Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bánh mì Sài Gòn ở Mỹ

Tại Glover Park, vùng nằm ở tây bắc Washington D.C., một chủ hãng cung cấp suất ăn, người gốc Hà Nội, bà Germaine Swanson, 72 tuổi, từ năm 1978 đến năm 1988, điều hành nhà hàng Germaine nổi tiếng, kể chuyện theo lời thuật của phóng viên Walter Nicholls, tờ Washington Post: “Trước năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, chúng tôi gọi bánh mì kẹp thịt là bánh mì Tây. Nhưng chỉ những người giàu mới ăn nổi bánh mì Tây nhân bơ, pâté và thịt heo nhập khẩu. Khi Tây rút đi, chúng tôi bắt đầu thêm các thành phần châu Á vào, gia vị và rau mùi như ngò, để hạp khẩu vị hơn”. Để thay cho các loại dưa chuột nhập khẩu mắc tiền, người Việt tạo ra món dưa củ cải và càrốt.

Quảng cáo bánh mì kẹp thịt ở Mỹ. Ảnh: TLCK

Tại Falls Church, tìm mua bánh mì kẹp thịt thật dễ dàng. Virginia là nơi mà cộng đồng người Việt đông thứ năm ở Mỹ, với dân số hơn 37.000 người. Vào những ngày cuối tuần, trung tâm Eden, một thương xá của người Việt ở Seven Corners, đông ken người xếp hàng mua bánh mì Sài Gòn bán tại tầng tám, Walter Nicholls cho biết.

Nhưng với người Mỹ, bê nguyên xi bánh mì thịt nguội ở Sài Gòn sang không thể ăn khách. Do đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi những tiệm bánh mì ngon biết chăm chút đến toàn bộ các yếu tố trong ổ bánh.

Lý Lai, 38 tuổi, chủ hiệu thức ăn Sông Quê ở trung tâm Eden, cho biết: “Tất cả chỉ là nhờ gia vị thôi. Bánh mì phải thiệt mới. Dưa chua không được quá chua, hoặc quá ngọt, và phải được xắt thật mỏng, không thì chúng sẽ làm cho bánh mì bị nhão”. Pâté của bà cũng thật ngon. Bà nói: “Nhiều người làm pâté với quá nhiều mỡ heo, nên người ta ăn riết cũng ớn”.

Walter Nicholls nói ông thích bánh mì Sông Quê, nhưng khi cắn tới miếng bánh thứ ba của tiệm Như Lan, ông biết rằng ông đã gặp đúng cái sở thích của mình, ông sẽ quay lại đó. Lúc đó ông mới hỏi người chủ tiệm tên Liễu về bánh mì của bà. “Đầu tiên, tôi thay đổi toàn bộ gia vị”, bà Liễu, 58 tuổi, cho biết tất cả bí quyết cạnh tranh của mình. Cửa hiệu Như Lan mở từ năm 1987, bà Liễu mua lại của người chị của mình chừng hơn ba năm nay. Chị em bà cũng là người gốc Cần Thơ, cái nơi mà Walter Nicholls ăn món bánh mì kẹp thịt đầu tiên trong đời.

Ở một phương trời khác, Calgary, Canada, cũng đang diễn ra cuộc chiến tranh “tàu ngầm”. Tiệm Beef Sate Vietnamese Sub (Bánh mì bò satế Việt Nam) của bà Thi Thi đang chinh phục đông đảo người mê bánh mì. Cách đây 18 năm một cửa hiệu không thể nào nhỏ hơn của bà Thi Thi mở ở khu Chinatown, rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Thai Tai Toasted Asian Sub & Grill là một cửa hiệu bánh mì khác, với món bánh mì kẹp nào gà, tôm và bò, quảng cáo bán với giá chỉ có 6,95 đô Canada. Nhưng từng ấy thứ kẹp vào một ổ bánh khổ baguette một cách bất hợp lý đã làm cho ổ bánh bị nhão. Bạn nhanh chóng ngán tận cổ ngay ở miếng thứ tư, phóng viên Janet McMahen của tờ tuần báo Calgary News and Entertainment, đánh giá.

Kim Anh Vietnamese Submarines được kể là bánh mì mùa hè bá cháy, với bánh mì Beef Satay Sub giá 4,5 đô Canada. Ở đây, thịt bò xắt mỏng và mềm, gia vị đậm đà, rau tươi giòn.

Nhưng nói gì thì nói, phóng viên Janet vẫn bình chọn cho bánh mì Thi Thi là số 1, bán giá 5,25 đô Canada. Bánh mì ở đây gia vị không đậm như bánh mì các quán trên – cho tới khi bạn cắn vào một miếng ớt Chile. Lát thịt bò thơm lựng, hương vị khác biệt, rau giòn hơn, và nước mắm ngon và ngọt hơn. Đáng nói là không có miếng bánh nào bị nhão khi ăn từ đầu đến cuối.

Trong khi đó, ở New York, theo phóng viên Julia Moskin của tờ New York Times, số người Việt không đông bằng Houston, Washington và San Gabriel Valley ở California, và phải mất một thời gian dài để bánh mì kẹp thịt xuất hiện và khẳng định vị thế của nó. Giờ đây có thể tìm mua bánh mì khắp nơi ở New York, từ khu Chinatown, đến Manhattan, Brooklyn và Queens. Có khoảng 12 cửa hiệu bánh mì được ghi vào bản đồ ẩm thực của tờ New York Times. Nhiều hiệu bánh mang những cái tên rất hoài hương như Ăn Chơi, Bánh Mì Sài Gòn, Nhà Tôi, Thanh Đa, v.v.

Ở Chicago, tiệm được nhiều người biết đến như là vua bánh mì Chicago là Ba Lẹ Bakery – một cái tên cũng rất Sài Gòn. Nơi đây, một ổ bánh mì lớn bán với giá, theo tờ Grub Street Chicago, cực rẻ 2,95 USD. Một tiệm khác lại nổi tiếng với món pâté gan là Phở Xe Lửa, ngoài món phở nổi tiếng, còn có hàng loại bánh mì, hầu hết giá dưới 5 USD. Ngoài ra còn phải kể đến bánh mì ở tiệm Phở Xe Tăng và Như Lan Bakery & Sandwiches.

Ở California, nơi có đông người Việt, tiệm bánh mì đã mở ra từ rất sớm và nhiều, nhưng đáng nói gần đây nhất là tại Los Angeles, bánh mì trở nên lưu động với hãng xe thức ăn lưu động Nom Nom Truck hồi đầu tháng chín vừa qua, gồm baguette sandwich và Viet taco. Tháng chín là lúc sinh viên ULCA tựu trường.

Chiếc xe này được sở hữu và điều hành bởi ba thanh niên tốt nghiệp đại học ULCA, đang trong lứa tuổi 20, David Stankunas, Marisa Chien và Jennifer Green. Họ dự định đậu xe tại khu Westside, nơi họ thường lui tới thời sinh viên. Stankunas, một doanh nhân lai Việt, 27 tuổi, nói rằng ông hết sức muốn mở một nhà hàng riêng, nhưng lại lo về vốn.

Khi loại xe Kogi xuất hiện ở thành phố chuyên bán món BBQ, Stankunas đổi ngay kiểu kinh doanh của mình. Tên Nom Nom của hãng có gốc từ ngôn ngữ internet biểu đạt sự thèm thuồng khi nghe nói về món ăn ngon nào đó.

(Theo sgtt)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Năm 2010: Chi tiêu công nghệ phục hồi mạnh mẽ
  • Thiết kế máy tính xách tay - Chuyện chưa kể
  • Người có công đưa Kasati trở thành thương hiệu mạnh
  • Apple "mất trắng" cho Nokia 1 tỷ USD?
  • Kinh doanh ảo, kiếm tiền thật
  • Intel và Qualcomm: Dòm ngó lãnh địa của nhau
  • Google chiêu dụ khách hàng doanh nghiệp của Microsoft
  • Nintendo đưa ra phiên bản DSi mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com