Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Muôn nẻo... bán hàng Việt

Ông Quách Hưng Tòng.

Nhiều năm qua, hơn ai hết, doanh nhân Việt Nam thấu hiểu cảm giác cô đơn khi một mình bươn chải ở thị trường nước ngoài, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bán hàng bằng... cảm xúc xa quê

Hơn 20 năm qua, cái cảm giác lạc lõng có khi đến ê chề ở xứ người vẫn còn ám ảnh ông Quách Hưng Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh. Mê những món ăn quê nhà, từ keo cà pháo đến hũ mắm tôm, lọ muối biển, chai mắm nêm, vị Giám đốc Công ty Hải Minh, khi đó là Việt kiều Mỹ, trở về Việt Nam đầu tư mở nhà máy sản xuất kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường này.

Nhưng lẽ đời, nói như ông Tòng, “không như là mơ”. Kỳ vọng nhiều bao nhiêu về lô hàng đầu tiên, Hải Minh lại thất vọng bấy nhiêu. Lần đầu tiên đưa hàng sang Mỹ bán cho cộng đồng người Việt ở Cali, những mặt hàng của ông bị tẩy chay vì có xuất xứ từ Việt Nam. “Khi mình chào hàng họ đã từ chối thẳng thừng, cảm giác lúc đó rất bẽ bàng và âu lo. Nhà máy vừa xây xong, vừa làm lô hàng đầu tiên đã bị thất bại. Đau nhất là người tiêu dùng vẫn có nhu cầu sử dụng những sản phẩm này, nhưng họ lại dùng hàng Thái Lan, chứ không đụng đến hàng Việt Nam”, ông Tòng kể lại. Thời điểm đó, những người Việt ở nước ngoài không dùng hàng Việt Nam không phải vì chất lượng mà phần nhiều vì tâm lý kỳ thị của những người ra đi...

Không nản chí, ông Tòng quyết định chuyển nhà máy sang Thái Lan tiếp tục sản xuất hàng Việt Nam nhưng gắn nhãn Thái Lan để bán cho cộng đồng người Việt. “Đây là quyết định làm tôi đắn đo, ray rứt rất nhiều. Nhưng công ty phải tồn tại...”, ông thổ lộ. Giai đoạn tiếp theo của ông Tòng là xúc tiến bán hàng theo cách rất riêng của mình.

Tôi thành công là may mắn đã khơi gợi được cái tình quê của người Việt xa xứ...

Người Việt xa xứ, ngay từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, đều có một cảm nhận chung về hương vị quê nhà. Cụ thể, đối với mỗi người, mùi nước mắm vẫn còn nguyên vẹn. Một người Việt lang thang trên một phố ẩm thực ở Cali, xa quê hơn 30 năm nghe thấy mùi nước mắm, chắc chắn biết ngay là mùi nước chấm của quê hương mình. Không lẫn vào đâu được. “Tôi có những người bạn, họ gọi nước mắm là mùi quê hương”. Ông Tòng nói, khi nhớ đến nước mắm, anh sẽ nghĩ đến những con cá rô béo núc trong mùa lũ được giằm với trái ớt xanh bên bát cơm gạo mới. Nhớ đến khói lam chiều bay lên quyện mùi thơm cá nướng lửa rơm trong gian bếp mù mịt khói. Cứ như vậy, những câu chuyện, hình ảnh về bản xứ được phát bằng tờ rơi, những chuyến hàng chất lượng, được rỉ tai là hàng Việt Nam..., do chính người con ở Củ Chi sản xuất đã “đánh” vào tâm tưởng của người Việt xa quê. “Mưa dầm, thấm lâu”, những cách “xúc tiến” bán hàng như vậy đã giúp Hải Minh thành công. “Một năm sau, tôi trở lại Mỹ, có người hỏi tôi những mặt hàng Việt Nam của Hải Minh lúc trước sao không thấy nữa... Người Việt mình bây giờ mê hàng ở quê lắm! Khi đó, tôi biết mình đã thành công”, ông Tòng kể lại.

Hải Minh chuyển nhà máy từ Thái Lan về lại Củ Chi và hơn 10 năm nay, những container với hơn 500 mặt hàng, từ nước tương, nước mắm, cà pháo... cho đến hủ tiếu dai, bánh phồng Sa Đéc, tương Cự Đà mang thương hiệu Việt Nam, nặng tình quê vẫn xuất đều sang cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, Canada và Pháp. “Trong tâm tưởng người Việt xa xứ luôn nặng lòng với quê hương đất nước. Những cảm xúc nhất thời rồi cũng qua đi. Tôi thành công là may mắn đã khơi gợi được cái tình quê của người Việt xa xứ...”, ông Tòng tâm sự.

Để thành công phải dấn thân

Ông Lê Văn Trí.

Không chỉ mang tâm trạng cô đơn, với những chuyến đi dài ngày, gặp gỡ những đối tác chưa quen, thuyết phục họ thử sản phẩm, tham quan nhà máy... là công việc hàng ngày của những người làm xúc tiến. Một số doanh nhân gọi những chuyến đi này là những cuộc dấn thân thật sự. Nhưng trong gian khó, nếu có niềm tin, chắc chắn những người dấn thân sẽ có cơ hội.

Trường hợp này có lẽ đúng với ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Casumina. Những năm đầu thập niên 1990, Casumina bắt đầu manh nha xuất khẩu vỏ xe. Nhưng thông tin thị trường mờ mịt, vốn liếng ít, công nghệ sản xuất của công ty vẫn còn thấp so với thế giới. Thời điểm đó, công nghệ sản xuất vỏ xe không ruột (tubeless) đang thịnh hành và khá phổ biến ở Đài Loan. Ông Trí cùng các cộng sự quyết định thực hiện chuyến tham quan xúc tiến thương mại và công nghệ ở Đài Loan.

Việc tìm đường xuất khẩu cho một sản phẩm vào quốc gia có thế mạnh về sản phẩm đó là một quyết định quá phiêu lưu với Casumina. Bởi ngoài công nghệ, những nhà sản xuất Đài Loan còn am hiểm thị trường sở tại và có mạng lưới phân phối tốt. Nhưng vị Giám đốc Casumina vẫn quyết tâm “thử vận”, với suy nghĩ, nếu không bán hàng được cho họ, thì cũng học hỏi được công nghệ làm vỏ xe. Sau khi gặp gỡ đối tác, khách hàng và “thu phục được nhân tâm”, Casumina được những khách hàng Đài Loan tiết lộ, họ phải mất năm năm mới học được công nghệ sản xuất vỏ tubeless. “Họ không hy vọng Casumina làm được những sản phẩm này, nhưng vì tôi quá mê..., nên các khách hàng Đài Loan cho phép tham quan quy trình sản xuất và giúp đỡ tiếp cận công nghệ mới này”, ông Trí kể.

Việc tìm đường xuấtkhẩu cho một sản phẩmvào quốc gia có thếmạnh về sản phẩm đólà một quyết định quáphiêu lưu với người làmkinh doanh.

Đây là ngã rẽ quan trọng của chuyến đi xúc tiến này. Trở về Việt Nam, Casumina tìm mua khuôn mẫu phù hợp và áp dụng công nghệ “tai nghe mắt thấy” từ Đài Loan để sản xuất vỏ tubeless. Mười lăm ngày sau khi kết thúc chuyến xúc tiến thương mại, Casumina đã gửi mẫu sản phẩm vừa sản xuất thử theo công nghệ mới cho khách hàng Đài Loan. “Những khách hàng Đài Loan không bình phẩm về chất lượng sản phẩm, nhưng họ quyết định đặt hàng với số lượng lớn từ Casumina”, ông Trí nói. Đó là quãng thời gian chờ đợi âu lo nhất của Casumina. Niềm vui nối những niềm vui, khi những nhà nhập khẩu ứng tiền trước cho Casumina đầu tư mở rộng sản xuất để làm những đơn hàng lớn và trừ dần vào những vỏ xe xuất khẩu của công ty.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn...

Ông Thái Hồ Hải.

Dù đã có những thành công nhất định, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi xúc tiến bán hàng ra nước ngoài. Những vấn đề như ký hợp đồng, kiểm định hàng hóa, xin giấy phép và vận chuyển hàng hóa... luôn là những vấn đề âu lo của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập. “Vấn đề phức tạp nhất là thanh toán tiền hàng. Vì thiếu kinh nghiệm, các doanh nghiệp trong nước thường vướng các vụ khiếu nại về mẫu mã, chất lượng hàng hóa, điều kiện giao hàng”, ông Thái Hồ Hải, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Lạc Phương Nam, chia sẻ. Để giải quyết những khó khăn này, ở những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, Nhà nước nên thành lập một công ty điều phối, trung tâm kho vận cho hàng Việt Nam ở nước ngoài. Trung tâm hoạt động như một công ty dịch vụ, có thu phí, với nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Trung tâm hỗ trợ hàng Việt Nam ở nước ngoài sẽ có chức năng tìm khách hàng, nghiên cứu thị trường nhập khẩu, tổ chức hệ thống kho bãi, phân phối, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Trung tâm này được thành lập sẽ là cầu nối vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên tiếp cận thị trường nước ngoài. “Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại của Nhà nước trong thời gian qua chủ yếu đi vào chiều rộng, muốn hàng Việt thâm nhập sâu hơn ở thị trường nước ngoài, Việt Nam cần có những trung tâm hỗ trợ ở nước ngoài”, ông Hải phân tích. Những rào cản về thông tin, ngôn ngữ, khả năng tiếp cận thị trường và kể cả sự e dè của doanh nghiệp mới... sẽ được giải quyết tốt khi có một trung tâm hỗ trợ hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại của Nhà nước trong thời gian qua chủ yếu đi vào chiều rộng, muốn hàng Việt thâm nhập sâu hơn ở thị trường nước ngoài, Việt Nam cần có những trung tâm hỗ trợ ở nước ngoài.

Một trung tâm hỗ trợ hàng xuất khẩu ở nước ngoài không chỉ giải tỏa nỗi “cô đơn” của doanh nghiệp khi đem chuông đi đánh xứ người mà còn là nơi quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới hiệu quả là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp trước thềm năm 2011. Bởi theo họ, văn hóa của một vùng đất, một quốc gia sẽ là bệ phóng vững chắc để hàng hóa, dịch vụ của quốc gia đó “bén rễ” và tồn tại dài lâu trong tâm trí người tiêu dùng nước ngoài.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nhường sân cho hàng ngoại
  • Hợp tác công - tư, chiếc đũa thần?
  • Viettel đầu tư ra nước ngoài: “Kỹ thuật đi trước”
  • Làm giàu từ 0 đồng
  • 30 triệu đồng kinh doanh sản phẩm gì?
  • Những con số đáng nhớ về Internet 2010
  • Những cú lội ngược dòng của nhà mạng
  • Doanh nghiệp “tự bơi” với tỷ giá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com