kinh doanh có lãi. CIT phá sản khiến cho chương trình TARP của chính phủ phải chịu khoản thất thoát lớn nhất từ trước tới nay.

Theo kế hoạch phá sản CIT được những người nắm giữ trái phiếu thông qua, các chủ nợ sẽ không còn sở hữu công ty nữa. Hầu hết những người nắm giữ trái phiếu sẽ nhận được khoản nợ mới của CIT có giá trị tương đương 70% giá trị danh nghĩa của khoản nợ cũ. Những người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi, trong đó có Chính phủ Mỹ, chỉ nhận được tiền sau khi các chủ nợ khác đã được thanh toán xong. Những người hiện đang nắm giữ cổ phiếu phổ thông sẽ không nhận được gì.

Đối với CIT Group bây giờ, vấn đề là làm sao nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng bảo hộ phá sản càng sớm càng tốt. “Một tổ chức tài chính càng nằm lâu trong tình trạng bảo hộ phá sản thì càng mất khách hàng và giá trị càng suy giảm. Đối với tổ chức tài chính, niềm tin và uy tín đối với khách hàng là điều quan trọng nhất”, giáo sư Jack Williams, chuyên gia về luật phá sản của Đại học Georgia State University nhận định.

CIT Group là một tổ chức tài chính có nguồn vốn chủ yếu từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chiến lược này bộc lộ nhiều điểm yếu khi cuộc khủng hoảng tín dụng bùng phát năm 2007 làm cho chi phí huy động vốn thông qua trái phiếu tăng cao bất ngờ. Nhiều tổ chức tài chính lớn hoạt động theo mô hình này đã lần lượt sụp đổ hoặc phải được cấp cứu, trong đó có Ngân hàng Lehman Brothers, hai tập đoàn tín dụng bất động sản Fannie Mae và Freddie Mac.

Trong lịch sử hoạt động của mình, CIT Group là một trong những tổ chức tín dụng lớn nhất chuyên cho vay tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ - khu vực kinh tế cung cấp việc làm cho một nửa lực lượng lao động của Mỹ và đang trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Barack Obama đã dùng tiền đóng thuế của người dân để hỗ trợ các ngân hàng nhỏ, ngân hàng cộng đồng, nhằm khơi thông việc cho vay đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với vai trò là nguồn cung cấp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập đoàn CIT hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ chính trị của Chính phủ Mỹ, giống như Fannie Mae và Freddie Mac. Tuy nhiên, sau khoản đầu tư 2,33 tỉ đô la Mỹ trong chương trình TARP, hồi tháng 7 vừa qua, cơ quan bảo hiểm tín dụng liên bang Mỹ FDIC đã từ chối rót thêm vốn vào CIT, từ chối cả việc bảo lãnh cho CIT phát hành trái phiếu doanh nghiệp, buộc tập đoàn này phải chật vật tìm những phương thức khác để huy động vốn.

Một nhóm những người nắm giữ trái phiếu của CIT đã đồng ý cho tập đoàn này vay thêm 3 tỉ đô la hồi tháng 7 với điều kiện khoản vay này phải được bảo đảm, một nhóm khác đồng ý chuyển 1 tỉ đô la nợ trái phiếu cũ thành cổ phiếu mới.

Những khoản vay này giúp CIT có thêm thời gian nhưng không đủ để thanh toán khoản nợ 800 triệu đô la đáo hạn vào đầu tháng này và hơn 3 tỉ đô la nữa đáo hạn vào cuối tháng 3-2010.

Tập đoàn dự kiến sẽ giảm được khoản nợ 10 tỉ đô la Mỹ trong vụ phá sản này. Vào giữa năm nay, tập đoàn CIT có tổng tài sản 71 tỉ đô la Mỹ và tổng nợ là 64,9 tỉ đô la Mỹ. Để trấn an giới đầu tư, CIT ra thông báo cho biết, các công ty con đang hoạt động của tập đoàn, cả Ngân hàng CIT, không bao gồm trong hồ sơ phá sản mà vẫn hoạt động bình thường.

(Theo Hải Long // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Reuters)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Treo đầu dê, bán thịt chó
  • Mua hàng trực tuyến 'hút khách' vì khuyến mại
  • Steve Ballmer: "Hợp tác với Yahoo là không giới hạn"
  • Ngành công nghệ sẽ đi đầu trong công cuộc phục hồi nền kinh tế?
  • Học gì qua câu chuyện của Dutch Lady và Big C?
  • Bánh mì Sài Gòn ở Mỹ
  • Năm 2010: Chi tiêu công nghệ phục hồi mạnh mẽ
  • Thiết kế máy tính xách tay - Chuyện chưa kể
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com