Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Darwin – đi lên từ đổ nát

Miền đất thuộc vùng lãnh thổ Bắc Úc, được vị thuyền trưởng John Clements Wickham của con tàu thám hiểm nổi tiếng Beagle đặt tên vào ngày 9.9.1839, dựa theo tên gọi đáng kính của người bạn đồng hành là nhà Tự nhiên học và Sinh vật học người Anh Charles Darwin.

Sự phát triển của thành phố Darwin xét về mặt kiến trúc diễn ra đầy thăng trầm khi nó phải đối mặt với hai thảm hoạ khủng khiếp đã phá huỷ gần như hoàn toàn các kiến trúc của thành phố. Thăm Darwin 35 năm sau thảm hoạ, thành phố nhỏ bé này đã mang một diện mạo mới.

Khu vực trung tâm ở thành phố Darwin. Các công trình kiến trúc ở Darwin hiện nay đa phần chưa đến 35 năm tuổi

Câu chuyện quá khứ

Darwin được nối kết với thế giới bên ngoài kể từ khi cột điện báo đầu tiên được lắp đặt vào năm 1870, cộng với cơn sốt tìm vàng và gỗ thông ở vùng lãnh thổ này khiến nó càng trở nên nổi tiếng và phát triển mạnh. Các toà kiến trúc đồ sộ được xây dựng khắp nơi ở Darwin với một lối kiến trúc đặc trưng, tường xây bằng một loại đá bản địa màu vàng đất, sàn nhà lót gỗ thông, mái ngói. Và người đóng dấu ấn cho những kiến trúc đầu tiên và đặc trưng này là kiến trúc sư John George (được phong tước hiệp sĩ) bởi hầu hết các toà nhà quan trọng và thiết yếu tại Darwin đều do ông thiết kế và xây dựng.

Nổi bật nhất trong các công trình của kiến trúc sư John George là toà thị chính Palmerston có sức chứa 135 người tại cảng Darwin, khánh thành vào ngày 10.3.1883. Đây là toà nhà quan trọng nhất của thành phố vào thời điểm đó, với nhiều công năng khác nhau, dành cho các hoạt động mang tính xã hội như toà án địa phương, thư viện, phòng đọc sách…

Năm 1885, đối diện toà thị chính là một kiến trúc quan trọng khác cũng do kiến trúc sư John George thiết kế, dùng làm toà nhà thương mại lớn nhất tại Darwin với tên gọi Browns Mart. Toà nhà là nơi tập trung của giới địa ốc, các nhà đấu giá, các đại lý hàng hải, kinh doanh nhập khẩu… chất liệu xây dựng mang tính vĩnh cửu, nổi bật với tường đá màu vàng đất, như muốn khẳng định thêm sự vững chắc trong các kiến trúc chính của Darwin ở vùng lãnh thổ Bắc Úc.

Sự kết hợp cũ – mới trong kiến trúc xây dựng ở Darwin

Tai hoạ ập đến

Tuy nhiên, những kiến trúc cổ được xây dựng ở Darwin cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 tưởng rằng sẽ vĩnh cửu với thời gian, nhưng nó lại đối mặt với những thảm hoạ kinh hoàng do con người và thiên nhiên gây nên.

Đầu tiên phải kể đến là thảm hoạ vào ngày 19.2.1942, khi ấy 188 máy bay chiến đấu của Nhật mở hai đợt tấn công ném bom xuống Darwin, tương tự như cách đánh cảm tử ở trận Trân Châu cảng. Số lượng bom thả xuống Darwin được cho là lớn hơn hẳn số bom dội xuống Trân Châu cảng, và đã cướp đi sinh mạng của 243 người, gây ảnh hưởng tàn phá rộng lớn khắp thành phố, nhiều toà nhà quan trọng bị phá huỷ, trong đó có kiến trúc bưu điện đầu tiên ở Darwin, nhà thờ Chúa Cứu Thế… hư hỏng gần như toàn bộ.

Đến ngày 25.12.1974, cơn bão Tracy đổ bộ vào Darwin cướp đi sinh mạng của 71 người, 650 người bị thương, 47.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão, 41.000 người mất nhà cửa, 35.362 người phải di tản. Sức gió lên đến 217km/h, tất cả mọi cơ sở hạ tầng, điện, nước, thông tin, vệ sinh… đều bị phá huỷ. Hơn 80% các ngôi nhà bị san phẳng hoặc hư hại rất nặng. Chỉ có 400 ngôi nhà đứng vững trong số 11.200 ngôi nhà của toàn thành phố Darwin.

Sức gió đo được từ trạm sân bay Darwin là 217km/h, ngay sau đó trạm đo này bị sức gió phá hỏng, người ta ước tính sức gió của cơn bão lên đến 250km/h. Cơn bão hoành hành khắp thành phố từ 1 giờ sáng, kéo dài trong suốt sáu giờ đồng hồ.

Cơn bão đã tạo nên một cuộc di dân lớn nhất của lãnh thổ Bắc Úc trong thời bình, tổng số người di tản 35.362 người, so với mức dân số hiện tại Darwin khi ấy là 47.000 người. Đây là một thảm hoạ tự nhiên kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Úc.

Và tái thiết

Năm ngày sau cơn bão, dân số Darwin chỉ còn lại 10.000 người, chính quyền thành phố đã chi 300 triệu đôla Úc để tái thiết cơ sở hạ tầng, xây dựng lại hệ thống nhà cửa, đường sá, cầu cống. Việc tái thiết thành phố Darwin một cách nhanh chóng cũng là điều chưa từng xảy ra trong quá khứ, hiện tại và dự đoán cả trong tương lai.

Darwin hôm nay đã mang một diện mạo mới, tất cả các kiến trúc từ quan trọng, đồ sộ nhất cho đến những ngôi nhà bình thường của thành phố có tuổi đời chưa đến 35 năm. Vì vậy có thể thấy sự trẻ trung, những nét mới lạ trong từng toà kiến trúc của thành phố. Với lối xây dựng các toà kiến trúc mới ngay trên nền cũ, và giữ lại gần như có thể những gì là phế tích để đem lại sự hoà hợp giữa cũ và mới trở thành một kiểu xây dựng độc đáo ở Darwin.

Bưu điện đầu tiên của Darwin giờ chỉ còn lại một mảng tường đá nhỏ cũng là một phần của toà nhà thị chính hiện nay ở gần cảng Darwin. Trung tâm thương mại Browns, trên đường Smith được giữ nguyên bản và chuyển đổi công năng thành rạp hát. Riêng toà thị chính Palmerston cũ chỉ còn lại bức tường và phần nền nhà, nhà thờ Chúa Cứu Thế cũng chỉ còn lại cổng vòm và lối vào là nguyên vẹn kiến trúc xưa… Tất cả những đổ nát, phế tích ấy được gìn giữ một cách cẩn trọng như nhắc nhớ một thời thịnh vượng của Darwin để ai từng đến cũng tìm được cho mình những câu chuyện đầy hấp dẫn từ một Darwin – thành phố nhỏ bé miền Bắc Úc.

bài và ảnh: Thiên Ý

Browns Mart, trung tâm thương mại đầu tiên ở Darwin nay là nhà hát. Những bức tường đá từng một thời là biểu tượng trong xây dựng các kiến trúc cổ. Vẻ đẹp cổ kính bình yên ở trung tâm Darwin
Phế tích toà thị chính bị cơn bão Tracy phá huỷ năm 1974. Cổng vào của nhà thờ Chúa Cứu Thế may mắn không bị tàn phá bởi cơn bão Tracy

Vẻ yên bình ở trung tâm thành phố Darwin

Một mảng tường của bưu điện Darwin xưa nối kết với mảng kiến trúc hiện đại

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Con đường chông gai của 4G
  • Thuê bao điện thoại mới: 9 di động mới có 1 cố định
  • Ngành báo chí Mỹ làm ăn sa sút
  • Italy: Các hãng từ điển lớn lao đao vì Wikipedia
  • Vận tải hàng không quốc tế tăng trưởng mạnh
  • Bệnh tòng nhập khẩu
  • Tiền ở đâu ra ?
  • “Hàng hiệu” Việt Nam: Bao giờ lên ngôi?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com