Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ tư vấn: Trăm hoa đua nở

Trung tâm dịch vụ hỗ trợ khách hàng của FPT. Ảnh: Mạnh Huy.

Trên thị trường dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại hình mới như trung tâm dịch vụ hỗ trợ khách hàng (contact center), cho thuê phần mềm, cho thuê trung tâm dữ liệu, tư vấn CNTT…


Các dịch vụ CNTT được cung cấp ngày càng nhiều và đa dạng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của việc ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp và tổ chức…

Phần lớn các dịch vụ CNTT được thực hiện bởi các công ty CNTT trong và ngoài nước từ việc phát triển thêm hướng kinh doanh mới của các công ty này.


Dịch vụ CNTT đang phát triển mạnh trong một hai năm nay do các doanh nghiệp ứng dụng CNTT muốn được sử dụng những dịch vụ chuyên nghiệp mà không cần phải duy trì đội ngũ CNTT tại doanh nghiệp để thực hiện công việc này. Họ muốn thuê các dịch vụ CNTT để có thể tập trung hơn vào lĩnh vực chính của mình nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.


Cho thuê phần mềm

Vài năm trước, bộ phận phần mềm của tập đoàn HP toàn cầu chỉ bán những giải pháp phần mềm do mình thiết kế. Sau này, do nhu cầu của thị trường, HP đã bổ sung thêm mảng tư vấn giải pháp và cho thuê phần mềm vào bộ phận phần mềm để đa dạng hóa dịch vụ kinh doanh.

Ông Vũ Mạnh Cường, phụ trách phát triển kinh doanh, bộ phận giải pháp phần mềm của tập đoàn HP tại Việt Nam, cho biết: “Thuê phần mềm đang là một xu hướng mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiện HP đang có một số khách hàng lớn trong lĩnh vực ngân hàng và viễn thông tại Việt Nam quan tâm tới việc thuê phần mềm để sử dụng nhằm giảm thiểu chi phí hoặc đáp ứng những nhu cầu sử dụng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều hình thức này.”


Không chỉ kinh doanh dịch vụ đào tạo trực tuyến, Công ty AI còn bán và cho thuê phần mềm đào tạo trực tuyến. Ông Hoàng Ngọc Trung, Giám đốc Công ty AI, cho biết công ty này đã có một số khách hàng sử dụng dịch vụ thuê phần mềm và lượng khách hàng đang tăng lên trong thời gian gần đây.


Ông Trung phân tích, so sánh giữa việc mua với thuê phần mềm thì việc thuê sẽ có hiệu quả kinh tế hơn nhiều cho các doanh nghiệp sử dụng. Vì với phần mềm đào tạo trực tuyến của AI, nếu mua thì các tổ chức và doanh nghiệp phải trả mức giá trung bình là 300-350 triệu đồng cho việc mua bản quyền, kèm theo phí nâng cấp bảo trì mỗi năm 10-20 triệu đồng.


Trong khi đó, với khoản kinh phí ấy, các doanh nghiệp có thể dùng để thuê phần mềm trong vài năm. Và khi đi thuê phần mềm, đơn vị sử dụng phần mềm lại không phải duy trì đội ngũ nhân sự vận hành hệ thống phần mềm đã đầu tư như thông thường mà công việc này sẽ được nhà cung cấp dịch vụ đảm nhận.


Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Đại học Bách khoa Hà Nội (BKIS), cho biết nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, thời gian tới, BKIS cũng xúc tiến dịch vụ cho thuê phần mềm văn phòng điện tử e-Office.


Ông Quảng cho rằng, trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, hoạt động bảo trì-bảo hành sản phẩm và hỗ trợ khách hàng là khâu quan trọng. Do đó, nếu mảng dịch vụ cho thuê phần mềm phát triển thì các đơn vị cung cấp phần mềm sẽ có cơ hội tập trung đẩy mạnh việc hỗ trợ sau bán hàng. Đây cũng là động thái thúc đẩy cạnh tranh để có những sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt.


Ông Quảng cũng cho biết việc đi thuê phần mềm không chỉ có lợi cho người sử dụng dịch vụ mà còn có lợi cho cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Bởi với các doanh nghiệp phần mềm, việc cho thuê hay bán phần mềm đều phải hỗ trợ dịch vụ, vì thế phải luôn bảo đảm sản phẩm có chất lượng cao mới thu hút được khách hàng. “Tuy nhiên, thuê phần mềm đang là xu hướng dịch vụ CNTT mới, phải vài năm nữa mới phổ biến tại Việt Nam.” ông Quảng nói.


Trung tâm dịch vụ hỗ trợ khách hàng


Cùng với dịch vụ cho thuê phần mềm, hỗ trợ khách hàng (giải đáp một số thắc mắc và tư vấn về dịch vụ cho khách hàng qua điện thoại) cũng là một dịch vụ CNTT mới xuất hiện trong những năm gần đây và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Hiện nay một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, MobiFone… đang phải duy trì những trung tâm dịch vụ hỗ trợ khách hàng với hàng chục, hàng trăm nhân sự. Tuy nhiên, xu hướng sắp tới là các doanh nghiệp có thể thuê dịch vụ này với chi phí hấp dẫn hơn được cung cấp bởi các đơn vị chuyên nghiệp.


Ông Quảng cho biết, hiện BKIS cũng có bộ phận trung tâm dịch vụ điện thoại hỗ trợ khách hàng khá quy mô. Do nhu cầu của các doanh nghiệp chưa cao nên trung tâm này chỉ mới phục vụ cho BKIS. Tuy nhiên, nắm bắt trước được nhu cầu về dịch vụ này trong tương lai, BKIS đã thành lập trung tâm này với thiết kế hiện đại và có thể mở rộng quy mô để cung cấp dịch vụ ra bên ngoài khi nhu cầu tăng cao. “Dự kiến, đến giữa năm sau, BKIS có thể cung cấp dịch vụ này cho khách hàng,” ông Quảng cho biết.


Ông Trần Mạnh Huy, Giám đốc Trung tâm BPO của Công ty Dịch vụ hệ thống thông tin FPT (FPT-IS), cho biết hiện FPT đã cung cấp dịch vụ contact center cho các doanh nghiệp Nhật từ vài năm nay. “FPT-IS chưa cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dịch vụ cho các khách hàng nước ngoài có giá khoảng bảy đô-la Mỹ mỗi giờ. Với khách hàng Việt Nam thì mức giá có thể chỉ bằng một nửa, hiệu quả kinh doanh không cao. Tuy nhiên, nếu cung cấp dịch vụ này cho khách hàng Việt Nam sẽ có thể loại bỏ được một vài yếu tố (ví dụ không cần nhiều đến ngoại ngữ) nên thời gian tới có thể FPT sẽ đẩy mạnh việc cung cấp cho khách hàng Việt Nam,” ông Huy cho biết.


Mặc dù cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài, nhưng trung tâm vẫn có thể đặt tại Việt Nam. Nhờ vậy, việc xây dựng đội ngũ nhân viên cung cấp dịch vụ này cũng đơn giản.


Tư vấn CNTT


Tại Việt Nam hiện có các dịch vụ tư vấn CNTT như tư vấn kế hoạch CNTT dài hạn cho một ngành (hải quan, ngân hàng…); tư vấn thiết kế tổng thể xây dựng một hệ thống CNTT giải quyết những bài toán nghiệp vụ lớn; tư vấn chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng CNTT; tư vấn xây dựng từng hạng mục CNTT riêng lẻ (hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ, hệ thống bảo mật…); tư vấn lập hồ sơ thầu…


Ông Đỗ Cao Bảo, Tổng giám đốc FPT- IS, cho biết hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn CNTT trong nước đang gặp những “trở ngại lớn” từ các doanh nghiệp nước ngoài. Năng lực và kinh nghiệm của các đơn vị này thường yếu nên rất ít công ty có khả năng tư vấn những dự án CNTT lớn. Trong khi đó, các đơn vị tư vấn CNTT nước ngoài rất chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, các hợp đồng tư vấn cho dự án lớn đều vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị trong nước thường chỉ đóng “vai phụ”.


Ông Bảo đề xuất: để đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ tư vấn CNTT trong nước, trước mắt việc Nhà nước vẫn sử dụng nhà tư vấn nước ngoài với những hệ thống thông tin lớn tầm cỡ quốc gia. Trong tương lai, khi năng lực các công ty trong nước được nâng cao, có thể để họ chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn nước ngoài.


Còn ông Cường nhận xét, trừ những dự án lớn, hiện Việt Nam vẫn còn xem nhẹ vai trò tư vấn CNTT, trong khi nếu tư vấn tốt sẽ xác định được phạm vi, yêu cầu và mục đích các công việc làm cho dự án dễ thành công và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông Cường cũng nhận định hiện các đơn vị ứng dụng CNTT đã dần hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc thuê các dịch vụ CNTT, nên thời gian tới thị trường cung cấp các dịch vụ này sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

(Theo Vân Ly // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Thị trường ĐTDĐ phục hồi sau 3 quý 'liểng xiểng'
  • Thị trường video game tiếp tục rơi tự do trong tháng 7
  • “Nửa mặt trời vàng”, sứ mệnh của một tác phẩm kinh điển
  • Mariah Carey lại sản xuất nước hoa
  • Thưởng dập xe cũ ở Mỹ: Xe nhỏ thắng lớn
  • Cuộc chiến mỳ ăn liền
  • Đồng hồ Thụy Sĩ xâm nhập thị trường Việt Nam
  • Cái giá của vinh dự
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com