Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đi trước mới khôn ngoan

Trung tâm thương mại Vincom và khách sạn Caravel là những điển hình về tiết kiệm năng lượng

Một nhà máy với cột khói cao cuồn cuộn, tiếng máy gầm gào và một cao ốc yên ả, “anh” nào “ăn” điện nhiều hơn? Câu trả lời đúng là: chưa thể biết được.

Vừa được khai trương đúng vào dịp mừng 35 năm ngày thống nhất đất nước, Vincom Center (70 - 72 Lê Thánh Tôn, TPHCM) được các chuyên gia trong ngành đánh giá là “Tòa nhà tiết kiệm năng lượng”. Giới marketing - vốn có khả năng khái quát hóa và lãng mạn hóa rất cao - không ngần ngại phong luôn cao ốc này là “Thiên đường Xanh giữa lòng thành phố”. Dẫu sao, thực tế là tòa nhà đã được thiết kế hiện đại, thân thiện với môi trường nên hiệu suất sử dụng năng lượng rất cao.

Từ mới

Ngoài việc tận dụng phát triển các không gian xanh trong và ngoài tòa nhà; tất cả các công trình thuộc Vincom Center đã được sử dụng kính Low-E, một loại kính tiết kiệm năng lượng (TKNL) và nhiên liệu đang “thời thượng”. Đối với khu văn phòng, sử dụng kính Low-E còn giảm được chi phí vận hành điều hòa nhiệt độ, chống lãng phí năng lượng; tăng tuổi thọ cho đồ nội thất, các thiết bị văn phòng và quan trọng nhất là bảo đảm sức khỏe cho nhân viên trong những ngày nắng nóng. Không chỉ sử dụng vật liệu tiên tiến, khi mua sắm trang thiết bị, chủ đầu tư tòa nhà đã lựa chọn các công nghệ tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tiên tiến nhất của thế giới. Đó là hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, hệ thống thông gió và điều hòa không khí tiết kiệm điện năng, được điều khiển bởi hệ thống điều khiển thông minh.

Chủ đầu tư công trình “bật mí”, so với việc sử dụng các loại vật liệu, thiết bị thông thường, chi phí ban đầu nhỉnh hơn từ 10 - 20%. Tuy nhiên, điều này đem lại những lợi ích lâu dài, bởi tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà ước có thể lên tới 30 – 35%, theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Phần Lan. Và theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, mặc dù tỷ trọng tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà ở nước ta hiện nay nói chung chưa bằng tỷ trọng năng lượng tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp; song xu thế này đang thay đổi nhanh chóng. Theo ông Tước và các chuyên gia trong lĩnh vực này, đi trước đón đầu ngay từ khâu thiết kế, xây dựng tòa nhà là một cách làm khôn ngoan. 

… đến cũ

Tuy hạn chế hơn nhiều so với các cao ốc “mới tinh”, nhưng chủ đầu tư nhiều tòa nhà cũ cũng đã nghiên cứu, tìm tòi nhiều giải pháp quan trọng. Nỗ lực của họ đã được đền đáp. Theo ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng quản lý khách sạn Caravelle, khách sạn này đã tiết kiệm được hơn 500.000 kWh/năm, tương đương hơn 1 tỉ đồng và giảm được hơn 200.000kg khí thải CO2 ra môi trường nhờ thay thế các bóng đèn tiết kiệm.  Ngoài ra, việc thay thế, cài đặt lại nhiệt độ và tiết kiệm năng lượng cho lò hơi cũng tiết kiệm được gần 400 triệu đồng/năm, giảm được khoảng 150.000kg CO2 thải ra môi trường.

Tương tự, khi thực hiện các giải pháp thiết kế, vận hành và sử dụng hợp lý, tòa nhà đài truyền hình HTV TPHCM đã tiết kiệm được 10% năng lượng tiêu thụ, tương đương 1 tỉ đồng/năm. Công ty cổ phần du lịch khách sạn Sài Gòn Mũi Né trong hai năm qua đã giảm được hơn 20% tổng chi phí điện năng/năm. Khách sạn Sheraton Hà Nội giảm được 23% tổng chi phí năng lượng/năm và năm ngoái đã đạt giải Nhất cuộc thi “Tòa nhà tiết kiệm năng lượng” do Bộ Công Thương tổ chức… Kỹ sư trưởng Khách sạn Sheraton, ông Nguyễn Văn Chính cho biết, ít ai biết rằng Sheraton là một tòa nhà được cải tạo chứ không phải xây dựng mới từ đầu, do đó việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng có những trở ngại nhất định.  Căn cứ vào thực tế, lựa chọn ưu tiên của ông Chính và cộng sự là hệ thống điều hòa và thông gió. Kỹ sư Chính phân tích, năng lượng cho hệ thống điều hòa chiếm khoảng 50 - 55% tổng điện năng tiêu thụ của cả tòa nhà, trong khi đó, các thiết kế hầu hết đều thừa tải, yêu cầu tải thường không cố định, đặc biệt với 4 mùa ở Hà Nội, có tới 3 mùa (đông, thu, xuân), do đó đây là khâu có thể tiết kiệm năng lượng rất đáng kể.

Bên cạnh đó, cần phải kể tới giải pháp lắp đặt biến tần cho 4 bộ bơm nước lạnh, 4 bộ bơm nước giải nhiệt, 2 bộ quạt tháp làm lạnh, 2 bộ quạt hút bếp, 3 bộ bơm tuần hoàn nước nóng, 3 bộ mô tơ AHU, đồng thời lắp đặt thêm 6 bộ bơm nhiệt... Khách sạn Sheraton Hà Nội là tòa nhà đầu tiên của Việt Nam áp dụng việc lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm nước lạnh một cấp (Primary Chiller Water) từ năm 2006. Bốn bộ bơm công suất 50kW/bộ có lưu lượng thiết kế 20 - 80 lít/giây, sau khi lắp bộ biến tần đã tự động điều chỉnh lưu lượng xuống 28 - 40 lít/giây, đủ thỏa mãn yêu cầu của khách mà lại tiết kiệm được 55 - 59% điện năng.

Hệ thống bơm giải nhiệt (Condenser Water Pump) cũng đã được đội ngũ nhân viên kỹ thuật ở đây cải tiến rất hiệu quả. Bốn bộ bơm có thông số thiết kế 22kW/bộ, lưu lượng 22 - 76 lít/giây, nhưng khi lắp biến tần (cài đặt theo yêu cầu tải và nhiệt độ) đã giảm suất tiêu hao điện năng xuống còn 11 - 14kW, tiết kiệm được 50 - 33% lượng điện tiêu thụ. Thực tế cho thấy đây là biện pháp tiết kiệm rất tốt cho quá trình vận hành trong suốt các mùa đông, thu, xuân và giữ cho hệ thống điều hòa ở trạng thái vận hành tối ưu. Tương tự, với toàn bộ hệ thống quạt tháp giải nhiệt và quạt hút bếp đều được lắp các biến tần nhằm tự động điều khiển tốc độ quạt bằng cảm biến nhiệt độ. Tính ra, sau 32 tháng lắp đặt biến tần, tổng điện năng tiết kiệm được là 1.601.700 kWh, tính thành tiền là 152.000 USD...

Thỏa thuận với các nhà cung cấp thiết bị đầu tư lắp đặt thiết bị trước và trả dần theo số tiền thu được tư TKNL hàng tháng có thể giúp chủ đầu tư giảm được gánh nặng về vốn ban đầu.

Việc lắp đặt 6 bộ bơm nhiệt (Heat Pump) trong tòa nhà là một sáng tạo khác, giúp tiết kiệm được 300 lít dầu/ngày (87.000 lít/năm) và còn tạo ra 120KW không khí mát/giờ, đồng nghĩa với việc giảm tiêu thụ một lượng điện không nhỏ, đưa tổng số tiền tiết kiệm được lên tới 53.000 USD/năm...

Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô

Vẫn theo Kỹ sư Nguyễn Văn Chính, thực tế triển khai tiết kiệm năng lượng ở Sheraton Hà Nội cho thấy, thời gian hoàn vốn chỉ từ 1 - 2,5 năm, sau thời gian đó, số tiền thu được từ tiết kiệm năng lượng hoàn toàn tính vào lợi nhuận của khách sạn.

Thông thường, khó khăn đầu tiên (và là cản ngại rất lớn) là chủ đầu tư phải... chịu chi. Nhưng có một cách để giảm gánh nặng về vốn cho các nhà đầu tư - ông Chính gợi ý - là thỏa thuận với các nhà cung cấp thiết bị để đầu tư lắp đặt thiết bị trước và trả dần theo số tiền thu được từ tiết kiệm năng lượng hàng tháng. Giải pháp này sẽ đặc biệt hiệu quả khi được ngân hàng bảo lãnh và hỗ trợ lãi suất.

Yếu tố tiếp theo là nhân lực. “Người quyết định áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng phải có đủ trình độ để tự tin đề xuất với Ban quản lý và chủ đầu tư. Nếu không hiểu rõ nguyên lý và giải pháp, người ta sẽ có tâm lý ngần ngại, giữ an toàn, không tội gì “ôm rơm nhặm bụng”. Tốt hơn cả là người phụ trách kỹ thuật của các tòa nhà tham vấn và phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia về tiết kiệm năng lượng” - Kỹ sư trưởng Sheraton đề xuất.

(Theo Ngọc Khánh // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Google sẽ có tablet cạnh tranh với iPad
  • Bác sĩ - nghề hốt bạc ở Mỹ
  • Cơ hội hốt bạc từ những căn nhà bị tịch biên
  • Kinh doanh mùi: 3 USD một lần ngửi
  • Hàng không nội địa: Cạnh tranh hay ỷ thế 'ông lớn'?
  • Khó khăn vẫn còn ở phía trước
  • Đầu tư cho tương lai
  • Những CEO kiếm bộn nhất Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com