Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nền hành chính vì sự phát triển bền vững

Khi nền kinh tế công nghiệp chuyển dần sang kinh tế tri thức (knowledge economy) thì việc thay thế vật chất khai thác từ các nguồn tài nguyên khác nhau bằng các bit hay bytes thông tin cũng bắt đầu. Sự tăng trưởng trong nền kinh tế mới tùy thuộc vào mức độ phi vật thể hóa đó, và các chính phủ thay đổi từ cách điều hành truyền thống sang chính phủ điện tử ở các mức độ khác nhau nhằm làm chủ quá trình phát triển đồng bộ, có hiệu quả và bền vững. Ở Việt Nam, việc chuẩn bị hình thành chính phủ điện tử đã có những bước tiến dài kể từ năm 2006 khi Luật Công nghệ thông tin (CNTT) ra đời.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã cơ bản làm thay đổi bộ mặt của thế giới so với truyền thống nông nghiệp trước đó, nhưng là khởi đầu cho kỷ nguyên khai phá đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ quặng mỏ đến nhiên liệu, kèm theo sự tàn phá nhanh chóng môi trường đất, nước, sông, biển và rừng.Hậu quả hiển hiện là trái đất ngày một nóng thêm, khí hậu biến đổi với nhiều hình thái thời tiết cực đoan nguy hiểm và rồi con người phải dồn sức lực cũng như của cải vào việc ứng phó.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Trên cơ sở nhận ra con người không chỉ dùng đủ mà hoang phí các nguồn tài nguyên có hạn của mình mà quan điểm kinh tế tri thức ra đời, với các kỹ thuật công nghệ tốt hơn, khai thác các nguồn lực hợp lý và có hiệu quả hơn và tạo ra các sản phẩm vừa rẻ vừa tốt. Đặc trưng của nền kinh tế mới này là sự hiểu biết trở thành sản phẩm chính để trao đổi buôn bán: một nhà máy kỹ nghệ hiện đại có thể được hình thành ở cả những nước nghèo xa xôi thông qua việc mời gọi đầu tư hay mua công nghệ, tức sự hiểu biết (know-how), một sản phẩm phi vật thể.

Nhờ vào sự lớn mạnh của CNTT mà quá trình phi vật thể hóa (dematerialization) được đẩy nhanh. Bước đầu người ta sử dụng các sản phẩm của công nghệ mới này để khắc phục các khoảng cách nhằm tiết giảm thời gian và phí tổn đi lại. Nhưng chẳng bao lâu sau các sản phẩm CNTT, đặc biệt là máy tính và các phần mềm lập trình, được tích hợp trong các dự án sản xuất, các nhà máy để hợp lý hóa quá trình hoạt động. Kết quả là nguyên liệu sử dụng cùng công sức và thời gian bỏ ra ít hơn cho mỗi đơn vị sản phẩm và lượng rác thải phải xử lý cũng giảm đi, môi trường ít bị tàn phá làm tiền đề cho sự hình thành các nền kinh tế bền vững.

Cùng lúc đó chúng ta nhận ra rằng hệ thống hóa công nghệ thông tin xuyên suốt hoạt động của từng nhóm việc, từng địa bàn hay từng ngành kỹ nghệ giúp tăng cường hơn nữa năng lực phi vật thể hóa, tức càng tiếp cận sự phát triển bền vững nhờ vào việc tiếp nhận thông tin đầy đủ và cập nhật, điều hành nhanh hơn, bao quát và chính xác hơn. Ý niệm chính phủ điện tử bắt nguồn từ đó theo hai nét đặc trưng: ít hao tốn nhân lực tài nguyên mà quản lý điều hành nhanh gọn, chính xác. Tùy theo trình độ và hoàn cảnh ở mỗi quốc gia mà các chính phủ có mức độ điện tử hóa khác nhau, nhưng tất cả đều dùng chung các công cụ thông tin, biến công nghệ thời đại này thành thứ kỹ nghệ điều hành.

Từ chính câu chuyện thực thi chính phủ điện tử

Quá trình chuyển đổi từ lề lối điều hành truyền thống sang chính phủ điện tử ở Việt Nam đã bắt đầu với hình ảnh ấn tượng là cuộc họp giao ban trực tuyến đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4-2008. Sau đó, việc thực hiện một số dịch vụ công qua cổng thông tin điện tử tại nhiều bộ ngành và địa phương được thúc đẩy. Đến ngày 1-6 năm nay, chỉ bằng những cú nhấp chuột (click) trên máy tính, các doanh nghiệp trên toàn quốc có thể đăng ký thành lập. Nhưng đây mới chỉ là con đường triển vọng với việc cố gắng thiết lập các bộ điều hành điện tử (e-governance) ở từng cơ quan rời rạc. Chính phủ điện tử (e-government) đòi hỏi một hệ thống thống nhất hữu hiệu bao gồm đường truyền dẫn, hệ thống trang thiết bị và các chương trình có tính bảo mật cao.

Báo cáo ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2008-2009 (*) do Bộ Thông tin - Truyền thông công bố hồi tháng 3-2010 cung cấp dữ liệu cho việc đánh giá mức độ sẵn sàng điện tử (e-readiness) theo tiêu chí của Liên hiệp quốc đối với chính phủ, bộ ngành, địa phương và làm cơ sở cho kế hoạch triển khai chính phủ điện tử ở Việt Nam. Mức độ ứng dụng CNTT ở nước ta tăng lên rất nhanh, nay đã đạt tỷ lệ 5,19 máy tính trên 100 dân. Số hộ dân có máy tính tăng từ 5,14% năm 2004 lên 7,73% vào năm 2006, 10,35% vào năm 2008 và đến năm 2009 thì số hộ dân có kết nối Internet vào máy tính đã lên đến 9,17% cùng với số người sử dụng Internet từ khoảng 6,3 triệu năm 2004 lên 22,8 triệu năm 2009, chiếm 26,55% trên tổng dân số.

Việc trang bị hạ tầng và ứng dụng CNTT nơi các cơ quan nhà nước đang triển khai nhanh với tỷ lệ máy tính trên cán bộ, viên chức và tỷ lệ máy tính nối mạng Internet đều đạt mức cao ở cả các bộ ngành (81,41% và 69,78%) cũng như các địa phương (55,87% và 71,47%), nhưng thể hiện hai điểm yếu. Thứ nhất, việc phân bổ phương tiện không đều do mỗi cơ quan đặt mua theo khả năng riêng, chưa có sự chỉ đạo đồng bộ. Cho nên mới xảy ra tình trạng các ngành có yêu cầu dịch vụ công cao như ngành y tế hay các tỉnh xa ở ĐBSCL lại yếu trong khâu trang bị hạ tầng CNTT. Thứ hai, cho đến nay vẫn chưa có hệ thống phần mềm chuẩn cho từng nội dung ứng dụng, thậm chí cả nhiều biểu mẫu chuẩn cũng chưa có, điều mà chúng ta có thể làm được từ lâu.

Bằng công văn số 577/TTG-TCCV ngày 12-4-2010 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng cao chất lượng của việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, một khâu trọng yếu trong mục tiêu điện tử hóa chính phủ. Đây hẳn là một trắc nghiệm khắt khe để đánh giá mức độ sẵn sàng điện tử. Chúng ta nhận ra rằng đã có những bước đi chậm chạp và lúng túng trong việc cải tiến thủ tục hành chính suốt nhiều năm qua. Điều này cho thấy còn nhiều việc phải làm để nước ta có một chính phủ điện tử hữu hiệu, bao gồm việc nâng cao quyết tâm chính trị, tìm kiến trúc sư trưởng, đào tạo nhân lực, trang bị đồng bộ, lập trình phần mềm và nối liền hệ thống truyền dẫn cùng tổ chức các trung tâm nối mạng dịch vụ công cho những nơi không có điều kiện hay những ai không có nhu cầu sử dụng Internet thường xuyên.

(Theo Hoàng Xuân Phương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Thương mại điện tử bắt đầu vào guồng
  • Thời của game 3D đang đến
  • Bán bánh mì tươi hốt bạc triệu
  • Hương cà phê trong cuộc chiến thị phần
  • Các hãng xe thi nhau chiều khách hàng Trung Quốc
  • Kiểm toán cũng lỗ, sai sót khó đền
  • All Nippon Airways công bố lỗ ròng 610 triệu USD
  • Lợi nhuận Nintendo giảm mạnh do doanh số bán Wii
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com