Từ việc ba công ty kiểm toán lớn lỗ 96 tỉ đồng - Kiểm toán cũng lỗ, sai sót khó đền
Thông tin ba công ty kiểm toán lớn lỗ 96 tỉ đồng gây sốc cho giới kiểm toán. Nhiều dấu hỏi xung quanh thông tin không rõ ràng từ bộ Tài chính và hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng như dấy lên mối lo từ các nhà đầu tư, về chất lượng kiểm toán.
Những khoản phí ngoài quy định thường được hạch toán ẩn vào các chi phí khác, rất khó bị phát hiện bởi kiểm toán. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Hồng Thái |
Cho đến nay, thị trường kiểm toán đã có sự phân chia tương đối rõ ràng. Khách hàng của các công ty kiểm toán nước ngoài là các tập đoàn, công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, các dự án có vốn nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư của nước ngoài, niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế hay những tổng công ty, tập đoàn của Việt Nam có hoạt động phức tạp và quy mô tài chính lớn. Trong các công ty kiểm toán Việt Nam cũng có sự phân chia: những công ty kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán các công ty niêm yết và công ty lớn; công ty kiểm toán nhỏ thì phục vụ đại bộ phận những doanh nghiệp nhỏ, hoạt động tại Việt Nam và không có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài. Trong quá trình cạnh tranh, những hiện tượng về giảm giá, chất lượng, nói xấu nhau… giữa các công ty kiểm toán là không tránh khỏi.
Dấu hỏi cho sự bảo đảm
“Giảm phí, đây chính là vấn đề!”, ông Bùi Văn Mai, tổng thư ký VACPA nói. Ông Mai cho rằng, mức phí hiện tại vẫn chưa đủ để các công ty kiểm toán trang trải cũng như công sức họ bỏ ra. Ông nói: “Trên góc độ xã hội, phí giảm không khuyến khích phát triển. Tôi đã nói rất nhiều với uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bộ Tài chính về chuyện chất lượng và giá phí phải tương đương”.
Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nam, giám đốc công ty TNHH Kiểm toán độc lập quốc gia Việt Nam nói: “Đúng là công ty kiểm toán nước ngoài có những hợp đồng giá phí rất cao, nhưng đó là hợp đồng từ công ty mẹ khi kiểm toán các tập đoàn đa quốc gia và họ muốn công ty con của họ ở Việt Nam cũng được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đó. Còn trong nước, họ đang cạnh tranh với công ty trong nước bằng cách hạ giá phí, nhất là các công ty hoạt động độc lập tại Việt Nam thì mức độ cạnh tranh càng khốc liệt hơn”.
Ông Nam cho rằng, giảm giá phí để cạnh tranh là một trong những nguyên nhân khiến ba công ty lớn lại lỗ đến 96 tỉ đồng. Ông phân tích, việc giảm giá phí đã ảnh hưởng tới nguồn phí để trang trải cho hoạt động của công ty khi tiền lương và chi phí hoạt động không thể giảm. Theo ông Nam, bộ Tài chính cần phải quy định mức phí kiểm toán. Có như vậy, sự cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán sẽ lành mạnh hơn, không ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán. Khi ấy, sự cạnh tranh chỉ dựa trên danh tiếng, quy mô và mối quan hệ của mỗi doanh nghiệp.
Do đặc thù hoạt động của công ty kiểm toán thường sử dụng vốn là chất xám nên vốn đầu tư vào rất ít nên xuất hiện câu hỏi: nếu có những sai sót trọng yếu trong báo cáo kiểm toán thì họ có bồi thường được không? Hoạt động của họ đang lỗ thì lấy gì mà bồi thường, đặc biệt là những công ty kiểm toán hoạt động độc lập tại Việt Nam thì không có chuyện công ty mẹ ở nước ngoài bồi thường hộ. Có người còn đặt vấn đề: liệu có nên cho công ty kiểm toán bị lỗ kiểm toán không?
Đến lúc phải siết…
Trong năm 2009, bộ Tài chính có phạt một công ty kiểm toán do sai phạm khi kiểm toán và đưa ra ý kiến xác nhận về vốn góp điều lệ tại ngày 28.2.2008 của công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu. Tuy nhiên, công ty kiểm toán nào thì bộ Tài chính lại không nêu tên.
Một vấn đề này cần phải siết đó là chất lượng báo cáo kiểm toán. Có nhiều yếu tố tác động tới chất lượng như chất lượng nhân lực, số lượng, nghiệp vụ... Chỉ riêng về số lượng kiểm toán viên, có thể thấy họ trong tình trạng quá tải. Theo quy định, một công ty kiểm toán đủ khả năng kiểm toán công ty niêm yết khi có thời gian hoạt động trên ba năm và có bảy kiểm toán viên hoạt động từ ba năm trở lên. Trong khi số lượng công ty niêm yết tăng khá nhanh. Mới đây, báo cáo giữa kỳ của công ty niêm yết được yêu cầu phải có kiểm toán soát xét. Điều này khiến cho khối lượng công việc cho mỗi kiểm toán viên tăng lên. Từng có thư nặc danh gửi tới bộ Tài chính để điểm chỉ công ty kiểm toán sai phạm và từ đó, bộ Tài chính và VACPA phát hiện ra sai phạm phổ biến tại các công ty kiểm toán là kiểm toán viên đăng ký hành nghề toàn thời gian nhưng chỉ làm bán thời gian. Do làn sóng mở công ty chứng khoán, quỹ, công ty tài chính, ngân hàng trong năm 2007, 2008 đã làm cho các công ty kiểm toán thiếu hụt nhân sự và chấp nhận cho họ làm hai nơi. Điều này đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của công ty kiểm toán và chất lượng báo cáo kiểm toán.
Thống kê từ 131 công ty kiểm toán (có báo cáo VACPA) cho thấy, số lượng khách hàng năm 2009 là 25.875 khách hàng. Trong khi đó, số người có chứng chỉ kiểm toán viên: 1.100. Giả sử số người có chứng chỉ đều tham gia kiểm toán hơn 25.000 khách hàng, tính ra mỗi năm họ phải kiểm toán 23 đơn vị. Còn nếu tính thêm việc soát xét báo cáo giữa kỳ, mỗi kiểm toán viên hàng năm phải kiểm toán 46 đơn vị.
Còn vấn đề nữa, quan trọng hơn, theo ông Mai, chất lượng báo cáo kiểm toán còn phụ thuộc vào khâu kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Nhưng hiện nay, thanh tra, kiểm soát chưa được hình thành một cách thường xuyên liên tục. Chỉ khi có vụ việc gì xảy ra mới lập đoàn thanh tra đi kiểm tra để xử lý. Trong khi đó, việc xử lý của Nhà nước cũng chưa mạnh tay và nghiêm minh.
(Theo Minh Huệ // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com