Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khốc liệt thị trường bia

Công ty liên doanh Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) - nơi đang sản xuất các nhãn hàng như Heineken, Fosters, Tiger, Larger, Larue, BGI - thành viên của Tập đoàn APB (Singapore) tại Việt Nam vừa đề nghị mở rộng năng lực hoạt động thêm 100 triệu lít/năm, đạt 400 triệu lít/năm.
 
Một quan chức của Bộ Công thương cho hay, việc đề nghị nâng công suất thêm 100 triệu lít bia/năm nay của VBL là khó tránh, khi sản xuất của doanh nghiệp đã chạy hết công suất hiện hành.  Nếu không, họ sẽ nhập khẩu từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Việc nhập khẩu trên không khó khăn, bởi hiện tại, các mặt hàng bia ngoại 100% đã có mặt nhan nhản tại các siêu thị, nhà hàng trong cả nước. Trước đó, VBL đã đề nghị được nhập khẩu 350.000 thùng bia Heineken lon trong các tháng 11, 12/2010 và tháng 1/2011 để “đáp ứng nhu cầu thị trường phát sinh các tháng cuối năm 2010 và cận Tết”.

Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1991 với nhà máy bia đầu tiên có công suất 50 triệu lít/năm, tới năm 2010, năng lực sản xuất của các nhà máy thuộc Tập đoàn APB tại Việt Nam là khoảng 470 triệu lít/năm. Đáng nói là, năng lực này đã được phát huy hoàn toàn.

Tuy nhiên, không chỉ có các nhà máy bia đến từ các nhà đầu tư ngoại gia tăng hoạt động tại thị trường Việt Nam, hai “đại gia” của ngành bia nội là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài gòn (SABECO) và Tổng công ty Bia- Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) đều gia tăng mạnh năng lực sản xuất.

Năm 2010, sản lượng của SABECO đạt hơn 1,1 tỷ lít bia và tiêu thụ cũng xấp xỉ mức đó. Còn HABECO đạt 568 triệu lít bia.

Tuy nhiên, dư địa cho sản xuất bia dường như vẫn còn rất lớn. Ước tính của Bộ Công thương về lượng bia tiêu thụ năm 2010 là khoảng 2,7 tỷ lít. Còn theo ông Nguyễn Tuấn Phong, Chủ tịch HĐQT HABECO, mức tiêu thụ có thể cao hơn một chút, khoảng 2,8 tỷ lít bia cho năm 2010.

Thực tế cho thấy, cùng với tốc độ gia tăng dân số nhanh và vững, sản lượng bia ở Việt Nam cũng đã tăng theo, từ mức 1,29 tỷ lít năm 2003 lên 1,37 tỷ lít năm 2004; 1,5 tỷ lít năm 2005; 1,7 tỷ lít năm 2006; 1,9 tỷ lít năm 2007 và trên 2 tỷ lít năm 2008. Khoảng 2 năm trước, Bộ Công thương cũng đã phải điều chỉnh lại dự báo, nâng tổng sản lượng bia trong nước đạt 2,7 tỷ lít, tăng 45% so với năm 2007 và tăng hơn con số 2,5 tỷ lít được ước tính vào thời điểm năm 2004 khi lập Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành bia đến năm 2010.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho hay, khi bắt đầu triển khai quy hoạch phát triển ngành bia vào năm 2004, tiêu thụ bia của một tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ 10 triệu lít/năm. Tuy nhiên, tới năm 2010, tiêu thụ bia đã tăng rất mạnh, như tỉnh Bạc Liêu cũng đã sản xuất 40 triệu lít/năm, Sóc Trăng 50 triệu lít/năm, hay Cần Thơ cũng đạt sản lượng 70 triệu lít/năm.

Cùng với sản lượng bia nội địa tăng mạnh, nhập khẩu bia cũng gia tăng không kém. Chuyên gia của một doanh nghiệp bia lớn cho hay, năm 2010, nhập khẩu bia chính ngạch vào Việt Nam ước đạt 40 triệu lít. Tuy nhiên, con số nhập khẩu không chính ngạch mặt hàng giải khát này cũng được chuyên gia trên cho là không nhỏ khi ước xấp xỉ 100 triệu lít.

“Ở một mặt nào đó, sự xôm tụ này đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, nhưng đối với các nhà sản xuất, để có chỗ đứng trên thị trường quả là điều không dễ dàng”, ông Dũng nói.

Nhiều “kỵ sĩ” dù có không ít kinh nghiệm trận mạc, nhưng đã bị “ngã ngựa” đau đớn như trường hợp của bia BGI (thuộc sở hữu của Castel Group, Pháp), bia kiểu Úc Foster's hay cuộc chia tay tức tưởi của sản phẩm “bia tươi đóng chai đầu tiên tại Việt Nam” Laser với các nhà đầu tư đầu tiên đã diễn ra trên thị trường. Thị trường bia vẫn tiếp tục hấp dẫn với mức tăng trưởng tốt, dù kinh tế có nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát của tổ chức Euromonitor, tăng trưởng của ngành công nghiệp bia Việt Nam đạt 9-10%/năm. Nhưng ông Dũng cho rằng, trong vài năm trở lại đây và tiếp theo, mức tăng trưởng còn đạt khá cao (15-18%). Những dự báo này cũng hứa hẹn những “cuộc chiến” bia khốc liệt, với 3 loại “vũ khí” chiến lược là sản phẩm, kênh phân phối và chiến dịch quảng bá.

Theo ông Văn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại SABECO, cuộc chiến giành thị phần bia ở Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư nhắm tới. Thậm chí, có rất nhiều hình thức cạnh tranh thiếu văn hóa đã được thực hiện, như treo thưởng cao khi dỡ biển hiệu của hãng khác, hay trong vai khách hàng to tiếng nói xấu công khai về chất lượng của một đối thủ...  

Dẫu vậy, sức hút từ thị trường vẫn quá lớn để các nhà đầu tư không ngại tham gia cuộc giành thị phần đầy hấp dẫn.

(Theo Báo đầu tư)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Ba rào cản với tăng trưởng doanh nghiệp
  • Dell công bố mức doanh thu kỷ lục trong năm 2010
  • 10 nghề “tệ” nhất ở Mỹ năm nay
  • Nokia “kết hôn” với Microsoft, có đẻ ra đại bàng?
  • Bí quyết trở thành nhà môi giới thành công
  • Viettel vào top 20 mạng viễn thông lớn nhất thế giới
  • Mua bán sát nhập tăng mạnh trong năm 2011
  • L'Oreal kinh doanh thành công trong năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com