Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Google đang dần mất “đất” tại Trung Quốc

Bất chấp quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với chính phủ Trung Quốc, các nhà điều hành Google vẫn kỳ vọng có thể tiếp tục giữ được tốc độ phát triển tại quốc gia này. Tuy nhiên, một năm sau khi Google gỡ bỏ dịch vụ tìm kiếm khỏi Trung Quốc, “gã khổng lồ” về Internet này đang phải vật lộn với việc duy trì sức cạnh tranh đối với một loạt các đối thủ khác tại Trung Quốc. 

Sơ đồ thị phần của Google tại Trung Quốc

Hết đường làm ăn

Công ty truyền thông trực tuyến Trung Quốc Sina Corp cho biết trong tuần này công ty đã gỡ dịch vụ tìm kiếm của Google khỏi trang chủ của mình, đặt dấu chấm hết cho một trong những đối tác quan trọng nhất còn lại của Google tại thị trường Trung Quốc.

Cùng thời điểm đó, dịch vụ thư điện tử miễn phí Gmail của Google cũng trở nên khó khăn để sử dụng tại Trung Quốc, rất nhiều công ty cáo buộc việc tăng cường kiểm duyệt đã làm gián đoạn việc truy cập vào Gmail.

Hồi đầu tháng 3, Google đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc gây ảnh hưởng đến Gmail. Song, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

Ngoài ra, những quy định mới nhằm thắt chặt những sai sót của các nhà cung cấp bản đồ trực tuyến đã khiến tương lai của dịch vụ Google map ở Trung Quốc trở nên không mấy sáng sủa. Hôm qua (31/3), hạn chót cho việc xin giấy phép mới của các nhà cung cấp bản đồ trực tuyến, Google cho biết công ty này vẫn đang trong quá trình đàm phán với chính phủ Trung Quốc làm thế nào để công ty này có thể tiếp tục triển khai dịch vụ bản đồ trực tuyến. Google không đưa ra bất cứ nhận xét nào về kết qủa của các cuộc đàm phán.

Thêm vào đó, điện thoại Android được cung cấp chính thức tại Trung Quốc bởi công ty Motorola Mobility Holdings Inc đã cài đặt các đường link tìm kiếm của Baidu và Microsoft Corp.'s Bing, nhưng không có Google.

Theo công ty nghiên cứu Analysys International, trong quý 4/2010, Google nắm giữ 19,6% thị phần trong thị trường công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc, giảm mạnh so với cùng thời điểm năm 2009 là 35,6% - thời điểm trước khi Google tuyên bố rút dịch vụ tìm kiếm web khỏi nước này.

Trong lúc sức cạnh tranh của Google yếu đi thì đối thủ của Google tại Trung Quốc là Baidu Inc. đã phát triển mạnh mẽ với thị phần mà công ty này nắm giữ trong thị trường dịch vụ tìm kiếm tại Trung Quốc đã tăng lên tới 75,5% trong quý 4/2010, con số này trong năm 2009 là 58,4%.

Tự vào thế khó 

Sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc, một số nhà phân tích thậm chí đã cho rằng Google có thể sẽ rút hết các dịch vụ của mình khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Google vẫn cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhạc tại Trung Quốc và giữ các hoạt động khác như bán hàng và nghiên cứu. Dịch vụ tìm kiếm web của Google đang đặt tại Hồng Kông nhưng thường không ổn định.

Người phát ngôn của Google Jessica Powell cho biết hôm thứ 5 (31/3) tốc độ phát triển tại Trung Quốc không phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm web của Google tại Trung Quốc, và công ty này tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc bán các gói quảng cáo trên các website quốc tế của nó mà các công ty Trung Quốc mua để tiếp cận với những người sử dụng ở nước ngoài, cũng như việc quảng cáo tại website của bên thứ 3. Google tiếp tục làm việc với “hàng trăm đối tác” lớn và nhỏ tại Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 1, Chủ tịch Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Daniel Alegre cũng cho biết Google vẫn sẽ “chiến đấu” với Trung Quốc và đầu tư “mạnh mẽ” vào nước này. Tuy nhiên ông này không nói rõ cụ thể kế hoạch đầu tư như thế nào.

Theo các nhà điều hành Google thì mối quan hệ đối tác của họ với những website phổ biến tại Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công ty này tăng cường sự phổ biến của nó đối với những người sử dụng Internet tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, những bản hợp đồng của Google cung cấp công nghệ và dịch vụ tìm kiếm web với các đối tác như công ty điều hành diễn đàn trực tuyến Tianya.cn và Tom Group Ltd cũng đã dần kết thúc.

Bản báo cáo minh bạch của Google (Transparency Report) cho thấy việc làm ăn thu được từ những người sử dụng Internet tại Trung Quốc đã giảm dần so với mức trung bình toàn cầu, xuống dưới 20%. Trước khi Google quyết định rút khỏi là 30%.

Trong khi đó, các hãng truyền thông tại Trung Quốc cũng đang đưa ra những sản phẩm tìm kiếm web và blog cá nhân của mình. Trong tháng 2, People’Daily - tạp chí hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thuê lại trụ sở Viện nghiên cứu của Google tại Trung Quốc.

Hao Wu - Tổng giám đốc của Daodao, chi nhánh tại Trung Quốc của trang web du lịch TripAdvisor thuộc công ty Expedia Inc. nhận định: “Từ góc nhìn về sự phát triển Internet tại Trung Quốc và những lựa chọn của người sử dụng thì quyết định của Google là “một bước thụt lùi”.

Một số những ý kiến khác cũng cho rằng, Google là người thiệt thòi nhất trong quyết định này. Bill Bishop - một nhà đầu tư tại Bắc Kinh theo đuổi ngành công nghiệp Internet tại Trung Quốc, đã chỉ ra sự phát triển ngày một nhanh của các công ty Intrernet Trung Quốc, bao gồm một loạt các dịch vụ công cộng trong lĩnh vực Internet từ khi Google quyết định rút khỏi. Nhà đầu tư này cũng khẳng định: “Internet Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, Google đã tự đẩy mình vào thế khó khi hành động như thế”.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp // Wall Street Journal)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Audi đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử
  • Giải bài toán tồn kho
  • Dễ mất đơn hàng lớn nếu thiếu trách nhiệm xã hội
  • Lãnh đạo Mercedes-Benz ‘kiếm đậm’ năm 2010
  • Dán nhãn so sánh năng lượng Việt : Tăng sức cạnh tranh sản phẩm
  • CEO trẻ nhất thế giới mới 14 tuổi
  • 10 công việc 'hot' nhất năm 2011
  • OPEC sẽ thu về 1.000 tỷ USD nếu giá dầu tiếp tục leo cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com