Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hướng đi của truyền hình trả tiền

Dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đang thiếu một hành lang pháp lý để cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Toàn.

Mới đây, dư luận đã phản ứng khá gay gắt quanh vụ liên doanh K+ phát sóng độc quyền Giải bóng đá ngoại hạng Anh trên một gói dịch vụ được thiết kế với giá cao gấp 2-3 lần giá các gói dịch vụ truyền hình trả tiền thông thường. Sự việc này cùng với thực tế hoạt động của dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay đã phần nào cho thấy công tác quản lý hoạt động này còn khá nhiều việc phải làm.

Chưa lường hết thực tế

Trước khi xảy ra vụ K+, dự thảo Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền đã được Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT ) trình Chính phủ. Theo ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, có thể Chính phủ sẽ thông qua quy chế này trong ít ngày tới.

“Khi chấp bút cho quy chế này, bộ cũng đã nghĩ đến việc phải hình thành một đầu mối chuyên mua bản quyền các chương trình truyền hình rồi về phân phối lại, để tránh tình trạng độc quyền phát sóng hay cạnh tranh mua bản quyền đẩy giá lên cao. Song, lúc đó các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình đã phản ứng về việc đầu mối này có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, hạn chế cạnh tranh... Cuối cùng, bộ đã bỏ nội dung này ra khỏi quy chế. Đến giờ, chính những đơn vị trước đây phản đối nhiều nhất lại lên tiếng nhiều nhất về việc K+ độc quyền”, ông Hải nói.Bộ TTTT cũng cho rằng đơn vị đầu mối đó phải độc lập, hoạt động công ích, không được kinh doanh và thu lãi trong việc đàm phán bản quyền. Nếu để các đơn vị kinh doanh đi đàm phán thì sẽ khó tránh khỏi việc đặt mục đích lợi nhuận lên đầu. Do đó đầu mối này nên là một tổ chức thuộc dạng đơn vị sự nghiệp của Nhà nước hoặc hiệp hội.

Ông Hải nói: “Nhiều việc dùng mệnh lệnh hành chính hay luật pháp sẽ không điều chỉnh được đầy đủ mà phải thông qua các tổ chức và đoàn thể như thành lập hiệp hội”.

Được biết, hiện Bộ TTTT đang nhanh chóng xúc tiến để sớm ra đời hiệp hội truyền hình trả tiền. Bộ cũng chỉ đạo, khi chưa có hiệp hội, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền cần thống nhất cử ra một đại diện đi đàm phán bản quyền rồi chia sẻ việc phát sóng. Khi có hiệp hội truyền hình trả tiền thì vấn đề đàm phán, thương thảo bản quyền truyền hình sẽ đảm bảo lợi ích chung của các thành viên, đặc biệt là lợi ích của người xem và chắc chắn sẽ hạn chế những sự việc như vụ K+ vừa qua.

Trong quy chế nói trên cũng có một số quy định về việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải chịu sự quản lý về giá cước, giá dịch vụ. Tuy nhiên, sự việc của K+ sẽ là bài học để Bộ TTTT nhìn lại, đưa ra chính sách phù hợp.

Tách quản lý nội dung và quản lý kỹ thuật

Những năm qua, hoạt động truyền hình chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí. Khoảng 10 năm nay, mảng truyền hình trả tiền trở nên khá sôi động, phát triển nhanh và đang trở thành dịch vụ có sức hấp dẫn cao. Do truyền hình trả tiền liên quan đến hạ tầng, dịch vụ, chất lượng, giá cả nên nếu chỉ điều chỉnh bằng Luật Báo chí sẽ không đủ. Do đó dự thảo Quy chế quản lý của truyền hình trả tiền có sự tách bạch rõ ràng: về nội dung truyền hình trả tiền sẽ được điều chỉnh theo Luật Báo chí, còn hạ tầng sẽ được quản lý theo Luật Viễn thông. Mảng dịch vụ sẽ được chiểu theo hệ thống pháp luật chuyên ngành.

Với mảng truyền hình trả tiền, việc các đài truyền hình vừa nắm nội dung, vừa cung cấp dịch vụ sẽ dẫn đến tình trạng muốn được độc quyền cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên với định hướng quản lý mới, hoạt động dịch vụ truyền hình trả tiền sau này sẽ được tách ra khỏi các đài truyền hình thành các doanh nghiệp. Lúc đó các đài chỉ sản xuất nội dung, còn các doanh nghiệp làm dịch vụ truyền hình trả tiền có thể mua nội dung của bất kỳ nhà cung cấp nào và ngược lại. Sự gắn kết giữa mảng nội dung và dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ không mang tính bảo hộ như hiện nay.

Ông Hải cho rằng: “Việc tách bạch hai mảng nội dung và dịch vụ riêng biệt không chỉ phù hợp xu thế phát triển mà còn giúp thuận tiện cho việc điều chỉnh bằng những quy định khác nhau - tránh tình trạng lẫn lộn, gây khó khăn cho quản lý và kìm hãm sự phát triển”.

Tất nhiên, sự thay đổi này sẽ kéo theo việc sắp tới hầu hết các đài truyền hình có kinh doanh truyền hình trả tiền sẽ phải điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức. Sẽ phải tách trung tâm dịch vụ truyền hình hiện nay của các đài truyền hình ra thành doanh nghiệp (hiện trên cả nước mới có Đài Truyền hình Hà Nội và Hải Dương thực hiện).

Trong quy hoạch Truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020, Chính phủ đã xác định cơ chế quản lý hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ được áp dụng theo quy định về quản lý viễn thông. Vì thế truyền hình trả tiền sẽ có cơ hội phát triển và cạnh tranh cao như đối với thị trường viễn thông trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, trong dự thảo còn có những quy định cụ thể về thủ tục cấp phép kinh doanh dịch vụ theo hướng lựa chọn những đơn vị có năng lực thực sự về tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Hải cho biết hiện có rất ít các đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền có đủ năng lực cả về tài chính, công nghệ và nhân lực.

Theo nhận định của đại diện các sở TTTT và lãnh đạo các đài truyền hình (tại các cuộc hội thảo góp ý kiến cho dự thảo Quy chế được tổ chức trước đây), việc ban hành quy chế này sẽ là hành lang pháp lý để định hướng, phát triển truyền hình trả tiền có trọng tâm và hiệu quả, không như hiện nay cứ “mạnh ai nấy làm”, gây lãng phí và bất cập.

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nhật Bản "nhảy" vào cung cấp truyện tranh trên di động tại Việt Nam
  • Lợi nhuận của Hàng không Cathay Pacific tăng vọt
  • "Đầu cơ sự khác biệt" để thành công
  • Thương hiệu “Made in Japan” đang gặp khó!
  • Lợi nhuận của AIG đạt 1,34 triệu USD
  • Hãng xe sang BMW "bội thu" năm 2010
  • Fannie Mae lỗ 1,2 tỷ USD trong quý II/2010
  • Quy mô lớn, cạnh tranh quyết liệt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com