Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để không bị thất thế

Sản xuất nồi sứ ở Doanh nghiệp tư nhân Phương Đông. Ảnh: T.L.

Cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc là điều không tưởng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã tận dụng lợi thế am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư thiết kế sản phẩm, tạo chuỗi giá trị giá tăng, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường. Đó là một trong những giải pháp mang tính sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Biết người, biết ta...

Gần mười năm trước trong bối cảnh hàng kim khí điện máy vẫn còn tăng trưởng với mức hấp dẫn ở thị trường Việt Nam, anh Trịnh Sĩ Minh, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TPHCM, đã sang Trung Quốc đặt hàng máy xay sinh tố, nồi cơm điện, máy nghe nhạc MP3... để mang về nước bán.

Minh kể anh rất khâm phục cách làm ăn của người Trung Quốc bởi vì họ chia phân khúc rất rõ ràng theo đặc trưng của từng vùng miền và thế mạnh của từng đơn vị. Mỗi đơn vị chỉ làm một chi tiết sản phẩm và sản xuất với số lượng rất lớn theo tiêu chí lấy công làm lời. Sau đó doanh nghiệp chuyên về lắp ráp sẽ mua tất cả linh kiện về hoàn thiện thành sản phẩm đưa ra thị trường. Họ tiết kiệm chi phí, từ nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, hạn chế tối đa thời gian lưu kho đến tiết giảm tối đa các chi phí văn phòng, đồng phục nhân viên... nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Không dừng ở đó, các doanh nghiệp lớn (tương tự như doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao) còn hỗ trợ rất mạnh cho người bán lẻ trong việc phân phối hàng hóa. Khách muốn mua hàng số lượng lớn chỉ cần đặt cọc, người bán lẻ sẽ giao hàng trong vòng một hoặc hai ngày.

Từ đầu năm đến nay, trong lúc các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu lãi suất ngân hàng đến 20-24%/năm, thì ở Trung Quốc các doanh nghiệp vay vốn sản xuất chỉ trả lãi suất 6-8%/năm, chưa kể các cơ chế thông thoáng khác để hỗ trợ doanh nghiệp từ phía nhà nước.

Anh Minh phân tích tiếp: trong khi ở Việt Nam, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp quá lớn, nhiều doanh nghiệp lại không thích liên kết, hợp tác để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Ngành công nghiệp phụ trợ ở nước ta hiện nay gần như ở con số không. Chiến lược, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp không rõ ràng, rời rạc, chắp vá. Tự thân các nhà sản xuất phải biết “vùng vẫy, bơi giỏi” mới có thể tồn tại. Biết người, biết ta để thấy rằng các doanh nghiệp trong nước đang bị áp lực rất lớn, chi phí đầu vào cao nên giá thành sản phẩm đội lên là điều tất yếu.

Từng có bốn năm kinh nghiệm nhập khẩu mặt hàng sành sứ Trung Quốc về bán tại thị trường Việt Nam, với doanh số 1 triệu đô la Mỹ/năm, ông Võ Quang Uyên, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phương Đông (Long An), cho rằng “tuyệt chiêu” của các nhà sản xuất bên đó là hiểu được túi tiền của người tiêu dùng nên sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của đối tác bằng mọi giá, đặc biệt là hàng giá rẻ.

Khó khăn cũng là cơ hội

Trong một cuộc khảo sát nhỏ do phóng viên TBKTSG thực hiện vào cuối tháng 6-2011 với một số doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực: may mặc, nồi sứ, ba lô - túi xách, kiếng trang trí, thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức... tất cả đều thừa nhận hàng Trung Quốc giá rẻ đang xâm nhập khắp nơi ở Việt Nam. Điều đáng lo ngại là nhiều hàng hóa nhập khẩu có chứa chất độc hại mà không thấy vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đình Quốc, hiện nay kính trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn sản phẩm của Đình Quốc từ 20-30%. Xác định không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc, hai năm gần đây Công ty Đình Quốc đã thay đổi chiến lược, tập trung cho dòng sản phẩm “giải pháp không gian kính” giàu tính mỹ thuật, thiết kế đẹp mang lại cảm xúc thân thiện với khách hàng ở phân khúc trung cao cấp. Để làm được điều đó, công ty đầu tư khoảng 1 triệu đô la Mỹ vào dây chuyền sản xuất chất lượng cao, thiết kế 3D, mẫu mã đa dạng và đầu tư vào khâu nhân sự.

Ông Quốc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, sự sống còn của doanh nghiệp đang phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất, sự tối ưu hóa chi phí đầu vào, tinh gọn bộ máy sản xuất và tái cấu trúc doanh nghiệp. Thứ hai, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, có khung giá phù hợp với người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp thị, bán hàng tại các vùng miền đang có thế mạnh đối với nhà sản xuất trong nước. Thứ ba, Nhà nước và ngân hàng cần sát cánh với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến, hiện nay các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang bị áp lực chi phí đầu vào gia tăng, thiếu công nhân, mẫu mã không đa dạng, và cũng đang bị người tiêu dùng toàn cầu nhìn với cặp mắt ngán ngại về chất lượng. Đó chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Con đường sống còn của Công ty Minh Tiến trong thời điểm này chính là tăng cường đa dạng hóa mẫu mã, mở rộng kênh phân phối từ TPHCM ra các tỉnh miền Trung, phía Bắc. Các nhà sản xuất trong nước có lợi thế là am hiểu nhu cầu, tâm lý của người tiêu dùng, thuận lợi về vị trí địa lý. Ngoài ra, công ty còn liên kết với một số đơn vị trong các lĩnh vực khác để mở rộng mạng lưới bán hàng”, ông Kiên nói.

Từ một nhà nhập khẩu nay bước vào lĩnh vực sản xuất nồi sứ dùng để kho, tiềm thức ăn, ông Uyên cho biết nhiều thách thức vẫn đang diễn ra nhất là việc xây dựng mạng lưới bán hàng, tuy nhiên cơ hội vẫn đang mở ra. Nồi sứ Phương Đông ra đời đúng vào lúc chúng ta đang kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chính vì thế sản phẩm được sự đón nhận của hệ thống siêu thị Saigon Co.op (tiêu thụ đến 40%), 60% còn lại thuộc về hệ thống bán lẻ và bán sỉ. “Hiện nay tâm lý người tiêu dùng ở nhiều địa phương không mấy mặn mà với hàng Trung Quốc.

Nhiều người đang trở lại sử dụng hàng nội địa vì sản phẩm an toàn hơn. Về độ bền thì hàng nhập khẩu giá rẻ cũng không thể nào so sánh với các sản phẩm đã có thương hiệu trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam có một lợi thế nữa đó là người tiêu dùng tin rằng sản phẩm được sản xuất ở trong nước có nguồn gốc rõ ràng. Trong trường hợp sản phẩm bị trục trặc, hỏng hóc thì cũng có chỗ để khiếu nại, được bồi hoàn”, ông Uyên nhận xét.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Ảm đạm thị trường điện thoại di động
  • Microsoft bắt tay Baidu khai thác thị trường Trung Quốc
  • Wonderbuy: Bán kiểu Mỹ, phá sản kiểu Việt Nam
  • Nhạc sĩ giàu hay nghèo?
  • Thời của nhà tư vấn M&A
  • Siêu máy tính Nhật đè bẹp hàng Trung Quốc
  • Nokia sẽ ra tay giành lại châu Á
  • Nokia và Apple ký thỏa thuận “đình chiến”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com