Nhiều chuyên gia chung quan điểm, sau khi đem sản phẩm giới thiệu ở những vùng sâu xa, doanh nghiệp nội phải chủ động tạo chân rết phân phối cho mình, chứ không phải dừng lại ở việc đi bán hàng lưu động.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) trong hơn 1 năm nay đã tổ chức được 46 phiên chợ đưa hàng Việt về các vùng sâu, xa khắp trong Nam ngoài Bắc.
Với đó, tổng doanh số của các doanh nghiệp tham gia, theo thông báo đã đạt khoảng 31 tỷ đồng, thu hút trên 600.000 lượt người dân tham gia mua sắm.
Song tổng kết giai đoạn 1 của chương trình, bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc BSA cho rằng, điều đáng mừng không nằm ở mức tăng của doanh số, mà chính là việc doanh nghiệp đã tự đứng ra tổ chức thị trường nông thôn của mình.
Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục trên con đường đưa hàng Việt đến với đông đảo bà con hơn bằng cách tăng thêm đội ngũ nhân lực, sắm thêm xe và các thiết bị chuyên dụng, vừa đi vừa quảng bá hình ảnh, giới thiệu và bán sản phẩm.
Sau khi gặp gỡ, tiếp xúc, trực tiếp nắm bắt, ghi nhận được các yêu cầu, thị hiếu của bà con, nhiều doanh nghiệp đã cho ra đời những sản phẩm, thiết kế mới, phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, việc đưa hàng về vùng sâu, xa cũng chính là một cuộc “khám sức khoẻ” đối với mạng lưới phân phối của doanh nghiệp.
Bà Kim Hạnh nói: “Doanh nghiệp có thể đi bán lưu động, nhưng chúng tôi không khuyến khích hình thức này, mà ở đây chủ yếu mang ý nghĩa đưa hàng giới thiệu, tiếp cận thị trường ở những vùng sâu xa nhất, qua đó thiết lập, củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sở tại”.
Tâm niệm “chỉ có xây dựng chuỗi tiếp thị, phân phối thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới bền vững”, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng chỉ ra, về lâu dài không phải chúng ta cứ đi theo mô hình đưa hàng đi bán lưu động, bán xong là xong, khi người tiêu dùng cần mua thì không biết tìm ở đâu, mà phải là tạo chân rết, mạng lưới bán lẻ ở thị trường nông thôn.
Việc cần làm hiện nay là tăng cường khả năng phối hợp, liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối bán buôn, bán lẻ, các siêu thị trong việc đưa hàng về các thị trường xa xôi hẻo lánh để không bị trừng lặp, gây lãng phí thời gian, công sức, chi phí vận chuyển lưy thông. Tiếp theo phải tiết giảm chi phí, tận dụng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở địa phương để bán hàng Việt cho các khu vực này. Đồng thời thường xuyên theo sát, nắm bắt và đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng sở tại.
Muốn vậy, nhà sản xuất phải nhận thức trước tiên về việc cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm; tính toán xây dựng một cơ chế tích luỹ kinh phí xúc tiến thương mại hàng Việt ngay từ trong mỗi doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công tác này.
Còn về phía nhà nước, cần hỗ trợ doanh nghiệp nội về cơ chế, chính sách, tài chính, đất đai nhằm phát triển các khu siêu thị và hệ thống hạ tầng bán lẻ. Siết chặt và làm hiệu quả hơn công tác quản lý thị trường, chống hàng lậu, giả, nhái. Đặc biệt, Nhà nước – bộ máy chi tiêu, mua sắm rất lớn cần phải gương mẫu đi đầu trong ưu tiên tiêu dùng hàng Việt – ông Phú khuyến nghị.
(VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com